Thí điểm dùng cát biển làm vật liệu tại cao tốc Hậu Giang - Cà Mau
Bảo Như - 08/12/2022 06:05
 
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, đoạn Hậu Giang – Cà Mau sẽ triển khai đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Ban quản lý dự án Mỹ Thuận về việc triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền.

Theo đó, Bộ GTVT chấp thuận triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025.

Kinh phí thực hiện từ nguồn chi phí khác trong tổng mức đầu tư Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau.

Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận căn cứ ý kiến của các chuyên gia, Cục Quản lý đầu tư xây dựng và của cơ quan, đơn vị liên quan, tiếp tục rà soát hoàn thiện đề cương thí điểm, hoàn chỉnh các thủ tục thẩm định, phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện; trong đó lưu ý phải hoàn thành và có kết quả đánh giá nghiên cứu thử nghiệm trong năm 2023.

“Riêng đối với vị trí nghiên cứu sử dụng cát biển để thi công phần đắp hoàn trả (nằm dưới mặt đất tự nhiên) cần sớm có kết quả nghiên cứu, đánh giá để có thể áp dụng ngay (nếu đảm bảo yêu cầu), đáp ứng tiến độ triển khai các Dự án”, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Trước đó, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề xuất chọn vị trí thi công thí điểm tại Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, trong phần đất đã giải phóng mặt bằng (nằm bên trái tuyến) của giai đoạn hoàn thiện thuộc Gói thầu XL-02.

Tuy nhiên lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá vị trí này chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác thí điểm là có chiều cao đắp tương tự đường cao tốc, có thể theo dõi đánh giá cả quá trình xây dựng, thi công, nghiệm thu và khai thác dưới tác dụng của tải trọng xe lưu thông

Vị trí được lựa chọn thí điểm hiện nay là đường hoàn trả ĐT.978, chiều dài của đường là 986m tại Km79+820 tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau với nguồn cát biển được lấy từ Trà Vinh. Dự kiến thời gian thí điểm là khoảng 12 tháng.

Theo lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) cho hay, trước yêu cầu cấp bách của Chính phủ về việc triển khai xây dựng hàng loạt các tuyến đường cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, cần một lượng lớn vật liệu đất, cát đắp nền đường. Trong đó, giai đoạn 2022 – 2025, Bộ GTVT sẽ đồng loạt triển khai 4 dự án đường cao tốc với nhu cầu sử dụng khoảng 36 triệu m3 cát đắp nền.

Nếu sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay thì trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Trong các giải pháp khả thi tìm kiếm vật liệu thay thế cát sông, khả thi nhất là phương án nghiên cứu sử dụng cát biển hoặc cát nhiễm mặn thi công nền đường. Tuy nhiên, cần hoàn thiện kỹ thuật, thí điểm ngoài thực tế với công trình giao thông.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản