Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bầu Kiên ngỏ lời xin lỗi các ngân hàng
Tú Ân - 02/06/2014 10:30
 
Sáng nay, 2/6, tại phiên tòa xét xử Bầu Kiên và các bị cáo, các bị cáo đã nói lời sau cùng. Bầu Kiên đã xin lỗi các ngân hàng khi gia đình ông buộc phải bán cổ phần của các ngân hàng để trang trải, trả nợ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Viện kiểm sát vạch rõ "ma trận" kinh doanh, tạo nên "đường vòng tội lỗi" của bầu Kiên
Bầu Kiên bào chữa như một luật sư chuyên nghiệp
Chủ tịch Hòa Phát: "Không có chuyện anh Kiên lừa tôi"
Bầu Kiên: Tôi không chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Hòa Phát
Làm rõ rách nhiệm số tiền 718 tỷ đồng bị chiếm đoạt
Bầu Kiên phủ nhận cáo buộc lừa đảo và kinh doanh trái phép
Trực tiếp xét xử Bầu Kiên chiều 20/5
Tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá

Trong tuần trước, sau những phần tranh luận và đối đáp căng thẳng, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm, kết tội ông Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với tổng mức án là 30 năm tù.

   
  Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào ngày 9/6.  

Khi nói lời sau cùng ông Nguyễn Đức Kiên đã gửi lời cảm ơn đến những người bạn đã giúp đỡ gia đình trong suốt 21 tháng qua và tin rằng những người bạn mà trong thời gian đó chưa dám giúp đỡ gia đình ông vì sợ liên lụy, giờ có thể hiểu và quay lại.

Ông Kiên bày tỏ sự lo lắng cho vợ mình – người chưa bao giờ phải lo chuyện kinh doanh, nay phải đứng mũi chịu sào. Ông Kiên cũng gửi lời xin lỗi đến cổ động viên của đội bóng của mình, ông mong vợ mình vẫn duy trì đội bóng để một ngày nào đó ông quay trở lại.

“Tôi mong bạn bè tiếp tục đi và làm những gì chúng tôi đã dự định để trước khi nhắm mắt xuôi tay có thể thấy đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup. Đó là hoài bão của chúng tôi.

Tôi tin rằng bạn bè tôi không kiện tôi.

Tôi xin lỗi VietBank vì gia đình tôi buộc phải bán cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu tiền mặt khi đó. Tôi tin một ngày nào đó gia đình tôi sẽ quay lại VietBank.

Tôi muốn nói với mẹ tôi. Tôi không cho các em tôi kinh doanh và nắm các vị trí quan trọng ở Ngân hàng vì tôi cho rằng các em chưa đủ trình độ, và hơn hết tôi nhìn thấy rủi ro trong tương lai nên không muốn các em và vợ tôi phải gánh.

Tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm về những việc mình làm.

Tôi đã nói chuyện với con trai tôi, mong con là người tốt, không làm kinh doanh và tôi mong con trai tôi là người đàn ông thay tôi chăm sóc vợ tôi. Tôi không trốn chạy trách nhiệm vì tôi tin đất nước này có kỷ cương có phép tắc. Mặc dù visa của tôi dài hạn, tôi có quan hệ khắp nơi nhưng tôi không chạy trốn.”

Ông Kiên nói với vợ: Không bao giờ được chạy án, không bao giờ xin xỏ bất kỳ ai phụ trách vụ án này vì có thể tự đẩy mình vào phạm pháp. Tôi có thể tự giải quyết và tôi tin rằng mình đủ khả năng, đủ tư duy để chứng minh mình vô tội.

Tôi không tham gia bất kỳ hoạt động nào của thường trực HĐQT ACB và CQĐT biết rõ thái độ của tôi như thế nào ngay khi bị bắt.

Đối với hơn 15.000 cán bộ, nhân viên ACB, tôi mong anh chị em hãy tiếp tục làm việc thật tốt, để giúp đỡ cho xã hội này. Tôi đã yêu cầu vợ, con tôi không được bán cổ phần ACB, tôi cũng yêu cầu ACB không được cắt, giảm lương cán bộ, nhân viên. 

Tôi có niềm tin mãnh liệt, không ai ở ACB kiện, tố cáo tôi. Tôi tin họ hiểu tôi. Họ hiểu tôi đã đóng góp cho ACB những gì sau 20 năm qua.

Tôi xin lỗi các ngân hàng mà gia đình tôi nếu buộc phải bán cổ phần, để trang trải, trả nợ. Tôi mong họ hiểu và thông cảm cho gia đình tôi.

Ông Kiên kể lại quá trình “ra trường đời” kinh doanh của mình từ những năm 90, những kẽ hở của luật pháp khi mới hình thành các thị trường, ví dụ thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng. Theo đó, ông Kiên “hiến kế” cho Chính phủ các giải pháp để tái cơ cấu hệ thống kinh tế.
“Việc tái cơ cấu các NHTMCP không phải là cộng số học các ngân hàng yếu với nhau mà là phải dùng phương pháp lấy ngân hàng mạnh kèm NH yếu"

Ông cũng mong đừng để Ngân hàng nước ngoài chi phối làm mất đi trái tim của nền kinh tế.

"Về 4 tội danh bị truy tố, tôi không nói nhiều về 3 tội danh khác. Riêng tội lừa đảo, tôi, anh Thanh, chị Yến không lừa đảo chiếm đoạt tiền của ai. Sai sót dẫn đến tài sản của công ty bị chiếm đoạt là thuộc về Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát. Nó nằm hoàn toàn trong ý thức của giám đốc công ty này. Đó là sai lầm nghiêm trọng CQĐT".
Ông Kiên cũng kể đích danh những người mà ông cho rằng đã làm sai phạm hồ sơ vụ án, ông Kiên yêu cầu khiếu nại của ông cần có sự trả lời chính thức. 

"Tôi không kinh doanh trái phép, cố ý làm trái, trốn thuế. Còn tôi không phạm tội như thế nào, các luật sư đã nêu bằng chứng, lý lẽ cụ thể.

Tôi kính đề nghị thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hành động thiết thực để bảo vệ hệ thống doanh nhân Việt Nam – những người đang lao động hết mình vì đất nước. Kính gửi ông Nguyễn Sinh Hùng, vụ án của tôi liên quan đến một số thẩm quyền của Quốc hội tôi mong ông quan tâm xem xét và có trả lời.

Tôi tin tưởng 90 triệu người dân Việt Nam, tôi tin tưởng đất nước này, tôi yêu đất nước này. Tôi mong những người dân đều góp sức xây dựng đất nước.”

Ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị HĐXX, nếu chưa thật sự chưa đủ chứng cứ, đừng tuyên án vào 5/6. Vì những tài liệu chúng tôi đưa ra, có lẽ HĐXX cần thêm thời gian để xem xét, để tránh một bản án oan cho chúng tôi.

Tôi có hỏi thư ký về thành phần HĐXX, tôi thấy vui vì có một vị từng là sĩ quan quân đội, từng trong quân ngũ với bố tôi. Tôi mừng vì trong thành phần HĐXX có 2 thẩm phán kinh nghiệm.

Tôi mong HĐXX sẽ đưa ra những phán quyết đối với các nhân viên tâm phục, khẩu phục. Dù phán quyết như nào, tôi mong HĐXX cho tôi được tại ngoại trong thời gian chờ thi hành bản án. Vì lý do nhân đạo, tôi mong HĐXX cho tôi được chữa bệnh.

Ông Trần Ngọc Thanh:

"Những ngày qua thực sự là những ngày cay đắng. 17 tuổi tôi đã đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc lên đường nhập ngũ. Suốt trong những ngày trong trại giam, tôi chỉ suy nghĩ 1 điều: tại sao mình lại phải ở đây? Chỉ có thể nói là do 1 sai phạm của mình, 1 sơ suất của mình khi ký vào văn bản cuối cùng. Làm việc với CQĐT, tôi luôn thành khẩn, trung thực.

Hầu hết CQĐT chỉ coi trọng chứng cứ để buộc tội tôi, làm sao để buộc được tôi có tôi còn những luận cứ có thể minh chứng cho tôi thì không được coi trọng. Trước đó, Cán bộ cảnh sát có nói với tôi: anh cứ yên tâm, VKS chúng tôi phải gỡ tội cho can phạm rồi mới buộc tội can phạm. Tôi thấy không phải như vậy.

Tôi xin khẳng định tôi không có tội. Tôi sơ suất nhưng không có động cơ gì trong hành vi này. Tôi không lừa đảo chiếm đoạt, không phải đồng minh giúp sức cho ai trong vụ án này. Mong HĐXX xem xét đúng người đúng tội, sớm minh oan cho tôi để được trở về gia đình"

Ông Lý Xuân Hải: “Tôi tin rằng có làm hay không làm những việc chúng tôi đã thực hiện thì cũng không gây thiệt hại cho ACB.”

Ông Hải khẳng định không làm những điều mà VKS đã quy tội, mong HĐXX xem xét kỹ. “Tôi không trốn tránh, tôi sẵn sàng làm việc đến cùng để chứng minh tôi vô tội.”

Ông Hải nhấn mạnh về gia phong nhà mình, khẳng định tư cách cá nhân của mình và cho rằng danh dự của mình không ai trên thế giới này có thể mua được.

Nói về ông Giá, ông Hải cho biết ông Giá làm việc tại ACB không phải là vì tham quyền chức, mà là với ước muốn của một người đã đi đến cuối cuộc đời làm trong cơ quan nhà nước, ông Giá muốn được làm việc trong một doanh nghiệp để biết doanh nghiệp thực tế hoạt động như thế nào.

Ông Hải nêu lên những điều xung quanh vụ án: vụ án Huyền Như có liên quan nhưng không hiểu sao cứ bị gạt đi, “có vẻ không ai quan tâm đến ai đốt nhà mà chỉ quan tâm đến việc dập tắt”. Khi làm việc với CQĐT, ông Hải không có giấy bút, tài liệu, hoàn toàn dựa vào trí nhớ, làm sao có thể chính xác? Kết quả hôm nay không chỉ tác động đến ông Hải và những người trong vụ án mà còn liên quan đến hàng ngàn người làm quản lý nhà nước.

Ông Hải đề nghị: Xin không chỉ nhìn vào điều 106 Luật TCTD mà hãy nhìn rộng hơn để thấy toàn bộ bức tranh và hiểu vì sao các lãnh đạo ACB đã làm như vậy. Đừng xé cắt hoạt động kinh doanh của một ngân hàng rồi kết tội.

“Xin HĐXX ra phán quyết trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng để tôi có niềm tin rằng công lý vẫn tồn tại.”

Con người khi làm không tránh khỏi sai sót, ông Hải xin HĐXX xem xét trên cơ sở mình không cố ý, và phán quyết hợp tình hợp lý cho ông Hải về với gia đình.

Ông Hải dùng những lời rất tình cảm và đầy biết ơn để nói về người cha của mình (hôm nay sức khỏe kém không đến tòa được nhưng luôn động viên ông Hải)

Bị cáo Lê Vũ Kỳ, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB nói luôn coi ACB là ngôi nhà thứ hai của mình và trong thâm tâm chưa bao giờ có ý định gây thiệt hại gì đối với Ngân hàng ACB.

Ông Kỳ gửi lời xin lỗi các cổ đông ACB và xin HĐXX chiếu cố đến hoàn cảnh cá nhân, khi mẹ già đã 97 tuổi cần được phụng dưỡng. Ông Kỳ mong được tạo điều kiện tiếp tục đem chuyên môn cống hiến cho xã hội.

Ông Huỳnh Quang Tuấn thì nói: “Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Không bao giờ tôi có ý định làm điều gì trái pháp luật.”

Theo đó, ông Tuấn khẳng định lại mình không có ý phạm pháp và cũng không phạm pháp. Ông Tuấn cũng nêu lên tình trạng sức khỏe của mình và cho biết “có thể đột tử bất cứ lúc nào”. Ông xin HĐXX phán quyết công bằng để cho mình cơ hội sống.

Ông Phạm Trung Cang nói lời cuối cùng, kể lại quá trình đi học, ra trường và lập nghiệp cùng với các đồng nghiệp của mình. “Tôi vốn tin rằng việc làm của chúng tôi không sai, được pháp luật cho phép. Với ý kiến chủ quan như thế, tôi mới ký vào nghị quyết. Về việc ý thức vi phạm pháp luật là không có.

Tòa tuyên bố vào phần  nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 09/06/2014.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư