Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Biến đổi khí hậu có thể khiến ngành dịch vụ tài chính mất 1.000 tỷ USD
Phương Nga (TTXVN/Vietnam+) - 24/02/2020 09:21
 
Các quan chức tài chính G20 đã thống nhất về mặt từ ngữ đối với nội dung bản thông cáo cuối cùng, trong đó lần đầu tiên đề cập đến tình trạng biến đổi khí hậu kể từ khi Tổng thống Mỹ Trump nắm quyền.
Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở bang Victoria, Australia ngày 31/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở bang Victoria, Australia ngày 31/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia cho biết các quan chức tài chính của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 23/2 đã nhất trí sẽ tiếp tục dõi theo những rủi ro từ sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời sẽ áp dụng các chính sách phù hợp để hạn chế tác động của dịch bệnh này đối với kinh tế toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, nguồn tin ngoại giao cho biết các quan chức tài chính G20 đã thống nhất về mặt từ ngữ đối với nội dung bản thông cáo cuối cùng, trong đó lần đầu tiên đề cập đến tình trạng biến đổi khí hậu kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo đó, bản thông cáo mang ngôn ngữ của sự thỏa hiệp sẽ có vai trò như một tài liệu tham chiếu đối với Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) trong quá trình xem xét tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với sự ổn định tài chính.

Một trong những nguồn tin cho biết đây là lần đầu tiên một chủ đề có liên quan đến biến đổi khí hậu được đưa vào thông cáo tài chính của G20 trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump. Tuy nhiên, vấn đề này đã bị loại khỏi danh sách những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trước đó, Washington đã phản đối bản thông cáo được đề xuất ban đầu với nội dung nhận định “rủi ro về kinh tế vĩ mô có liên quan đến sự ổn định về môi trường" khi liệt kê danh sách những rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng toàn cầu.

Các quan chức Mỹ đã phản đối việc gọi tên biến đổi khí hậu là một rủi ro kinh tế kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống vào năm 2016. Một trong những hành động đầu tiên của ông khi trở thành Tổng thống Mỹ là tuyên bố Washington rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Giờ đây, bản thảo cuối cùng đã loại bỏ những từ ngữ liên quan trong các đoạn đầu tiên và vấn đề môi trường chỉ xuất hiện ở phía cuối của thông cáo, dưới hình thức như là một công việc đang được thực hiện bởi FSB.

"Tăng cường tài chính bền vững và tài chính bao trùm là rất quan trọng đối với tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu. FSB đang xem xét các tác động đối với sự ổn định tài chính của tình trạng biến đổi khí hậu," thông cáo cho biết.

Bên cạnh đó, G20 cũng “hoan nghênh sự tham gia cũng như tính minh bạch của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này".

Cuộc họp kéo dài trong hai ngày từ 22-23/2 tại Riyadh của các đại diện G20 đã bị chi phối bởi mối lo ngại ngày càng gia tăng từ sự bùng phát của dịch COVID-2019, giữa bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,1 điểm phần trăm.

Những lo ngại về tác động kinh tế của tình trạng biến đổi khí hậu đã leo thang trong những năm gần đây và áp lực đang gia tăng đối với hoạt động kinh doanh nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi sang nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp trước khi diễn ra các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 11 tới.

Một báo cáo được công bố tuần trước dự báo ngành dịch vụ tài chính thế giới có nguy cơ thiệt hại lên tới 1.000 tỷ USD nếu không ứng phó nhanh với tình trạng biến đổi khí hậu, để từ đó chịu ảnh hưởng từ những thay đổi chính sách như áp dụng thuế carbon.

IMF đã liệt kê các thảm họa liên quan đến khí hậu vào danh sách những rủi ro có thể phá hỏng sự phục hồi dự kiến "rất mong manh" của kinh tế toàn cầu trong năm 2020.

Các chuyên gia kinh tế ước tính rằng một thảm họa tự nhiên điển hình liên quan đến khí hậu có thể sẽ làm giảm trung bình 0,4 điểm phần trăm mức tăng trưởng kinh tế tại quốc gia chịu ảnh hưởng trong năm đó.

Biến đổi khí hậu khiến nhân loại vừa trải qua năm nóng kỷ lục của các đại dương
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử và tác động của việc toàn cầu ấm lên có thể được cảm nhận qua thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư