Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Bình Thuận đĩnh đạc vào xuân
Ngọc Tuấn - 18/02/2015 10:49
 
() Kinh tế chuyển biến tích cực sau thời gian khó khăn do ảnh hưởng suy thoái, những mảng sáng kinh tế Bình Thuận trong năm 2014 đang tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tới đây. Phóng viên Báo Đầu tư điện tử -  có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương về những kết quả này.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, những chỉ số về kinh tế Bình Thuận năm vừa qua toát lên nhiều gam màu sáng, ông có nhận xét gì về những kết quả đó?

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong điều kiện nền kinh cả nước còn  khó khăn, thách thức tuy nhiên tỉnh Bình Thuận đã quyết tâm triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra.  

Có thể thấy rõ rằng lĩnh vực kinh tế của địa phương có những chuyển biến rõ nét và khá hơn rất nhiều so với năm trước. Cơ cấu kinh tế tích cực chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ. Bình Thuận đạt tốc độ tăng GRDP đạt 8,75% trong đó lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng 8,3%, dịch vụ tăng 10,7%, nông lâm thủy sản tăng 4,95%.

Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 20.549 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 28,9%. Bên cạnh đó, hai chỉ tiêu xuất khẩu và thu ngân sách có bước chuyển mới khi kim ngạch xuất khẩu cán mức hơn 400 triệu USD, tổng thu nhân sách nhà nước 7100 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 3975 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Ngay trong lúc khó khăn, Bình Thuận nỗ lực huy động rất tốt các nguồn lực để đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ ước thực hiện 2.154,3 tỷ đồng.

Năm qua, ngành du lịch tỉnh đón 3,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 7,5% so với năm trước, trong đó khách quốc tế khoảng 410 ngàn lượt, tăng 7,9% tạo ra nguồn doanh thu khoảng 6.459 tỷ đồng, tăng 18%. Ngành du lịch tiếp tục là trụ cột kinh tế của địa phương.

Nhìn chung, các chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tình hình kinh tế ổn định và bắt đầu có những chỉ dấu tăng trưởng tích cực sẽ tạo đà phát triển tốt hơn trong nhưng năm tới.

Người dân đặt niềm tin vào triển vọng tươi mới trong năm tới khi ngay tại thời điểm khó tỉnh đã dành quan tâm đáng kể cho đầu tư phát triển. Ông nhận xét gì về điều này?

Như tôi đã đề cập trên đây, năm 2014, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ ước thực hiện 2.154,3 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách tập trung 661 tỷ đồng, vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu 223,1 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 416 tỷ đồng, vốn ODA 320 tỷ đồng… Đây là nguồn lực quan trọng để đầu tư kết cấu hạ tầng cho Bình Thuận.

Bên cạnh đó, chúng tôi rất chú trọng công tác thu hút cho các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Đến nay, Bình Thuận có 41 dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.635 tỷ đồng; trong đó có 5 dự án FDI với tổng vốn 51,47 triệu USD.

Để tạo tiền đê cho thu hút đầu tư, tỉnh Bình Thuận tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Cụ thể,  KCN Phan Thiết giai đoạn 2, Hàm Kiệm I, Sông Bình cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng. Riêng KCN Hàm Kiệm II cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn I (230 ha), đang triển khai thi công giai đoạn II.

Trong năm, các KCN thu hút thêm 9 dự án, lũy kế đến nay có 47 dự án đầu tư, trong đó có 33 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn 3.207 tỷ đồng và 14 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 125,9 triệu USD. KCN Tuy Phong đã được khởi công và đang đầu tư xây dựng hạ tầng để đón các nhà đầu tư. Các CCN tiếp tục triển khai thi công kết cấu hạ tầng như CCN Thắng Hải 1 và 2.

Bình Thuận đã thực hiện hiệu quả giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến với tỉnh. Năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Thuận có sự bứt phá ngoạn mục từ thứ hạng 47 lên thứ hạng 22, tăng 25 bậc. Điều này cho thấy nỗ lực của địa phương nhằm xóa bỏ rào cản, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện tốt môi trường đầu tư cho doanh nghiệp. Trong tương lai gần khi các tuyến đường giao thông trong điểm trong trên đại bàn tỉnh như quốc lộ 1A, sân bay Phan Thiết, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được xây dựng thì sẽ tạo ra sức hút lớn với các nhà đầu tư.

Tôi kỳ vọng nhiều vào hiệu quả các nguồn đầu tư. Chúng sẽ giúp kinh tế địa phương bứt tốc trong thời gian tới.

Để phát triển một cách vững chắc, năm 2015, Bình Thuận sẽ tập trung vào mục tiêu lớn nào?

Chuyển biến tích cực xong quy mô kinh tế Bình Thuận còn nhỏ, phát triển chưa vững chắc, tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN, thu hút các dự án thứ cấp còn chưa đáp ứng yêu cầu. Năm 2015, chúng tôi sẽ phát huy tối đa các lợi thế để tăng trưởng kinh tế hợp lý.  Bình Thuận chú trọng thu hút đầu tư phát triển. Mục tiêu chúng tôi đề ra là đạt tốc độ tăng GRDP trên 9%.

Ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư để định hình 3 trung tâm kinh tế mang tầm Quốc gia là Trung tâm năng lượng, Trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan và Trung tâm du lịch - thể thao biển. Theo đó, Bình Thuận sẽ triển khai thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng sa khoáng titan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Bình Thuận tích cực kêu gọi đối tác đầu tư chế biến sâu quặng sa khoáng titan trên cơ sở gắn chặt hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường. Xây dựng Đề án Trung tâm chế biến sa khoáng quặng titan. Bên cạnh đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN.

Chúng tôi cũng khởi động xây dựng Đề án Trung tâm năng lượng. Bình Thuận hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai các dự án thủy điện, nhiệt điện, điện gió đã được chấp thuận đầu tư như Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, thủy điện Đan Sách 2, Đan Sách 3, La Ngâu, Sông Lũy, Phong điện Phú Lạc… Khởi công Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và 3.

Về du lịch, tỉnh thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó tập trung củng cố, nâng chất lượng các loại dịch vụ phục vụ du lịch. Tăng cường quản lý, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Bình Thuận và giữ vững thương hiệu khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến giới thiệu tiềm năng, hình ảnh điểm đến của du lịch Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Bình Thuận sẽ đẩy nhanh triển khai, tiến độ thi công và giải phóng mặt bằng để triển khai các công trình trọng điểm, các dự án lớn để tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo như: Sân bay Phan Thiết; đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cầu đường Hùng Vương, đường Lê Duẩn, đường Hòa Thắng - Hòa Phú; cảng tổng hợp Vĩnh Tân; các khu, cụm công nghiệp và dự án về năng lượng.

Về đầu tư, Bình Thuận phấn đấu huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển là 16.945 tỷ đồng, trong đó từ nguồn vốn ngân sách tập trung tỉnh là 750 tỷ đồng.     

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư