Nhiều khách sạn lớn giữa Hà Nội đã được tư nhân đưa vào tầm ngắm
Huyền Thư (Vnexpress) - 08/11/2015 19:06
 
Thắng Lợi, Hilton hay Kim Liên sắp tới... là những khách sạn được các nhà đầu tư bên ngoài săn đón khi Nhà nước bán cổ phần.

Trong bối cảnh ngân sách bội chi và Nhà nước vừa quyết thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có những tên tuổi như Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh, Bảo hiểm Bảo Minh..., Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) từng đưa ra đề xuất Chính phủ nên bán thêm các khách sạn lớn, đang được quản lý bởi doanh nghiệp Nhà nước hay là phần vốn góp của thành phố trong các liên doanh nước ngoài để thu tiền về.

Hiện tại, du lịch là một trong những ngành đang phát triển mạnh ở Việt Nam, việc bán những khách sạn nằm ở vị trí đắc địa trong lịch sử đã thu hút rất nhiều sự chú ý của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Dưới đây là một số khách sạn lớn ở thủ đô đã có sự tham gia của tư nhân khi Nhà nước mở cửa hoặc một số đang nằm trong tầm ngắm.

Khách sạn Thắng Lợi

nhung-khach-san-lon-tai-ha-noi-duoc-tu-nhan-nhom-ngo

Khách sạn Thắng Lợi.

Năm 2014, Tập đoàn BRG gây xôn xao thị trường khi sở hữu vốn trong Công ty TNHH Một thành viên Khách sạn Du lịch Thắng Lợi, đơn vị quản lý khách sạn 4 sao - Thắng Lợi nằm trên đường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội). Đây được đánh giá là một trong những địa điểm nghỉ dưỡng có vị trí đắc địa của thành phố, nằm bên hồ với tổng diện tích khoảng 4,5ha, đưa vào hoạt động từ giữa năm 1975.

Lãnh đạo công ty cho biết theo quyết định của Thủ tướng về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp thì đơn vị này được gọi vốn liên doanh với các đối tác trong, ngoài nước. Sau đó, Tập đoàn BRG cùng một số đối tác khác đã liên doanh để góp vốn vào công ty.

Tập đoàn BRG đầu tư và hoạt động tập trung trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và sân golf... BRG đang vận hành hàng loạt sân golf nổi tiếng ở miền Bắc như Kings’ Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng), Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội)...

Khách sạn Hilton Opera

nhung-khach-san-lon-tai-ha-noi-duoc-tu-nhan-nhom-ngo-1

Khách sạn Hilton.

BRG tiếp tục ghi dấu ấn trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn khi trở thành nhà đầu tư chiến lược của Công ty TNHH Một thành viên Thăng Long GTC thông qua công ty thành viên là Thung Lũng Vua.

Thăng Long GTC là một tên tuổi không quá nổi bật trong ngành kinh doanh khách sạn, song giá trị nhất đơn vị nằm ở các khoản đầu tư liên doanh tại khách sạn Hilton Opera, InterContinental Westlake, Capital Tower... Vì lẽ đó, trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), đã có tới 18 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần công ty, gấp 3 lần lượng đưa ra đấu giá.

Hilton Opera đạt tiêu chuẩn 5 sao, nằm ở trung tâm thành phố, gần Nhà hát lớn, phía Nam của khu phố Cổ, đi vào hoạt động từ năm 1999 với 269 phòng nghỉ và phòng căn hộ. Theo giấy phép kinh doanh, Thăng Long GTC nắm 30% vốn điều lệ của khách sạn. 

Khách sạn Deawoo

nhung-khach-san-lon-tai-ha-noi-duoc-tu-nhan-nhom-ngo-2

Khách sạn Daewoo.

Theo văn kiện đại hội cổ đông thường niên năm 2015, Công ty Cổ phần Bông Sen, thành viên của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn thông báo quyết định mua 51% cổ phần của Trung tâm Thương mại Daeha, còn được gọi là Tổ hợp khách sạn Daewoo.  

Công ty dự kiến chi 3.650 tỷ đồng để thực hiện thương vụ, tương ứng với mức định giá của cả tổ hợp là 7.157 tỷ đồng (hơn 320 triệu USD). Đến 31/7/2015, Bông Sen cho biết đã mua thành công 34,8% cổ phần Trung tâm Thương mại Daeha và đang tiếp tục thương lượng để hoàn tất.

Khai trương vào năm 1996, Deawoo - tọa lạc trên diện tích 3ha tại số 360 Kim Mã, là một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng tại Hà Nội. Khách sạn từng được nhiều chính khách cao cấp quốc tế như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Nga - Vladimir Putin, cựu Chủ tịch Trung Quốc - Hồ Cẩm Đào... chọn nghỉ tại đây khi sang Việt Nam.

Chủ đầu tư ban đầu của khách sạn là Công ty Daewoo E&C Hàn Quốc và Công ty TNHH Một thành viên Hanel của Việt Nam. Trong đó, phía Hàn Quốc nắm 70% vốn. Sau khoảng 16 năm hợp tác, năm 2012, Hanel bất ngờ công bố mua thành công 70% vốn của doanh nghiệp Hàn Quốc và trở thành chủ sở hữu khách sạn Deawoo.

Hanel được thành lập năm 1984, trực thuộc UBND thành phố Hà Nội. Mới đây, thành phố đã phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty, trong đó sẽ bán 61% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, bán đấu giá công khai chiếm gần 10%.

Khách sạn Kim Liên

nhung-khach-san-lon-tai-ha-noi-duoc-tu-nhan-nhom-ngo-3

Phiên bán đấu giá cổ phần khách sạn Kim Liên đang được nhà đầu tư chờ đón.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo bán đấu giá cả lô hơn 3,6 triệu cổ phiếu của Công ty Du lịch Kim Liên, đơn vị quản lý trực tiếp khách sạn Kim Liên với giá khởi điểm là 30.600 đồng mỗi cổ phiếu. Số cổ phần SCIC chào bán tương đương với 52,4%, giá tối thiểu đưa ra là 112 tỷ đồng.

Khách sạn Kim Liên tiền thân là khách sạn Bạch Mai, được thành lập năm 1961 và là một trong những điểm lưu trú có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, toạ lạc trên khu đất 3,5 ha ở phố Đào Duy Anh (Đống Đa). Khách sạn có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng.

Trong phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 22/12 tới đây, với vị trí đắc địa và số cổ phần bán ra hơn 50%, cổ phần khách sạn Kim Liên dự báo thu hút được nhiều nhà đầu tư bên ngoài. Ngoài SCIC, hiện công ty còn có các cổ đông lớn như GPBank sở hữu 21,6%, Công ty Tài chính bưu điện PTFinace 6,7%, GP Invest chiếm 6,6%.

Khách sạn Sofitel Metropole

nhung-khach-san-lon-tai-ha-noi-duoc-tu-nhan-nhom-ngo-4

Khách sạn Metropole được đánh giá là một những địa điểm đẹp nhất Hà Nội.

Metropole được xây dựng từ năm 1901 và là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Hà Nội. Hiện hai đơn vị sở hữu vốn lớn nhất của Metropole là Công ty quản lý quỹ VinaCapital và Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist). Trong đó, đối tác ngoại nắm 50% cổ phần, tương đương giá trị sổ sách là 58,7 triệu USD.

Năm 2012, VinaCapital từng đánh tiếng muốn bán hết toàn bộ số cổ phần trên và thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng đến nay giao dịch vẫn chưa có kết quả. Các công ty môi giới bất động sản đều cho rằng giao dịch trên sẽ khó thực hiện bởi thời điểm đó tình hình kinh tế còn ảm đạm và cổ đông Nhà nước, tức Hanoi Tourist vẫn kiểm soát hoạt động kinh doanh của khách sạn.

Tuy nhiên, một động thái mới khiến giới đầu tư chú ý là Hanoi Tourist đang trong kế hoạch phải sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và trong tương lai có thể phát hành thêm cổ phiếu, thay đổi cục diện. Hanoi Tourist thông qua các công ty con còn nắm cổ phần tại nhiều khách sạn khác, như Hilton, Hanoi Hotel và Pullman Hà Nội... Trong các phiên IPO các công ty thành viên Thăng Long GTC hay Hanoi Toserco đều thu hút nhà đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản