Tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tăng nhanh, có thể hoàn tất như kế hoạch
Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+) - 15/12/2015 09:02
 
Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, đến giữa quý 4 này các ngân hàng đã cam kết cho vay tổng số 72% gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở.
Gói hỗ trợ lãi suất vay 30.000 tỷ đồng có thể sẽ hoàn tất trong quý 1/2016 như kế hoạch
Gói hỗ trợ lãi suất vay 30.000 tỷ đồng có thể sẽ hoàn tất trong quý 1/2016 như kế hoạch

Số cam kết giải ngân đối với 31.367 hộ gia đình, cá nhân và 56 dự án, tổ chức tương đương với số tiền là 21.518 tỷ đồng. Trong số này có 11.340 hộ vay để mua nhà ở xã hội, 16.832 hộ vay để mua nhà ở thương mại giá bán thấp (dưới 1,05 tỷ đồng) và 3.195 hộ vay để cải tao, xây mới nhà ở. Hiện số tiền đã thực hiện giải ngân là 13.499 tỷ đồng, đạt 45%.

Tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tăng nhanh trong năm nay và có thể sẽ hoàn tất trong quý 1/2016 như kế hoạch. Việc đánh giá kết quả thực hiện giải ngân gói tín dụng này được căn cứ theo con số các ngân hàng đã cam kết bởi tiến độ giải ngân còn phụ thuộc vào tiến độ của dự án.

Được đánh giá là biết “chớp thời cơ” phát triển nhà ở xã hội, Giám đốc Công ty cổ phần và thương mại Thủ đô Đỗ Đức Đạt cho biết nhờ có chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội kịp thời của Chính phủ đã giúp cho doanh nghiệp này vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất khi thị trường bất động sản đóng băng và từng bước phát triển ổn định.

Chính giai đoạn này, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô vẫn kiên định triển khai dự án nhà ở xã hội Bắc Cổ Nhuế-Chèm và đã hoàn thành giai đoạn 1 với 930 căn và xây dựng tiếp giai đoạn 2 với 980 căn... Hiện số nhà của công ty đã bán hết trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy nhận định sản phẩm nhà ở xã hội vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu, trong khi vẫn còn đó nhiều lực cản.

Nguyên nhân được chỉ ra là do một số địa phương chưa thực sự quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để đầu tư phát triển nhà ở xã hội ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc; nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu; nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa mặn mà với nhà ở xã hội; mới chỉ có nhà ở xã hội để bán, còn thiếu nhà ở cho thuê...

Đây chính là những nhiệm vụ đặt ra với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và nỗ lực giải quyết trong thời gian tới để phát triển nhà ở xã hội thực sự là “điểm sáng” trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định./.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản