Phân khúc nhà ở xã hội “đắt hàng” từ lúc chưa mở bán
Thanh Vũ - 25/02/2025 09:26
 
Dù chất lượng không bằng, nhưng có mức giá thấp hơn 2 - 3 lần so với chung cư thương mại nên các dự án nhà ở xã hội không cần quảng bá rầm rộ vẫn thu hút hàng ngàn khách hàng quan tâm.

Với 25 triệu đồng/m2, Dự án UDIC Eco Tower Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã “soán ngôi” NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) để trở thành khu nhà ở xã hội có giá mở bán cao nhất tại Thủ đô. Tuy nhiên, so với các chung cư thương mại cũ trong khu vực, mức giá này vẫn thấp hơn 2,4 lần. Chẳng hạn, chung cư Eco Dream cũng nằm tại xã Tân Triều và được bàn giao cách đây 6 năm, nhưng giá căn hộ đã lên tới 60 triệu đồng/m2. Tương tự, chung cư Eco Green City cũng ghi nhận mức giá 60 - 62 triệu đồng/m2 dù đã 7 năm tuổi.

Giá rẻ là lý do khiến nhiều người đổ xô mua nhà ở xã hội. Theo chủ đầu tư Dự án UDIC Eco Tower Hạ Đình, khi thông tin giá bán vừa xuất hiện, rất nhiều người đã liên tục gọi hỏi cách nộp hồ sơ đăng ký mua căn hộ, dù thời điểm tiếp nhận dự kiến là quý IV/2025.

Tương tự, với dự án nhà ở xã hội Rice City Long Châu (quận Long Biên, Hà Nội), do CTCP BIC Việt Nam là chủ đầu tư cũng thu hút sự quan tâm lớn từ phía khách hàng và các đơn vị truyền thông.

Ông Bùi Duy Thanh, Trưởng phòng Kinh doanh CTCP BIC Việt Nam cho biết, ngay cả khi thông tin mở bán còn chưa hé lộ, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại hỏi về dự án.

Trong năm 2024, số lượng dự án nhà ở xã hội mà các địa phương đăng ký hoàn thành chỉ là 108 dự án, tương ứng 47.532 căn hộ. Còn trong năm nay, quy mô được nâng lên 135 dự án, với gần 101.900 căn hộ, tăng gấp đôi số lượng căn so với năm trước.

Riêng tại Hà Nội, năm 2025 dự kiến có 11 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, cung cấp gần 6.000 căn hộ, tương đương 345.000 m2 sàn xây dựng. Trong vòng 5 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển thêm 50 dự án nhà ở xã hội mới, với tổng số khoảng 57.200 căn hộ.

Theo đại diện Công ty BIC Việt Nam, kết quả này cho thấy hiệu quả trong chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản chủ động hơn trong việc tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.

“Nhu cầu nhà ở hợp túi tiền gia tăng, tạo áp lực để các bên liên quan phối hợp hành động. Chúng tôi tin rằng, thông qua sự cộng tác chặt chẽ giữa các nhà phát triển bất động sản, cùng sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội là hoàn toàn khả thi”, ông Bùi Duy Thanh nhìn nhận.

Đại diện BIC Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp luôn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan, ban ngành trong việc thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội. Đây là điều mà công ty đã bền bỉ thực hiện trong suốt 15 năm qua. Với kinh nghiệm hiện tại, công ty tự tin rằng, những dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Rice City đều có chất lượng tiệm cận với nhà ở thương mại trong khu vực.

Dù vậy, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tồn tại một số khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội (HNREA) cho biết, Quốc hội thông qua nhiều bộ luật quan trọng đã góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp lý và tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ tốt cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030, Chính phủ cần giải quyết thêm một số điểm nghẽn về chính sách.

Đầu tiên là việc mở rộng tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư. Điều này sẽ mở ra cơ hội để các đơn vị có kinh nghiệm đầu tư xây dựng những công trình thương mại dịch vụ tổng hợp, sở hữu tiềm lực tài chính tốt và công nghệ xây dựng tiên tiến tham gia vào công cuộc phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, ngân hàng nên có phương án giảm lãi vay xuống mức thấp nhất có thể đối với người mua nhà ở xã hội. Đồng thời, biên độ lợi nhuận của chủ đầu tư cần được nâng lên, thay vì chỉ dừng ở mức 10% như hiện nay.

Ngoài ra, theo Chủ tịch HNREA, các thông tin về quy hoạch quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội phải được công khai, minh bạch. Song song với đó, phía cơ quan nhà nước cần nêu rõ tiến độ hoàn thành và danh mục đầu tư công những công trình hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi xã hội bên ngoài hàng rào dự án như đường sá, tuyến xe buýt, hệ thống trường học, trường dạy nghề, khu vui chơi, chợ dân sinh…

“Khi các khu nhà ở xã hội hoàn thành, đủ điều kiện nghiệm thu để đưa vào sử dụng, thì những dự án thuộc trách nhiệm đầu tư công của Nhà nước cũng phải được xây dựng xong. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sống của người dân, thay đổi bộ mặt cảnh quan đô thị, mà còn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tới phát triển dự án tại địa phương”, ông Cường nhấn mạnh.

Còn theo ông Bùi Duy Thanh, trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư vẫn tốn nhiều thời gian khi thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là quá trình giải phóng mặt bằng. Điều này gây tổn thất lớn về chi phí cơ hội của doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản