Nội thất xa xỉ “đo ni đóng giày” phục vụ giới thượng lưu
Anh Hoa - 15/12/2020 14:29
 
Cánh cổng các hãng nội thất xa xỉ trên thế giới tiến vào thị trường Việt Nam đang mở rộng. Hãng nào đạt chuẩn phong cách sống thượng lưu với chi tiết cầu kỳ, nguyên bản sẽ chiếm ưu thế.
Không gian trưng bày các sản phẩm nội thất xa xỉ của Eurasia Concept tại Hà Nội.
Không gian trưng bày các sản phẩm nội thất xa xỉ của Eurasia Concept tại Hà Nội.

“Làn gió mới” của Hà Nội

Giữa không gian trưng bày rộng 2.500 m2 của Eurasia Concept tại Tòa nhà T-Place trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ông Vincent Au, Giám đốc Phát triển kinh doanh Eurasia Concept bước chậm rãi qua từng khu vực. Có lúc, ông dừng lại thật lâu để ngắm, sờ và kiểm tra từng món đồ nội thất, vật phẩm trang trí của các thương hiệu kinh điển đã làm nên

lịch sử của ngành nội thất thế giới như B&B Italia, Cassina, Cappellini, Etro Home, Giorgetti, Luxury Living Group (gồm Fendi Casa, Bentley Home, Trussardi Home, Bugatti Home), Medea, Poltrona Frau, Visionnaire… cùng các thương hiệu vật phẩm trang trí như Culti Milano, Moser, Frette, Venini…

Mỉm cười thích thú, ông bảo: “Đó là thành quả sau những nỗ lực tìm kiếm mặt bằng ưng ý để mở rộng địa bàn kinh doanh. Hà Nội sẽ được thổi một làn gió mới của phong cách Italia tinh tế từ chi tiết đến tổng thể. Những món nội thất nguyên bản ngay lập tức mang đến sự sang trọng cho toàn bộ không gian trong căn nhà của tầng lớp thượng lưu”.

Để đưa được Eurasia Concept ra tới Hà Nội, ông Vincent Au và các cộng sự đã phải mất tới 2 năm, bởi tìm được mặt bằng ưng ý và theo đúng chuẩn ở trung tâm Hà Nội là việc vô cùng khó khăn.

Showroom đầu tiên tại Hà Nội là showroom thứ 3 của nhà phân phối độc quyền những thương hiệu nội thất nguyên bản nổi tiếng bậc nhất thế giới tại Việt Nam này. Ông Vincent Au rất tự tin, Eurasia Concept sẽ khai thác thành công thị trường Thủ đô, được đánh giá là vô cùng tiềm năng.

Nhớ lại những tháng ngày đầu tiên lựa chọn đưa các dòng sản phẩm nội thất cao cấp từ châu Âu về Việt Nam, khi tới Italia hay các nước châu Âu, ông Vincent Au đã lựa chọn rất nhiều thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Thời điểm đó, các bạn hàng đều có một câu hỏi chung: Thị trường Việt Nam đã sẵn sàng với những sản phẩm nội thất nguyên bản từ những nhà thiết kế lừng danh thế giới chưa? Câu trả lời của Eurasia Concept là: Người Việt Nam rất yêu cái đẹp và hoàn toàn hiểu rõ giá trị của những thiết kế nguyên bản mang tầm quốc tế.

Giờ đây, sau 5 năm, tất cả bạn hàng quốc tế đều phải công nhận, Eurasia Concept đã mở ra một cánh cổng mới cho nội thất cao cấp thế giới tiến vào thị trường tiềm năng như Việt Nam. Đây là mảnh đất đã chờ đợi từ rất lâu những giải pháp thuận tiện để cải thiện phong cách sống lên một nấc thẩm mỹ cao hơn.

Nhiều năm cung ứng tại thị trường Việt Nam giúp Eurasia Concept thấu hiểu nhu cầu của khách hàng giới thượng lưu. Nếu như khách hàng tại TP.HCM có xu hướng yêu thích trường phái đương đại hoặc hiện đại với thiết kế nhiều màu sắc, thì nhiều khách hàng tại Hà Nội có xu hướng yêu thích các sản phẩm theo trường phái cổ điển và tân cổ điển. Đây là điểm mạnh của Eurasia Concept.

Ông Vincent Au chia sẻ, khách hàng của Eurasia Concept mong muốn tiếp cận lối sống đẳng cấp và chia sẻ phong cách này tới người thân trong những cuộc gặp mặt thân mật tại tư gia. Cùng với những khách hàng thuộc giới tinh hoa tại Việt Nam, Eurasia Concept đang xây dựng một lối sống tiện nghi, theo kịp những chuẩn mực của cái đẹp trong lối sống của mỗi khách hàng.

Danh tiếng của Eurasia Concept còn được biết đến qua các dự án hợp tác trang trí nội thất khách sạn với yêu cầu về tính thẩm mỹ cực kỳ khắt khe. Đó có thể là những thiết kế mang tính nguyên bản ở khu vực lobby (hành lang), phòng tổng thống hay thậm chí là tư gia của nhiều khách hàng cá nhân tầm cỡ.

Các dự án trang trí nội thất của Hãng trải dài qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và nổi trội gần đây nhất là dự án tại khách sạn cao cấp The Reverie Saigon Hotel (quận 1, TP.HCM). Sherwood Suites với phòng Designer Suite được trang trí hoàn toàn bằng nội thất của Eurasia Concept, tạo nên một không gian sang trọng, ấm cúng cho khách lưu trú.

So kè về độ “đo ni đóng giày”

Nếu như trước kia, giới siêu giàu thường có xu hướng khoe sự giàu có qua những dinh thự dát vàng hay ốp gỗ từ trong ra ngoài, những món đồ quý giá, hoành tráng như tượng ngọc hay bộ tràng kỷ làm bằng gỗ quý…, thì giờ đây, họ thường chọn mua những món nội thất xa xỉ từ những thương hiệu có danh tiếng trên thế giới.

Không chỉ cầu kỳ trong việc lựa chọn thương hiệu, giới thượng lưu còn đang thể hiện độ giàu có cùng gu thẩm mỹ cao cấp của bản thân qua xu hướng đặt hàng những món nội thất bespoke (độc bản), được “đo ni đóng giày” cho không gian sống của mình. Một bộ bàn, bộ sofa, đèn ngủ… do các nhà thiết kế đến tận nơi đo đạc và thiết kế riêng cho không gian căn nhà đang là xu hướng được ưa chuộng.

Cần phải nói thêm rằng, không phải đến thời điểm này, thị trường đồ nội thất xa xỉ mới sôi động ở Việt Nam. 5 năm trước, các thương hiệu nội thất xa xỉ đã nghiên cứu thị trường và cho rằng, khoảng 1,5 triệu người Việt Nam có đủ khả năng sử dụng những sản phẩm cao cấp và 52% người Việt Nam đã chi tiền mua các sản phẩm xa xỉ.

Điều này được chứng minh qua mức tăng trưởng giá trị nhập khẩu nội thất của Việt Nam khoảng 33% trong thời gian qua (theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Concetti). Trong đó, Italia dẫn đầu khu vực châu Âu và đứng thứ 3 toàn cầu với khoảng 7% thị phần. Các cuộc thăm dò thị trường trực tiếp của các thương hiệu đến từ Italia ngày một dày đặc.

Ông Leonardo Cangioli, đại diện thương hiệu đèn trang trí cao cấp Officina Luce cho biết, bình quân mỗi sản phẩm thiết kế sẵn có giá khoảng 1.300 - 20.000 euro (khoảng 35 - 550 triệu đồng) và có thể cao gấp vài lần nếu “may đo” theo sở thích riêng.

Mức giá không hề rẻ, nhưng ông Leonardo vẫn tự tin, sản phẩm Officina Luce sẽ tiêu thụ ổn định nếu vào thị trường Việt Nam, bởi giới thượng lưu tại Việt Nam đang tăng nhanh về số lượng, kéo theo thị hiếu tiêu dùng chuyển dịch mạnh sang các sản phẩm nhập khẩu.

Vị này tiết lộ, thương hiệu Officina Luce xác định, ngay từ đầu sẽ bán những chiếc đèn chế tác hoàn toàn bằng tay, mạ vàng 24K… cho giới thượng lưu. Tại Thượng Hải (Trung Quốc), khách hàng tiềm năng của Officina Luce là những người có thu nhập trên 200.000 USD/năm.

Khi tiếp cận thị trường Việt Nam, các thương hiệu xa xỉ của Italia rất lạc quan, họ sẵn sàng cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ đến từ châu Âu.

Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trung bình hàng năm, mức tiêu thụ hàng nội thất cao cấp tại Việt Nam đạt hơn 2,5 tỷ USD. Trong đó, 80% là sản phẩm nội thất nhập khẩu từ các nước châu Âu, 20% là sản phẩm của Việt Nam. Các nước xuất khẩu đồ nội thất nhiều nhất trên thế giới là Trung Quốc, Đức, Italia, Ba Lan và Việt Nam. Các nước nhập khẩu nhiều nhất là Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Anh và Canada.

Đối thủ trực tiếp trong phân khúc xa xỉ của của các thương hiệu Italia là các thương hiệu đến từ Đức. Được biết, các thương hiệu đến từ Đức luôn chấp nhận tùy biến và sản xuất số lượng nhỏ cho khách hàng.

Đại diện của Công ty Thiết kế nội thất AA cho hay, các nhãn hiệu nội thất danh tiếng nhất của giới thượng lưu đều đến từ Italia là Minotti, Fendi Casa, Missonihome, Fornasetti, Arclinea… Cũng giống như những món hàng thời trang xa xỉ như LV, Hermes hay đồng hồ Rolex, Hublot…, đồ nội thất có thương hiệu là một sự khẳng định đẳng cấp của gia chủ. Một người được coi là giàu có khi bỏ hàng chục tỷ đồng mua một căn biệt thự, nhưng chắc chắn phải là người siêu giàu mới sẵn sàng chi 5 tỷ đồng cho một bộ đèn phòng khách, một chiếc bình hoa trang trí bằng pha lê có giá 500 triệu đồng.

Sang trọng hay thượng lưu vốn là khái điệm không dễ định nghĩa rạch ròi, nhưng chắc chắn, một ngôi nhà đạt chuẩn mực phong cách sống thượng lưu phải nằm ở chi tiết cầu kỳ, nguyên bản.

Thông qua chi tiết, khách hàng thượng lưu sẽ biết được các nhà sản xuất quan tâm tới người tiêu dùng ra sao, từ đó, phần nhiều đánh giá được chất lượng sản phẩm và giá trị thương hiệu. Ngoài ra, trong tổng thể một ngôi nhà, các chi tiết cũng thể hiện được sự tận tâm với không gian và trải nghiệm sống theo từng phút giây của gia chủ.

Thông thường, khi lựa chọn các thương hiệu, khách hàng sẽ chú trọng vào đặc tính sang trọng đến từ chất liệu cao cấp, tư duy thiết kế bền vững và chi tiết tinh tế kèm theo cảm xúc sáng tạo, mới mẻ.

Theo đó, nhà sản xuất hay nhà phân phối nào nắm được các yếu tố trên sẽ được khách hàng lựa chọn. Thậm chí, họ phải bỏ rất nhiều chi phí để tạo dựng thị trường nội thất nguyên bản tại Việt Nam. Eurasia Concept cũng không ngoại lệ. Trong 5 năm tạo dựng thị trường, Eurasia Concept đã thực hiện 12 chủ đề “Design Talk” với những nhà thiết kế hàng đầu thế giới như Phillippe Starck, Giulio Cappellini, Carlo Colombo, Patricia Urquiola, Naoto Fukasawa và nhiều nhà thiết kế khác để đưa thế giới thiết kế đến gần với giới mộ điệu Việt Nam.

Trong thời gian tới, tại thị trường Hà Nội, Eurasia Concept sẽ tạo điều kiện để các buổi Design Talk được lan tỏa đến những người đam mê nghệ thuật thiết kế trên cả nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản