Thắc mắc về phong thủy nhà ở (phần 2)
Trong bài viết tại số báo trước, chúng ta đã đề cập đến các băn khoăn trong việc giật cấp cho ngôi nhà, cầu thang và nhà vệ sinh. Số này, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp về các vấn đề liên quan.

Vị trí đặt bể phốt và bể nước

Với một số người chỉ ứng dụng phong thủy Bát trạch, người ta thường đặt bể phốt vào cung xấu. Khi nhà ở hướng tuyệt mệnh - ngũ quỷ - họa hại, có trường hợp thầy xem theo Bát trạch chỉ định đặt gần cửa chính. Như vậy, không đúng về phong thủy, bởi những thứ uế tạp lại đưa ra phía trước nhà.

Ở trường hợp khác, trên tầng 2 hoặc 3, nhiều người cũng chỉ định đặt vệ sinh ra phía mặt tiền, vì đó là cung xấu. Điều này cũng bị phạm về phong thủy, bởi đi vào nhà phải chui qua nhà vệ sinh.

Nguyên tắc đặt vị trí đặt bể phốt thường đặt vào nửa cuối của phần đất, theo phương vị phù hợp với phong thủy của 24 sơn và 72 long.

Ngoài bể phốt, thì bể nước đặt đâu cũng khiến nhiều người thắc mắc. Thông thường, với những nhà đất có diện tích nhỏ, khoảng 40 - 50 m2 thì người ta cũng đặt bể nước ở phía phòng ngoài là phòng khách, để tránh xa bể bốt. Nhưng liên quan đến kiến trúc và công năng, nhà để xe ô tô ở trong, nên bể phốt và bể nước tuyệt đối không để ở phía ngoài, bởi xe ô tô đi ra vào dễ gây nứt bể.

Nếu xảy ra nứt bể, thì với bể nước ăn sẽ bị ngấm nước bẩn vào, còn bể phốt mà nứt thì ngấm nước bẩn ra đất, thành ra đất bị uế tạp. Vì vậy, đặt vị trí bể nước ăn và bể phốt là phải gắn liền với công năng kiến trúc và cấu tạo phần móng. Đó cũng là cái giá trị của việc thiết kế kiến trúc cùng phong thủy.

.
.

Có nên đặt phòng vệ sinh trong phòng ngủ?

Nhiều người cho rằng, phòng vệ sinh khép kín trong phòng ngủ là không tốt. Về vấn đề này, theo kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, đối với những ngôi nhà biệt thự, việc không làm vệ sinh khép kín thì vô lý, vì đó là nhu cầu tất yếu phục vụ cuộc sống con người.

Tuy nhiên, khi tính toán phong thủy, thì vị trí giường ngủ phải chọn vào cung tốt để ngủ có sức khỏe tốt, còn vị trí phòng vệ sinh khép kín trong phòng ngủ thì phải đặt để vừa hợp lý về kiến trúc, lại không nằm ở phương vị làm hao tổn hoặc phá về tài vận. Lý do mọi người nói vệ sinh ảnh hưởng không tốt, là vì khu vệ sinh là nơi liên quan đến thủy động rất nhiều, dễ ảnh hưởng đến tài vận.

Vì vậy, khi thiết kế kiến trúc thì kèm theo phong thủy, sẽ đảm bảo giường ngủ đặt vào cung tốt và wc đặt vào phương vị không ảnh hưởng xấu, góp phần cho phong thủy nhà vượng lên.

Phòng thờ tầng thượng

Hiện nay, nhiều nhà có diện tích không đủ lớn khi làm phòng thờ trên tầng thượng lại là nằm trên nhà vệ sinh ở tầng dưới, từ đó có băn khoăn rằng như vậy có xấu về phong thủy không.

Về vấn đề này, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà khẳng định, không phải băn khoăn, vì nhà vệ sinh có trần phụ và cách ra một khoảng không như một tầng. Hơn nữa, nhà vệ sinh lại ở dưới nên không cần lo phạm hay không phạm. Dĩ nhiên, nếu diện tích nhà đủ lớn để có thể đặt phòng thờ không bị chồng lên khu vệ sinh là tốt nhất. Không gian thẳng nhà vệ sinh lên có thể làm kho, nơi rửa đồ. Hay khi xét với trường hợp nhà ở chung cư, ở trên còn nhiều căn hộ khác và vệ sinh của nhà khác, không lẽ việc thờ phụng ở chung cư là phạm hết.

Cũng liên quan đến không gian thờ tự, khi phòng thờ đặt trên tầng thượng, nhiều người muốn có sân thoáng ở phía trước và đặt phòng thờ ở đằng sau, nhưng theo chuyên gia Hoàng Trà, như thế không phải là đẹp về phong thủy. Bởi đằng trước thoáng, đẹp làm sân thoáng và làm chỗ phơi, khi đó đặt ban thờ hướng ra sân phơi thì không tốt.

Nên thông thường, người ta phải bố trí ban thờ ở mặt tiền, là không gian trang trọng và đẹp, còn khu phơi đồ, hay sân trồng rau thì phải cho ra sau.

Kích thước cửa

Nhiều nhà ở có 2 lớp cửa (ví dụ ở ngoài là cửa cuốn và cửa gỗ hoặc cửa kính bên trong), có băn khoăn là khi lấy kích thước theo thươc Lỗ Ban thì lấy cho cửa nào.

Về vấn đề này, theo chuyên gia phong thủy, đương nhiên phải tính theo cánh cửa thông thủy vào nhà có kích thước nhỏ hơn.

Nhiều người cũng băn khoăn khi tính kích thước Lỗ Ban cho cửa có tính cả ô thoáng hay không. Về nguyên lý, ô cửa nào thì tính riêng về phong thủy ô cửa đó. Phần cánh ở dưới cũng được ngăn với ô thoáng ở trên bởi khung cửa, nên thông thủy của hai phần được tính riêng biệt theo thước Lỗ Ban, cũng giống như nhà có 2 của là cửa đại và cửa nách, hai cửa đều tính phong thủy theo thước Lỗ Ban.

Chiều rộng và cao, kích thước thông thủy phòng

Mọi người khi tính phong thủy, thường hay để ý vào những tiểu tiết, nhưng có nhiều vấn đề chẳng có tác dụng gì và cũng chẳng thay đổi được là chiều rộng của nhà, chiều cao toàn nhà và kích thước thông thủy từng phòng có tính theo thước Lỗ Ban hay không?

Về nguyên tắc, nếu tính được theo thước Lỗ Ban thì yên tâm, chứ thực tế không phải lúc nào cũng tính được. Bởi với nhà ở đô thị thường xây hết diện tích và khó có sự lựa chọn kích thước chiều rộng ngôi nhà theo thước Lỗ Ban vì những nhà này thường xây theo diện tích cố định theo lô đất.

Khi chiều rộng nhà cố định, nhà ở phố thì phải xây diện tích rộng tối ra, lại đi tính thước lỗ ban mà nhỏ đi 20 cm thì chắc chẳng ai làm theo. Hơn nữa, kích thước thông thủy trong lòng nhà không ảnh hưởng xấu tốt, cho nên mọi người khỏi phải băn khoăn.

Như vậy, chiều cao thông thủy và rộng thông thủy của các phòng khách hay phòng ngủ cũng không cần phải áp theo thước lỗ ban làm gì.

Còn chiều cao khó có thể điều tiết chính xác theo khoảng giao động trong vài cm. Ngoài ra, do thước Lỗ Ban có nhiều loại khác nhau: Thước 39 cm, 42,9 cm và 52 cm là phổ biến hơn cả, nhiều người băn khoăn không biết loại nào đúng, không biết theo loại thước nào?

Về vấn đề này, kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà đưa ra giải pháp đơn giản là cứ thỏa mãn đồng thời cả các loại thước ở cung đẹp là tốt nhất.

Qua bài này, chúng ta thấy có rất nhiều vấn đề nhỏ trong phong thủy, nhưng lại bị nâng cao quan điểm, nếu đi phân tích theo lô gic thì lại thấy nó đơn giản. Bởi những gì là đúng đắn theo chân lý thì luôn đơn giản và chân thực khi ứng dụng vào cuộc sống.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản