Thứ Năm, Ngày 24 tháng 07 năm 2025,
Khởi tố nguyên Phó chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Tấn Hoàng
P.V - 23/07/2025 22:42
 
Ông Phạm Tấn Hoàng, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng bị khởi tố để điều tra về tội “Nhận hối lộ”, trong vụ án liên quan tới vụ án nghiêm trọng xảy ra tại đơn vị này.

Mới đây, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tấn Hoàng, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (nay là Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng), để điều tra về tội “Nhận hối lộ”, theo quy định tại khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Phạm Tấn Hoàng đã đến đầu thú tại Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và thừa nhận hành vi nhận 140 triệu đồng tiền hối lộ để can thiệp, xét xử phúc thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo Trần Hoàng Đan, người phạm tội “Giết người”.

Nhiều cán bộ tòa án, viện kiểm sát bị xử lý hình sự trong vụ án này. Ảnh minh họa

Sau sự can thiệp này, bị cáo Đan được giảm 1 năm 6 tháng tù so với bản án sơ thẩm. Ông Hoàng đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ.

Ngoài hành vi nêu trên, cơ quan điều tra cũng xác định ông Hoàng còn có dấu hiệu nhận hối lộ để tác động kết quả xét xử giám đốc thẩm trong một vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” xảy ra tại tỉnh Quảng Trị. Vụ việc này đang tiếp tục được làm rõ trong quá trình điều tra mở rộng.

Với quyết định khởi tố này, ông Phạm Tấn Hoàng trở thành bị can thứ 27 trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

Đây là vụ án nghiêm trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Trước đó, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã khởi tố ông Phạm Việt Cường, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, cùng 25 bị can khác là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, thư ký tòa án và luật sư.

Quá trình điều tra cho thấy, nhiều bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thẩm quyền được giao, móc nối với các đương sự, luật sư hoặc người quen để làm cầu nối trung gian, kết nối với những người có thẩm quyền giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, thương mại.

Mục đích nhằm giúp cho các bị cáo, bị án hoặc đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại được xét xử hoặc quyết định hoặc thực hiện các hành vi khác theo hướng có lợi cho những người này.

Đây được xem là một đường dây “chạy án” tinh vi trong nội bộ cơ quan tư pháp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính độc lập của hoạt động xét xử.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Cựu cán bộ Tòa án lừa “chạy” thi hành án, chiếm đoạt 25 tỷ đồng
Lê Nam, cựu cán bộ Tòa án Nhân dân tối cao đã nhận 25 tỷ đồng, hứa hẹn tác động thi hành án để giải quyết nhanh cho bị hại, nhưng sau đó đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư