Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 12 năm 2024,
Bệnh nhân vảy nến với nỗi lo bị kỳ thị
D.Ngân - 11/08/2024 16:01
 
Gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương có tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ bị vảy nến kèm theo tình trạng trầm cảm, tâm thần phân liệt.

Người bệnh nữ 31 tuổi, quê Hưng Yên, những dấu hiệu triệu chứng đầu tiên của bệnh vảy nến xuất hiện hơn 10 năm về trước với vài nốt dát đỏ có ít vảy ở tay khi còn là cô sinh viên đại học đầy vui vẻ, hoạt bát.

 Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị mới có thể đạt sạch tổn thương trên 90% hoặc thậm chí hoàn toàn. 

Ở thời điểm đó, cô không biết và cũng không nghĩ mình bị vảy nến, cô tự mua thuốc về bôi thấy có đỡ, thỉnh thoảng có bị lại nhưng cô chỉ cho đó là những phản ứng da dị ứng đơn thuần.

Cũng như bao cô sinh viên, cô bắt đầu có một tình yêu đẹp và đi đến xây dựng gia đình vào năm 2015 sau khi tốt nghiệp đại học và theo chồng vào Vũng Tàu công tác và sinh sống.

Tuy nhiên, sau khi lập gia đình một thời gian, các nốt tổn thương xuất hiện nhiều hơn, lan tỏa hơn. Lúc đó cô đã đi khám và được chẩn đoán vảy nến.

Vì là một bệnh lý mạn tính nên việc điều trị mang tính kiểm soát bệnh lâu dài, không thể khỏi hẳn được. Cô bị chồng và gia đình chồng đổ lỗi giấu bệnh, chủ tâm lừa họ.

Cuộc sống gia đình trở nên nặng nề hơn, mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt hơn. Người chồng liên tục trì chiết, gia đình chồng không thông cảm, cô trở nên trầm lặng và quyết định bỏ về Hà Nội và đăng ký một việc học khác.

Bệnh nhân không dám chia sẻ chuyện với gia đình mình, chỉ lấy lý do đi học để về Hà Nội. Các triệu chứng trầm cảm của cô dần trở nên rõ ràng hơn và được người nhà biết được khi lên thăm. Cô chỉ thích nằm một mình, ngại giao tiếp, sợ ánh sáng, sợ tiếng động.

Cũng chính vì tình trạng tâm lý này, cô cũng ngại đi khám và không tuân thủ điều trị nên tình trạng vảy nến ngày càng nặng hơn. Thêm vào đó, người chồng cũng không hề liên lạc quan tâm hỏi thăm.

Vấn đề tâm lý cũng ngày càng nặng. Dù đã được người nhà đưa đi khám và điều trị tình trạng tâm lý nhưng sự cải thiện vẫn hạn chế. Ngày cô vào viện, điều làm chúng tôi ấn tượng là một cô gái khá xinh xắn, ưa nhìn nhưng trông vô hồn, thẫn thờ không còn sức sống, tổn thương vảy nến lan tỏa nhiều gần như khắp toàn thân.

Bên cạnh việc điều trị bệnh vảy nến, bác sỹ Nguyễn Thị Tuyến, Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã phối hợp để đưa cô đi khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần và được chẩn đoán là tâm thần phân liệt -  một trong những tình trạng nặng và khó để kiểm soát.

Bệnh vảy nến là một bệnh lý lành tính, khá phổ biến, không lây nhưng mạn tính. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó tới người bệnh thường trầm trọng hơn các bệnh lý mạn tính khác bởi các tổn thương hiện hữu ngay ở ngoài da. Điều này gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề.

Ảnh hưởng này không chỉ bởi tổn thương bệnh mà cả bởi cả sự kì thị, thiếu hiểu biết của những người xung quanh.

Do đó, người bệnh vảy nến dễ bị các vấn để như xảm giác xấu hổ, thiếu tự tin, giảm lòng tự trọng, đánh giá giá trị bản thân thấp, đôi khi cô lập xã hội, bị phân biệt đối xử, giảm cơ hội trong công việc, giao lưu xã hội, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày… thậm trí nhiều trường hợp nặng có thể gây các vấn đề trầm cảm, ý tưởng tự tự.

Hơn thế nữa, các vấn đề tâm lý này lại quay trở lại làm nặng tình trạng bệnh vảy nến, làm cho bệnh khó kiểm soát hơn, từ đó tạo một vòng xoắn làm cho người bệnh trở nên ngày cang suy sụp.

Câu chuyện mà chúng tôi đề cập phía trên là một trường hợp điển hình cho vấn đề này, nếu như những thân xung quanh có sự chia sẻ, động viên, đồng hành cùng thì có lẽ thì tình trạng của cô gái trẻ không đến mức nặng nề như bây giờ.

Với bệnh vảy nến, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị mới có thể đạt sạch tổn thương trên 90% hoặc thậm chí hoàn toàn. Song điều quan trọng không kém đó là sự thấu hiểu, đối xử công bằng, không kỳ thị của xã hội và đặc biệt đó là sự đồng hành bên cạnh của người thân.

Theo các chuyên gia, bệnh vảy nến là bệnh ngoài da gây phát ban với các mảng ngứa, có vảy chủ yếu ở đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu. 2% - 3% dân số mắc bệnh vảy nến. Vảy nến được mô tả lần đầu tiên bởi nhà khoa học tài năng Aurelius Cornelius Celsus của La Mã.

Bệnh vảy nến xảy ra khi các tế bào da được thay thế nhanh hơn bình thường. Thông thường, các tế bào da được tạo ra và thay thế sau mỗi 3 - 4 tuần nhưng quá trình này chỉ mất khoảng 3 - 7 ngày ở bệnh nhân vảy nến.  Từ đó khiến cơ thể người bệnh gia tăng sản xuất tế bào da, dẫn đến sự tích tụ các tế bào da tạo ra các mảng các mảng bong tróc, sần sùi phủ đầy vảy.

Các nhà khoa học ghi nhận người bị bệnh vảy nến gặp rối loạn về hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch là cơ chế phòng vệ của cơ thể giúp chống lại bệnh tật và nhiễm trùng nhưng lại tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh ở người bị bệnh vảy nến.

Bệnh vảy nến có thể di truyền trong gia đình. Khoảng 1/3  người mắc bệnh vảy nến báo cáo có tiền sử gia đình mắc bệnh. Các nghiên cứu về cặp song sinh giống hệt nhau cho thấy 70% khả năng một cặp song sinh mắc bệnh nếu người kia mắc chứng rối loạn này; tỷ lệ này chiếm 20% ở cặp song sinh không giống hệt nhau. Những phát hiện này cho thấy cả tính nhạy cảm di truyền và phản ứng môi trường trong việc phát triển bệnh vẩy nến.

Ngoài ra, các tác nhân khác như chấn thương da, nhiễm trùng cổ họng và sử dụng một số loại thuốc cũng gây ra bệnh.

Bệnh vảy nến phổ biến nhưng việc điều trị còn nhiều khó khăn. Bệnh có thể gây đau đớn, mất ngủ, khó tập trung. Tình trạng này có xu hướng trải qua các chu kỳ, bùng phát trong vài tuần đến vài tháng, sau đó giảm dần trong một thời gian.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều loại thuốc mới đã được tìm ra và ứng dụng trong điều trị để giảm bớt phiền toái và biến chứng do bệnh gây ra, tuy nhiên giá thành của thuốc còn mắc nên nhiều bệnh nhân không đủ tài chính để điều trị thuốc mới.

Bệnh vảy nến có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm khớp vảy nến, u lympho, tim mạch, bệnh Crohn và trầm cảm. Riêng viêm khớp vảy nến ảnh hưởng đến 30% số người mắc bệnh.

Những người trẻ tuổi mắc bệnh vảy nến cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Người bệnh vảy nến có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn 1,58 lần ( tức 58%) so với người không mắc bệnh này.

Bệnh vảy nến hiện vẫn là một bệnh mạn tính, cần uống thuốc lâu dài. vảy nến đi theo người bệnh suốt đời. Thế nhưng do da nổi vảy nên người bệnh thường tự ti, mặc cảm, nhiều người bỏ cuộc không điều trị làm bệnh bộc phát nặng, gây ra các biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.

Với người chưa mắc bệnh có thể cần tăng cường sức đề kháng, hạn chế các bệnh nhiễm trùng, chấn thương… để tránh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.

Với người thuộc nhóm nguy cơ cao như gia đình có người bệnh cần tầm soát, phát hiện sớm để điều trị sớm, tránh bệnh nặng hơn.

Với người đã bị bệnh, không hoang mang hay lo lắng và cần trao đổi với bác sỹ da liễu - thẩm mỹ da để được chia sẻ về các liệu pháp điều trị và cách ngăn biến chứng, bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng.

Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sỹ, tránh ánh nắng mặt trời, vệ sinh da sạch sẽ, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, hạn chế ăn thực phẩm béo, nhiều dầu mỡ, tăng cường bổ sung thức ăn chứa acid folic và omega 3 từ cá thu, cá hồi…

Người bệnh vảy nến hoặc viêm khớp vảy nến cần chế độ ăn uống bổ sung giàu axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) như cá hồi, cá trích, cá thu, dầu ô liu nguyên chất, cây họ đậu, rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.

Nhiều bệnh nhân cải thiện sau khi tiêu thụ ít thuốc lá, caffein, đường, cà chua, cà tím, ớt, ớt bột và khoai tây trắng nhưng có uống men vi sinh và vitamin D.

Khi áp dụng chế độ ăn không có gluten, mức độ nghiêm trọng của bệnh thường giảm ở những người mắc bệnh celiac và những người có kháng thể kháng gliadin. Người bệnh cần kiêng chế độ ăn nhiều calo, tránh uống rượu, chất cồn, thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa do có chất béo bão hòa…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư