Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bình Thuận - “đất lành chim đậu”
Tân Thuận - 15/04/2015 07:28
 
Đó là cảm nhận của ông Phan Văn Quý, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương khi nói về Bình Thuận - một tỉnh đang từng ngày “thay da đổi thịt”.

Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về Bình Thuận - nơi Tập đoàn Thái Bình Dương đang tập trung đầu tư nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực?

Cách đây 40 năm, khi còn là người lính trẻ Trường Sơn, chúng tôi đã cơ động Quân đoàn 1 vượt qua Bình Thuận để tiến về Sài Gòn. Cảm nhận của tôi ngày ấy về Bình Thuận là một địa phương thuộc dải đất Duyên hải miền Trung có truyền thống lịch sử hào hùng, con người gần gũi, dễ mến và cần cù. Khi trở thành doanh nhân, qua các lần khảo sát, nghiên cứu đầu tư, chúng tôi đánh giá Bình Thuận là một địa phương có tiềm năng lớn về đầu tư.

ông Phan Văn Quý, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương
Ông Phan Văn Quý, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương

Bình Thuận nằm trong vùng Duyên hải cực Nam Trung Bộ, có mối liên hệ chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ và nằm trong khu vực ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, Nam Tây Nguyên… Hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, tiềm năng tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào… Đó là lợi thế so sánh thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Thái Bình Dương.

Đối với hoạt động thu hút đầu tư, Bình Thuận có điểm gì khiến ông ấn tượng khi đầu tư vào địa bàn này?

Ngoài lợi thế nêu trên, một trong những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bình Thuận chính là chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, ban ngành khi giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình khảo sát, triển khai dự án… cũng là một lợi thế nữa và là lợi thế hết sức quan trọng.

Trước đây, khi nói đến Bình Thuận, chúng ta thường nghĩ nhiều đến tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, ngày nay Bình Thuận còn được biết đến là địa phương có tài nguyên đất, rừng, khoáng sản… phong phú, tạo nhiều lợi thế cho công nghiệp phát triển.

Hiện nay, giấc mơ của người Bình Thuận về sân bay (sân bay Phan Thiết), cảng biển (Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân), đường cao tốc (Dầu Dây - Phan Thiết)… đã và đang được hiện thực hóa. Trong tương lai gần, Bình Thuận sẽ có trung tâm nhiệt điện lớn nhất nước. Do vậy, Bình Thuận ngày càng tạo ấn tượng và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Ông có thể chia sẻ về những dự án mà Tập đoàn Thái Bình Dương tham gia đầu tư, thực hiện tại Bình Thuận?

Chúng tôi đã và đang tham gia đầu tư, thực hiện một số dự án tại Bình Thuận trong lĩnh vực công nghiệp, tổng thầu, cảng biển… Trong lĩnh vực công nghiệp, một số dự án năng lượng mà chúng tôi tham gia đầu tư theo hình thức BOT đã và đang thu hút được hàng tỷ USD từ các tập đoàn đầu tư nước ngoài có uy tín. Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với Tập đoàn One Energy (Hồng Kông) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, với công suất khoảng 2.000 MW, tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Chúng tôi cùng Tập đoàn IPR-GDF SUEZ (châu Âu) và Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) đã được Chính phủ chấp thuận cho làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Sơn Mỹ 1, với công suất khoảng 2.000 MW tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân theo hình thức BOT.

Ngoài ra, chúng tôi đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư 2 dự án về điện gió theo hình thức IPP, gồm Nhà máy Điện gió Thái Hòa, với công suất dự kiến 82,5 MW tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình và Nhà máy Điện gió Thái Phong với công suất dự kiến 52,5 MW tại xã Hòa Minh, xã Chí Công và xã Phong Phú của huyện Tuy Phong.

Trong lĩnh vực tổng thầu, Tổ hợp nhà thầu EPC của chúng tôi gồm Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 và Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đang thực hiện Hợp đồng EPC cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có công suất 1.200 MW tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, do Tổng công ty Phát điện 3 làm chủ đầu tư. Tổng giá trị Hợp đồng EPC là 1,36 tỷ USD.

Hợp đồng EPC trên là một trong ít hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam là thành viên của tổ hợp nhà thầu, đứng ngang hàng với các nhà thầu quốc tế, thay vì chỉ là thầu phụ. Việc thực hiện hợp đồng này sẽ mở ra nhiều triển vọng mới, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, giải quyết việc làm cho lao động trong nước, tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ phát triển… 

Về cảng biển, vừa qua, chúng tôi đã được UBND tỉnh Bình Thuận giao làm chủ đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Mục tiêu của Dự án là xây dựng cảng tổng hợp đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tổng mức đầu tư toàn Dự án là hơn 2.292 tỷ đồng. Quy mô Dự án giai đoạn I gồm 2 bến tổng hợp cho tàu đến 30.000 DWT và 1 bến cho tàu đến 3.000 DWT. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành giai đoạn I và đưa vào vận hành cuối năm 2016. Các giai đoạn còn lại sẽ được đầu tư căn cứ theo lưu lượng phát triển hàng hóa đến cảng. Khi đi vào hoạt động, Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển, tăng thu hút đầu tư, tăng ngân sách địa phương và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động...

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang triển khai một số dự án khác về vật liệu xây dựng, nhà ở… tại Bình Thuận để phục vụ các dự án lớn nêu trên.

Trong thời gian tới, Tập đoàn Thái Bình Dương có định tiếp tục mở rộng đầu tư tại Bình Thuận nữa không, thưa ông?

Dân gian có câu “Đất lành chim đậu”. Bình Thuận đang ngày càng tạo ấn tượng và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Do vậy, trong thời gian tiếp theo, ngoài việc thúc đẩy thủ tục đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1 theo chủ trương của Chính phủ, chúng tôi cũng đang quan tâm tham gia tổng thầu Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng và nghiên cứu đầu tư một số dự án khác.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư