Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 22 tháng 07 năm 2024,
Biến chứng bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường
D.Ngân - 14/07/2024 08:18
 
Biến chứng bàn chân tiểu đường xảy ra âm thầm và rất sớm, khi đã có dấu hiệu rõ ràng thường đã diễn tiến nặng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê cứ 30 giây trôi qua, thế giới có thêm 1 người bệnh tiểu đường bị cắt cụt chân do biến chứng tiểu đường. Bộ Y tế cho biết Việt Nam có khoảng 7 triệu người bị tiểu đường, hiện có hơn 55% trường hợp đã có biến chứng.

Biến chứng bàn chân tiểu đường xảy ra âm thầm và rất sớm, khi đã có dấu hiệu rõ ràng thường đã diễn tiến nặng.

Tuy nhiên, mức độ quan tâm của người bệnh về biến chứng bàn chân còn ít, chủ quan dẫn đến những biến chứng nặng hơn như: nhiễm trùng, loét sâu, hoại tử, đoạn chi.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường như tim mạch, suy thận, mù lòa, tai biến mạch máu não… được nhiều người bệnh quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người bệnh tiểu đường lại bỏ quên hay ít quan tâm đến biến chứng bàn chân tiểu đường hay nhiễm trùng bàn chân tiểu đường.

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, có khoảng 15% - 20% người bệnh tiểu đường có biến chứng bàn chân. Thực trạng xã hội, nhiều người bệnh tiểu đường bị giảm chất lượng cuộc sống do đoạn chi, bệnh nhân rút ngắn cuộc sống vì tử vong do đoạn chi. Do đó, người bệnh cần nâng cao nhận thức hơn về biến chứng bàn chân tiểu đường.

Có nhiều yếu tố ở người tiểu đường dẫn tới biến chứng bàn chân như: biến chứng mạch máu lớn, mạch máu nhỏ do tắc, hẹp, xơ vữa mạch máu; biến chứng thần kinh; biến dạng chân do tổn thương mạch máu và thần kinh. Những yếu tố trên cộng lại khiến người bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng bàn chân, loét lâu lành…

Do không nhận biết sớm biến chứng bệnh tiểu đường, chưa quan tâm đúng mức về biến chứng, nhiều người bệnh còn chủ quan trong việc chăm sóc bàn chân dẫn đến các sai lầm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Biến chứng bàn chân tiểu đường diễn biến âm thầm và xảy ra sớm, người bệnh nên khám và tầm soát sớm biến chứng bàn chân tiểu đường ngay thời điểm phát hiện bệnh.

Tình trạng tăng đường huyết cộng với các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, tăng mỡ máu, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì là những yếu tố nguy cơ làm tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh ngoại biên.

Từ các biến chứng mạch máu, biến chứng thần kinh có thể dẫn đến biến dạng bàn chân của người bệnh tiểu đường. Quá trình xảy ra biến chứng âm thầm, chính vì vậy người bệnh có thể bỏ sót dấu hiệu sớm. Đến khi cảm thấy các triệu chứng rõ ràng như đau ở gót chân khi đi lại, tê bì, đi làm rơi dép mà không biết… thì lúc đó đã ở giai đoạn nặng.

Do tính chất phức tạp của bệnh, bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiều dạng vết thương khác nhau. Loét chân tiểu đường do chấn thương như tai nạn, bỏng, tia xạ, do nhiệt, gai, đinh hoặc mảnh thủy tinh đâm vào, là nguyên nhân chính gây ra vết thương tiểu đường.

Loét do biến chứng thần kinh: Thường xuất hiện ở vùng gan bàn chân, loét phát sinh do người bệnh bị biến chứng thần kinh ngoại biên, mất cảm giác, tăng áp lực lâu dài lên các mô xương bàn chân, làm biến dạng cấu trúc xương bàn chân. Các vết loét này thường có vết chai, mô xơ, mô tăng sừng.

Loét do thiếu máu: Do giảm tưới máu nuôi da và mô dưới da bàn chân, thường xuất hiện ở phần xa trên mu bàn chân hoặc ngón chân, có màu xanh tím hoặc khi hoại tử chuyển sang màu đen.

Loét động mạch: Do giảm cung cấp máu đến chân, đặc điểm vùng vết thương tái nhợt, bề mặt da lạnh, sưng, căng bóng, đau, vết thương bị hoại tử hoặc hoại thư.

Loét tĩnh mạch: Thường ở vị trí cẳng chân từ dưới gối cho đến cổ chân, điển hình là xung quanh mắt cá chân, bờ thường không đều, với biểu hiện phù nề và có dãn tĩnh mạch.

Loét do nguyên nhân hỗn hợp: Bọng nước, mụn nhọt, viêm mô tế bào.

Bọng nước tiểu đường: Xảy ra trên khoảng 39,7% người bệnh tiểu đường. Nguyên nhân hình thành bọng nước không được xác định rõ. Các bọng nước thường tiến triển sau các chấn thương nhẹ hoặc tiếp xúc nhiều với tia cực tím.

TS.Lâm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khuyên người bệnh tiểu đường nên lưu ý chăm sóc bàn chân như sau: vệ sinh bàn chân sạch sẽ hàng ngày, lau khô chân sau khi rửa chân. Trong thời gian rửa chân, nên nhìn kỹ bàn chân có những bất thường hay tổn thương nào không.

Người bệnh tuyệt đối không đi chân trần để hạn chế dẫm phải vật nhọn làm tổn thương chân. Người bệnh chọn giày dép vừa vặn, không quá rộng hay quá chật, chất liệu mềm, thoải mái, nên chọn giày dép vào buổi chiều. Khám và tầm soát sớm biến chứng bàn chân đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bàn chân tiểu đường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư