Tháo “nút thắt” về chính sách sử dụng đất nông nghiệp
Việt Dũng - 10/03/2023 09:01
 
Chính sách đất đai về tích tụ ruộng đất chưa được “cởi trói” khiến việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Doanh nghiệp “khan” đất sản xuất nông nghiệp

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An được biết đến là doanh nhân lái xe hơi đi thăm đồng, thay vì dùng máy cày hay con trâu như trước. Với khoảng 1.300 ha đất nông nghiệp, các trang trại ở 6 tỉnh phía Nam của ông đều tuân thủ nguyên tắc xây dựng khoa học, đường sá khô ráo và vuông vức như bàn cờ.

Công ty TNHH Huy Long An đang có hàng trăm héc-ta đất để trồng chuối xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cung cấp cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị tại Việt Nam… Ông Huy mong muốn mở rộng thêm quy mô sản xuất, nhưng đang gặp khó khăn do những hạn chế về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Hiện nay, việc trồng mía và cao su có xu hướng thoái trào, nên nhiều vùng đất, nhất là các nông, lâm trường được quy hoạch trồng các loại cây này đang chuyển đổi cấu trúc sản xuất nông nghiệp. “Tôi đang tìm lại những vùng đất đó để mời nông dân hợp tác và thành lập các hợp tác xã trồng chuối, nhưng còn gặp khó khăn về vấn đề quy hoạch sử dụng đất”, ông Huy nói.

Chia sẻ tại một hội nghị góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Cao Văn Tấn, đại diện những hộ nông dân tại tỉnh An Giang chia sẻ, người dân muốn tăng hạn điền lên 15 - 20 lần để đủ điều kiện đầu tư phát triển nông nghiệp, nhưng chưa được hỗ trợ trong tích tụ ruộng đất, dẫn tới kém cạnh tranh về giá thành sản phẩm, thua thiệt so với các nước trên thế giới. “Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ để nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn”, ông Tấn nói.

Đề xuất mở rộng “hạn điền”

Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) thông tin, Điều 180 và Điều 181 của Dự thảo đưa ra 2 phương án về hạn điền: nới rộng nhiều hơn 10 lần so với quy định của Luật Đất đai 2013 về hạn điền (hiện là 10 lần) và bỏ quy định về hạn điền. Cả 2 phương án này đều có những tác động tích cực và hạn chế.

Theo ông Tuấn Anh, hiện người dân chưa được hỗ trợ trong tích tụ đất nông nghiệp để phát triển sản xuất, dẫn đến phát triển nông nghiệp manh mún, không cạnh tranh được về giá thành sản phẩm. Vì vậy, người dân muốn tăng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp lên 15-20 lần thì mới đủ điều kiện để đầu tư sản xuất, phát triển nông nghiệp.

“Như chúng ta đã biết, muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phải có vùng nguyên liệu thì mới truy xuất được nguồn gốc và giá trị hàng hóa mới tương ứng với thị trường. Do vậy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ về hạn điền, Nhà nước cũng cần có biện pháp hỗ trợ để nông dân tích tụ ruộng đất và sản xuất lớn”, đại biểu Tuấn Anh nói.

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, bỏ quy định về hạn điền là cần thiết, nhưng phải làm thận trọng, không nên vội vàng bởi có thể gây ra hiện tượng đầu cơ tích lũy đất, gây xáo trộn thị trường. Vì vậy, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ hơn cả 2 phương án trên để có cơ sở vững chắc trước khi quyết định.

Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc mở rộng hạn điền trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có tiến bộ hơn so với Luật Đất đai hiện hành. Hạn điền đã tăng 150% so với hiện nay, từ 10 lần lên 15 lần. Tuy nhiên, nên bỏ hạn điền vì luật pháp không giới hạn với đất phi nông nghiệp, thì cũng không nên hạn chế việc tích tụ đất đai với sản xuất nông nghiệp.

“Quy định về hạn điện như hiện nay là quá thấp nếu doanh nghiệp, cá nhân muốn đầu tư thiết bị, máy móc, cải tạo đất đai để sản xuất hàng hóa”, ông Võ nói và cho biết thêm, do đất đai ít, lại manh mún, rất khó sản xuất nông nghiệp hiệu quả; không ít doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân muốn có nhiều ruộng đất để đầu tư vào nông nghiệp với thiết bị, công nghệ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến hiện đại, nhưng không đủ diện tích đất để làm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản