Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Áp lực thoái vốn nhà nước lớn dần
 
8 tháng, các doanh nghiệp cả nước thoái được 8.391 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 12.384 tỷ đồng, song mục tiêu trong 4 tháng còn lại của năm cũng tương đương bằng con số thực hiện trong khoảng thời gian gấp đôi trước đó. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi cách làm mới, quyết liệt đối với nhiều tập đoàn, tổng công ty.
Tuần tới, PVC sẽ tổ chức một hội thảo để giới thiệu danh mục cần thoái vốn
Tuần tới, PVC sẽ tổ chức một hội thảo để giới thiệu danh mục cần thoái vốn

Bên bán chủ động

Tuần tới, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) sẽ tổ chức một hội thảo với quy mô gần 200 khách mời. Đây đều là các nhà đầu tư đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác, bỏ vốn vào lĩnh vực xây lắp, bất động sản.

Tại sự kiện này, PVC sẽ giới thiệu danh mục gần 15 công ty và khoảng 30 dự án bất động sản cần thoái vốn. Trước đó, nhà đầu tư quan tâm đến các dự án hoặc doanh nghiệp dạng này cũng đã có những cuộc tiếp xúc, trao đổi để đặt vấn đề hợp tác song thông tin không đầy đủ, lẻ tẻ, rất khó để đàm phán. Nay họ có thể tiếp cận với một bức tranh toàn cảnh về danh mục PVC muốn thoái vốn, để từ đó có những quyết định tốt nhất cho mình.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực Hà Nội thông báo bán đấu giá 81,6 triệu đơn vị, tương đương 17,02% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). EVN là cổ đông chiến lược của ABBank từ năm 2005 với số lượng sở hữu 76,85 triệu đơn vị, tương đương 16,02% vốn điều lệ.

Tổng công ty Điện lực Hà Nội nắm 4,7 triệu cổ phiếu của Ngân hàng, tương đương 1% vốn điều lệ. Dù đã một vài lần thất bại trong các đợt bán đấu giá cổ phần ABBank năm ngoái, lần này, EVN vẫn tiếp tục đưa ra giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu. Bối cảnh thị trường đã khác, hơn nữa theo nguồn tin từ Tập đoàn, đã có một số nhà đầu tư tiềm năng quan tâm đến việc mua số cổ phần này, bởi vậy, khả năng về một đợt thoái vốn thành công không phải là thấp.

Năm 2015 là năm cuối thực hiện Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015, EVN cho biết, sẽ quyết tâm hoàn thành việc thoái vốn trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc CTCK SHS nói rằng, với quyết định cho phép bán cổ phần theo lô vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tiến độ các đợt thoái vốn nhà nước có thể đẩy nhanh hơn rất nhiều. Cổ phần vừa dễ bán vừa có khả năng đạt giá cao.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 vừa qua, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một nội dung được trao đổi nhiều nhất. Tại đây, Thủ tướng đã nêu tên các tập đoàn, tổng công ty  chậm trễ thực hiện nhiệm vụ và một lần nữa nhắc lại, nếu lãnh đạo các doanh nghiệp không khẩn trương và quyết liệt, sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật. Tất nhiên, thoái vốn chậm trễ có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những nguyên nhân khách quan, song giới chuyên gia cho rằng, cần làm rõ các chế tài, các mức xử phạt thay vì nêu quy định chung chung. 

Bên mua có nhiều cơ hội

Theo Ban Đổi mới doanh nghiệp, đến cuối tháng 8/2015, các doanh nghiệp cả nước thoái được 8.391 tỷ đồng, thu về 12.384 tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách. Trong đó, lĩnh vực bất động sản thoái được 2.690 tỷ đồng, thu về 3.177 tỷ đồng; lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, tài chính là 1.295,4 tỷ đồng, thu về 1.346,5 tỷ đồng; bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 4.406 tỷ đồng, thu về 7.861 tỷ đồng.

Như vậy, so với 9 tháng đầu năm 2014, thoái được 3.488 tỷ đồng, kết quả thoái vốn về giá trị theo sổ sách tăng 140%. Các đơn vị thoái vốn đạt kết quả tốt gồm Tập đoàn Viễn thông Quân đội (thoái 2.655 tỷ đồng, thu về 3.169 tỷ đông), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (thoái 918 tỷ đồng, thu về 1.256 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (thoái 961 tỷ đồng, thu về 2.604 tỷ đồng), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (thoái 362 tỷ đồng, thu về 1.122 tỷ đồng).

Từ nay đến cuối năm, bên cạnh sự chủ động của bên bán, gần đây, Chính phủ tiếp tục có các quyết định về việc giảm vốn Nhà nước tại các lĩnh vực, doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ sẽ khiến bên cung phong phú hơn.

Đơn cử, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện bán hết phần vốn nhà nước đang nắm giữ tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP trong năm 2015. Hiện doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh tỷ lệ cổ phần của Vinalines nắm giữ tại các cảng biển trực thuộc sau cổ phần hóa, dự kiến hạ xuống 20%, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 9/2015. Theo phê duyệt của Thủ tướng trước đó, tỷ lệ cổ phần Vinalines nắm giữ tại: CTCP Cảng Hải Phòng là từ 65% đến 75%, CTCP Cảng Sài Gòn là từ 50% đến dưới 65%.

Viettel, VNPT, MobiFone: Ráo riết thoái vốn ngoài ngành
Theo yêu cầu của Chính phủ, đến hết năm 2015, các “ông lớn” viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone sẽ phải hoàn thành thoái vốn ngoài ngành.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư