Xi măng Insee muốn phân kỳ đầu tư mở rộng dây chuyền 2 và 3
Thế Hải - 08/05/2019 14:35
 
Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh phân kỳ đầu tư của Dự án xi măng Insee (Holcim 2 cũ) từ 1 dây chuyền thành 2 dây chuyền.
Dự kiến dây chuyền 2 và 3 mở rộng sẽ được xây dựng trong khuôn viên mặt bằng của nhà máy xi măng Hòn Chông (dây chuyền 1).
Dự kiến dây chuyền 2 và 3 mở rộng sẽ được xây dựng trong khuôn viên mặt bằng của nhà máy xi măng Hòn Chông (dây chuyền 1).

UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất về việc phân kỳ đầu tư mở rộng Nhà máy xi măng Hòn Chông (Insee) với 02 dây chuyền sản xuất clinker (dây chuyền số 2 và 3) thuộc Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam).

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh phân kỳ đầu tư của Dự án xi măng Insee (Holcim 2 cũ) với 1 dây chuyền công suất lò nung 10.000 tấn clinker/ngày (tương ứng 3,6 triệu tấn xi măng/năm) thành 2 dây chuyền.

Cụ thể, dây chuyền 2 công suất 5.000 tấn clinker/ngày (tương ứng 1,8 triệu tấn xi măng/năm) sản xuất clinker tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, vận hành vào năm 2021 và đầu tư trạm nghiền xi măng công suất 1,5 triệu tấn/năm tại Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sử dụng clinker từ dây chuyền 2 tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Riêng dây chuyền 3 công suất 5.000 tấn clinker/ngày (tương ứng 1,8 triệu tấn xi măng/năm), đầu tư sau năm 2025.

Theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030”, Dự án xi măng Insee (trước đó là Holcim 2) công suất 3,6 triệu tấn xi măng/năm, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030.

Dự kiến, dây chuyền công nghệ mới được đầu tư đồng bộ cùng với thiết bị hiện đại, sản xuất clinker bằng lò quay theo phương pháp khô có 5 tầng tháp trao đổi nhiệt, thiết bị tiền nung calciner thế hệ mới nhất, tích hợp hệ thống đốt rác thải (dự kiến công suất đốt khoảng 400 - 600 tấn rác/ngày đêm); sử dụng nhiệt thừa phát điện...

Về nguyên liệu mỏ, theo báo cáo của Insee, trữ lượng đá vôi được cấp phép khai thác cung cấp cho dây chuyền 1 trong 24 năm tới (đến năm 2042 hết hạn Giấy phép đầu tư) là 60 triệu tấn; tổng trữ lượng còn lại sau năm 2042 khoảng 26,28 triệu tấn.

Nguồn trữ lượng đá vôi cho 02 dây chuyền mở rộng số 2 và số 3 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1426/GP-BTNMT ngày 20/9/2007 và Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản phê duyệt trữ lượng đá vôi và sét đi kèm trong “Báo cáo thăm dò bổ sung đá vôi làm nguyên liệu xi măng từ 0m đến -100m tại khu vực núi Cây Xoài và núi Bãi Voi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang” tại Quyết định 628/QĐ-HĐTL ngày 26/08/2008; cấp trữ lượng đá vôi ở trạng thái tự nhiên là 163,688 triệu tấn; nguồn nguyên liệu đất sét đi kèm ở trạng thái tự nhiên là 4,156 triệu tấn.

Nguồn nguyên liệu đá vôi, đất sét có trữ lượng đảm bảo cho 3 dây chuyền với tổng công suất 5,36 triệu tấn xi măng/năm (tổng công suất lò nung của 3 dây chuyền là 14.000 tấn clinker/ngày) hoạt động đủ thời gian được cấp phép.

Dự kiến dây chuyền 2 và 3 mở rộng sẽ được xây dựng trong khuôn viên mặt bằng của nhà máy xi măng Hòn Chông (dây chuyền 1), không phải giải phóng mặt bằng, tận dụng được mặt bằng và cơ sở vật chất đã đầu tư xây dựng của nhà máy hiện có.

Ra đời vào năm 1994, INSEE tại Việt Nam tiền thân là Công ty Holcim Việt Nam thuộc Tập đoàn LafargeHolcim. Năm 2017, Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) Thái Lan mua lại 65% cổ phần từ LafargeHolcim, hoàn thành thương vụ chuyển nhượng vốn, chính thức đổi thương hiệu từ Holcim thành INSEE.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản