Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
“Bệ phóng” đưa nông sản Việt vào EU
Thế Hoàng - 06/03/2020 13:25
 
Hàng hóa, đặc biệt là nông sản của những doanh nghiệp nhỏ, kể cả siêu nhỏ vẫn có cơ hội tăng xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) nếu sản phẩm có được chứng nhận hữu cơ do EU cấp.
Sản phẩm quế của Công ty Vinasamex được xuất khẩu sang các thị trường khó tính do thỏa mãn quy tắc xuất xứ. Ảnh: S.T
Sản phẩm quế của Công ty Vinasamex được xuất khẩu sang các thị trường khó tính do thỏa mãn quy tắc xuất xứ. Ảnh: S.T

“Giấy thông hành” cho nông sản

Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm và Bao bì Vĩnh Phúc (Vipagro), có trụ sở tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc là một trong ít doanh nghiệp có quy mô không thật lớn nhưng lại có sản phẩm xuất khẩu đều đặn và chắc chân tại thị trường EU từ gần chục năm nay.

“Bí quyết” để chinh phục thị trường siêu khó về tiêu chuẩn nông sản này không chỉ là chất lượng, mà cao hơn thế, doanh nghiệp chứng minh được với khách hàng là quá trình sản xuất ra sản phẩm của họ mang lại nhiều giá trị cho xã hội và bảo vệ môi trường.

Nhờ cách đi đầy toan tính về chiến lược định vị sản phẩm, cách tiếp cận thị trường từ sớm, Vipagro xuất khẩu gia vị, thảo dược và trà, với các sản phẩm đã được chứng nhận hữu cơ EU, Canada và Mỹ và hiện là một trong 10 công ty xuất khẩu chè lớn nhất Việt Nam, đã xuất khẩu hơn 2.000 tấn chè và gia vị tính từ năm 2012.

Vipagro chỉ là một trong hàng chục doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đưa nông sản tiếp cận được khách hàng EU nhờ vào sự tư vấn và hỗ trợ của Dự án Biotrade EU từ năm 2014. Thông qua Dự án do EU tài trợ, doanh nghiệp này nhận được sự hỗ trợ về nâng cao năng lực sản xuất nông sản về đáp ứng tiêu chuẩn, và có được chứng nhận của EU và tiếp cận thị trường.

Ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Helvetas Việt Nam, Đại diện Dự án Biotrade EU cho biết, từ năm 2014, khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) chưa được ký, nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đã tham gia Dự án Biotrade và đã thâm nhập thị trường tốt nhờ chiến lược sản xuất sản phẩm đúng đắn. Điều lớn nhất là các doanh nghiệp đã nhận thức được những đòi hỏi khắt khe hơn về tiêu chí khai thác bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học trong quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất khầu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) thừa nhận, EU không chỉ mua đơn thuần về chất lượng nữa, mà họ quan tâm khi mua sản phẩm này sẽ đóng góp được gì cho xã hội, cho cộng đồng. Nếu doanh nghiệp làm được điều này thì không lo sản phẩm không bán được tại EU. Đây cũng là cách Vinasamex đã đi trong nhiều năm qua và sản phẩm đang có đơn hàng xuất khẩu đều đặn sang nhiều thị trường khó tính, đòi hỏi chuẩn cao như EU, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Liên bang Nga.

Bền bỉ chinh phục

Có chứng nhận sản phẩm hữu cơ do EU cấp là cả chặng đường gian nan của doanh nghiệp Việt.

Đơn cử, để có được các chứng nhận uy tín của quốc tế như Chứng chỉ Fairtrade - chứng nhận quốc tế về thương mại công bằng; Chứng nhận sản phẩm hữu cơ Organic EU; Chứng nhận Forlife (bảo vệ con người, môi trường, trách nhiệm xã hội), Vinasamex phải thực hiện rất nghiêm ngặt các tiêu chuẩn đối với giống, đất trồng, chăm sóc, thu hái chế biến và đóng gói.

Vất vả là vậy, nhưng một khi đã được EU tin tưởng cấp chứng nhận hữu cơ, trước mắt doanh nghiệp là một “sân chơi” rộng lớn để họ vẫy vùng, lo tăng năng lực sản xuất để xuất khẩu nhiều hơn.

Hiện, mỗi năm, Vinasamex xuất khẩu khoảng 1.000 tấn quế, hồi các loại với giá trị cao gấp đôi so với khi chưa áp dụng các quy trình sản xuất hữu cơ…

Đáp ứng tiêu chí xuất xứ và vượt qua các rào cản kỹ thuật của EU, thỏa mãn quy tắc xuất xứ là những yêu cầu tiên quyết để hàng hóa của Việt Nam được áp mức thuế nhập khẩu ưu đãi và có thể thâm nhập thành công thị trường EU.

Với riêng nông sản, “bức tường” lớn nhất cũng chính là rào cản kỹ thuật về kiểm dịch động thực vật, như chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm, thủy sản nhiễm chất cấm nghiêm trọng, hạnh nhân chứa chất aflatoxin vượt mức….

Ngành nông nghiệp xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2018 và 41 tỷ USD trong năm 2019, nhưng những ngành hàng tỷ USD như rau quả, gạo, thủy sản… đều có giá trị xuất khẩu vào EU rất khiêm tốn.

Những năm qua, tình trạng nông sản Việt Nam xuất khẩu rồi bị phía EU trả lại đã diễn ra nhiều lần, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt.

Chỉ trong năm 2018, đã có 80 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị EU và các thị trường nhập khẩu cảnh báo không đảm bảo chất lượng và bị trả về, gấp đôi trong năm 2017. Hiện thủy sản Việt vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” vào EU.

Dù chưa có báo cáo chính thức, nhưng 6 tháng đầu năm  2019 cũng có hơn 20 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU do không đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hệ thống Cảnh báo Nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi do cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) phản ứng rất nhanh và đưa ngay danh sách các lô hàng vào diện giám sát đặc biệt hoặc từ chối nhập khẩu.

Nhìn rộng ra và tích cực hơn, những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường EU lại giúp các doanh nghiệp buộc phải tìm cho mình chiến lược phát triển đúng đắn dựa trên hoạt động đầu tư bền vững. Khi hàng hóa của doanh nghiệp thỏa mãn được đòi hỏi của thị trường khó tính như EU có thể tự tin chinh phục các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và hoàn toàn không lo bị phụ thuộc vào một thị trường nào đó.

Nông sản Việt lo đáp ứng rào cản kỹ thuật tại EU
Mặc dù EVFTA có ưu đãi với những quy định về kiểm dịch động thực vật (SPS) linh hoạt cho Việt Nam, nhưng đa số nông sản của nước ta như thủy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư