Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Bẫy lừa tiền người dùng Facebook
Tú Ân - 17/08/2015 08:59
 
Từ đầu năm đến nay, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội Facebook có chiều hướng gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, trung bình mỗi ngày xuất hiện 40 trang giả mạo Facebook lừa lấy mật khẩu người dùng.
.
Một kiểu chào mời kinh doanh không cần vốn đầu tư, không cần kiến thức

 

Giả mạo tên trên Facebook

Một buổi tối bỗng dưng anh Nguyễn Mạnh T. (CT2A - ĐN2, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận được tin nhắn online từ Facebook của ông cậu đang sinh sống ở Ba Lan. Sau một hồi hỏi thăm sức khỏe, thời tiết, con cái, “ông cậu” đề nghị anh T kinh doanh thẻ cào Viettel, VinaPhone, MobiFone vì “cộng đồng người Việt bên này có nhu cầu dùng thẻ cào rất lớn”. “Ông cậu” đề nghị anh T mua 10 thẻ cào mệnh giá 500.000 đồng/thẻ, cào gửi mã số để “kinh doanh thử”. Anh T nghi ngờ đây là trò lừa đảo vì ông cậu của anh là người kinh doanh lâu năm, có khá nhiều tài sản trong và ngoài nước, không thèm làm ăn kiểu cò con như thế này. Nhấc máy gọi cho cậu, anh mới biết, nick Facebook liên lạc với anh là giả mạo.

Anh T. là người may mắn vì đã tránh được vụ lừa đảo. Nhưng chị Nguyễn Thị L. (Cẩm Giàng, Hải Dương) thì bị sập bẫy. Qua Facebook Nguyễn Sanh Thình (trú tại Triệu Phong, Quảng Trị), biết chị L. là bạn của chị Nguyễn Hải Y. (hiện đang sống tại Australia). Thình đã dành nhiều thời gian theo dõi, nghiên cứu những thông tin cá nhân của chị Y. Tiếp đó, Thình giả làm chị Y. để nhắn tin yêu cầu chị L. mua thẻ điện thoại gửi sang Australia với lý do bán lại cho người Việt bên đó rồi ăn chia tiền chênh lệch.

Do tưởng là bạn mình nên chị L. đã đồng ý và mua 143 thẻ điện thoại của các mạng khác nhau với tổng số tiền 21 triệu đồng rồi gửi qua tài khoản Facebook của chị Y. và bị Thình chiếm đoạt.

Ngoài trò giả mạo tài khoản Facebook khá phổ biến, mới đây, tội phạm mạng còn sử dụng thủ đoạn mới: giả mạo Facebook của cửa hàng kinh doanh online. Các đối tượng gửi tin nhắn giả đến nhiều người dùng Facebook là cửa hàng đang có khuyến mại giảm giá lớn, ai có nhu cầu mua hàng thì chuyển trước tiền đặt cọc vào tài khoản của chúng.

Dính bẫy vì ham quà trúng thưởng

Nạn nhân mới nhất của chiêu trò “nhận trúng thưởng cực lớn” qua Facebook là bà H. (ở tỉnh Đồng Nai) với số tiền hơn 740 triệu đồng. Bà H. mở tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook và nhận được một nickname tên là Stan Billy ở Anh gửi lời mời kết bạn. Sau nhiều lần chat, nickname Stan Billy cho biết đã gửi quà tặng về địa chỉ của bà là một bưu kiện hàng hóa và gửi kèm 40.000 USD. Bằng các thủ đoạn “gặp rắc rối về thủ tục hải quan”, phải nộp phạt, nộp phí bảo hiểm… bà H. đã gửi tổng số tiền hơn 740 triệu đồng cho bạn trên Facebook. Theo cơ quan công an, quá trình điều tra xác minh vụ việc của bà H, công an đã phát hiện có thêm ít nhất 5 bị hại khác bị lừa với thủ đoạn tương tự.

Mới đây nhất, Công an tỉnh Hải Dương cũng đã bắt tạm giam Lê Chí Thiện, Dương Quốc Vĩnh và Văn Phú Hoàng (cùng sinh năm 1993) về hành vi lừa đảo qua mạng. Thiện và Vĩnh đã lập tài khoản Facebook với tên “Thông điệp gửi bạn”, rồi nhắn tin đến các tài khoản bất kỳ với nội dung chúc mừng chủ nhân của tài khoản đã trúng thưởng một xe máy Liberty cùng 50 triệu tiền mặt, sau đó yêu cầu nạn nhân gửi tiền để làm thủ tục nhận thưởng.

Cảnh giác khi dùng Facebook

Những vụ việc trên là những vụ án được nạn nhân tố cáo, cơ quan công an vào cuộc điều tra và phản ánh trên công luận. Trên thực tế, theo thống kê của Công ty An ninh mạng Bkav Security (Tập đoàn công nghệ Bkav), có tới 1.000 trang giả mạo Facebook xuất hiện mỗi tháng trong 6 tháng đầu năm 2015, trung bình mỗi ngày xuất hiện thêm 40 trang giả mạo Facebook lừa lấy mật khẩu dùng cho việc lừa và phát tán tin nhắn rác.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó giám đốc phụ trách bộ phận an ninh mạng của Bkav cho biết, các trang giả mạo mà kẻ xấu tạo ra có hình thức giống hệt trang Facebook, chỉ có khác biệt duy nhất nằm trên thanh địa chỉ. Để dẫn dụ người dùng truy cập, kẻ xấu đưa ra liên kết dẫn tới trang giả mạo kèm theo lời chào mời về khuyến mãi “khủng”, nội dung hấp dẫn, thậm chí là thông tin dọa nạt, gây lo lắng… Ngay sau khi người dùng bấm vào đường link, Facebook của họ sẽ thoát ra và yêu cầu đăng nhập lại. Do giao diện website giả mạo rất giống với Facebook, nhiều người không phát hiện ra sự khác biệt, làm theo hướng dẫn và vô tình đã tự cung cấp thông tin tài khoản cho tin tặc.

Facebook đang bóc lột công sức lao động của người dùng
Bạn đừng nghĩ những nút “like”, “share” hay những bức ảnh bạn chia sẻ chỉ để cho vui. Tất cả đều biến thành công cụ kiếm tiền cho các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư