Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Bình Thuận định hình trung tâm khai thác, chế biến sâu titan
Ngọc Tuấn - 03/05/2014 10:36
 
Trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Thuận được xác định là địa phương giàu tiềm năng sa khoáng titan, dự báo trữ lượng khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng tài nguyên quặng titan Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Giàu tiềm năng, “đói” công nghệ

Theo quy hoạch nói trên, Bình Thuận có diện tích cát đỏ chứa sa khoáng titan lên tới 800 km2, có tài nguyên trên 550 triệu tấn khoáng vật nặng có ích, trong đó zircon gần 80 triệu tấn. Trong kỳ quy hoạch đến năm 2030, tài nguyên có thể huy động vào thăm dò trên 300 triệu tấn, trước mắt huy động 110 triệu tấn.

  Bình Thuận định hình trung tâm khai thác, chế biến sâu titan  
 

Với tổng đầu tư trên 200 tỷ đồng, Cụm công nghiệp Thắng Hải 2 là dự án trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho ngành công nghiệp chế biến sâu titan

 

Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2015, Bình Thuận tập trung chế biến sản phẩm xỉ titan, rutin nhân tạo, bột nghiền zircon mịn và siêu mịn với tổng công suất chế biến khoảng 485.000 tấn/năm và giai đoạn sau năm 2015 đến năm 2030, sẽ thu hút đầu tư chế biến các sản phẩm pigment, titan xốp, titan kim loại, ferro titan với tổng công suất chế biến được nâng lên vào khoảng 795.000 tấn/năm.

Để đạt mục tiêu trên, giai đoạn đến năm 2015, cơ quan chức năng sẽ cấp phép khai thác với tổng công suất 932.000 tấn KVN/năm, giai đoạn 2016-2030 cấp phép thêm cho các đơn vị nâng tổng công suất lên khoảng 1,3 triệu tấn KVN/năm. Sản phẩm chế biến sâu sa khoáng titan được bố trí chế biến tập trung tại 2 khu vực là phía Bắc tỉnh và phía Nam tỉnh.

Theo số liệu của Sở Công thương Bình Thuận, hiện tỉnh có 21 dự án khai thác titan trên diện tích 12.388,43 ha do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Trong đó, 1 dự  án với 181,1 ha đã cấp phép, nhưng hết hạn, doanh nghiệp đang xin phép Bộ gia hạn lại. Trên địa bàn tỉnh còn 3 giấy phép khai thác titan do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp còn hiệu lực với tổng diện tích 1.028 ha. Ngoài ra, còn 9 dự án được cấp giấy phép thăm dò với diện tích hơn 6.116,83 ha và đang lấy ý kiến 1 dự án có diện tích 5.063 ha.

Sức hút titan đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực này. Tới tháng 4/2013, ngành công nghiệp sa khoáng của tỉnh đã có 10 nhà máy tuyển tinh quặng titan, tổng công suất tuyển theo thiết kế 645.000 tấn tinh quặng các loại/năm. Hằng năm, sản lượng xuất khẩu ilmenite - zircon đạt trên 100.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm ilmenit này không được phép xuất khẩu theo Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì các sản phẩm này chưa qua chế biến sâu.

Ông Trần Văn Nhựt, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết, công nghiệp sa khoáng còn nhiều hạn chế như công nghệ khai thác, chế biến sử dụng chưa hợp lý. “Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng về mặt công nghệ, không nâng cao cải tiến công nghệ, mà chỉ biết đặt vít nơi nào nhiều quặng để khai thác lấy ra nhiều khoáng vật nặng”, ông Nhựt nhấn mạnh và cho biết, tất cả các khu vực trong tỉnh đều sử dụng cụm vít xoắn do Trung Quốc sản xuất.

Trong khi đó, mỗi khu vực thành phần hạt, hàm lượng khoáng vật nặng khác nhau. Ví dụ, tại Bình Thuận, sa khoáng titan phân bố sâu, hàm lượng khoáng vật nặng trong cát tuy ít hơn các nơi khác, nhưng lại nhiều zircon, (chiếm 10 - 25% KVN). Với công nghệ khai thác hiện đang sử dụng, thì phần lớn chưa khai thác triệt để, lượng  zircon còn  trong cát thải rất nhiều.

Tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm chế biến sâu titan, nhưng đến nay, vẫn chưa có nhà máy chế biến sâu nào cho ra sản phẩm. Việc chuyển giao công nghệ chế biến sâu, cũng như bảo vệ môi trường gặp khó khăn. Trong khi các doanh nghiệp còn lúng túng với nhiều câu hỏi để ngỏ như làm ra sản phẩm gì, công nghệ gì, chuyển giao công nghệ từ quốc gia nào, thì lại vấp vào tình trạng “đói công nghệ”.

Cái khó hiện diện khi công nghệ chế biến sâu titan không được phổ quát và bán rộng rãi trên thị trường. Do vậy, doanh nghiệp phải tự mày mò liên hệ nhiều tập đoàn, tổng công ty của một số quốc gia có nền công nghiệp khai khoáng phát triển như Mỹ, Ukraine, Australia, Đức… để xin chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ này hiện nay được xem như hàng “độc quyền, là bí mật”, nên các doanh nghiệp rất khó tiếp cận.

Gộp với sự hữu hạn trong tiềm lực tài chính, việc doanh nghiệp tự tìm kiếm công nghệ trong thời gian qua cũng chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn ở dạng nhà máy tuyển tách titan, cao hơn nữa là nghiền zircon siêu mịn với các công nghệ cũ của Trung Quốc. Với suất đầu tư hiện nay được đánh giá là không hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. 

Mở lối công nghiệp chế biến sâu titan

Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Dẫu vạn lần khó, song việc “mở lối” cho công nghiệp chế biến sâu titan là hướng đi mà Bình Thuận đau đáu theo đuổi”. Ông Phương nhấn mạnh, không thể để tiếp tục việc khai thác, chế biến titan với công nghiệp lạc hậu, giá trị thấp, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự xã hội như lâu nay, nên việc tăng cường công tác quản lý trong khai thác và hình thành trung tâm chế biến sâu titan là việc làm cần thiết cho việc tạo lực thu hút chuỗi nhà máy công nghệ hiện đại có tính liên hoàn, bổ trợ nhau trong chuỗi giá trị sản phẩm sau titan.

Tỉnh Bình Thuận có tiền đề để hình thành trung tâm chế biến sâu titan. Cụ thể, về mặt chính sách, Chiến lược Khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhấn mạnh, Việt Nam chỉ xuất khẩu sản phẩm chế biến từ khoáng sản có giá trị kinh tế cao đối với khoáng sản có quy mô lớn; đầu tư các nhà máy chế biến sâu quặng titan theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến không gây ô nhiễm môi trường; hình thành ngành công nghiệp khai khoáng titan - zircon tương xứng với tiềm năng khoáng sản.

Còn theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030, tỉnh Bình Thuận được xác định là một tỉnh có tiềm năng khoáng sản titan dự báo rất lớn, khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng titan Việt Nam. Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí hình thành khu công nghiệp chế biến sâu titan - zircon trên địa bàn tỉnh tại 2 khu vực phía Bắc và phía Nam tỉnh.

Phóng viên Báo Đầu tư đã có chuyến thực tế tại 2 khu, cụm công nghiệp chế biến titan được khởi động mới đây. Việc xây dựng hạ tầng đang được các chủ đầu tư rốt ráo triển khai. Cụ thể, khu chế biến tập trung phía Bắc tỉnh là Khu công nghiệp Sông Bình với quy mô diện tích 300 ha (huyện Bắc Bình) và khu vực chế biến tập trung phía Nam là Cụm công nghiệp Thắng Hải 2 với quy mô diện tích 40 ha (huyện Hàm Tân).

Lãnh đạo Công ty cổ phần Rạng Đông, chủ đầu tư cho biết, Rạng Đông đầu tư 833 tỷ đồng xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Bình. Đầu năm nay, đã bắt đầu giao mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp. Dự kiến tới cuối năm 2014, 90% hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thành. Đây là khu công nghiệp chế biến sâu titan lớn nhất Việt Nam. Hiện đã có 7 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có tới 4 dự án đã nằm trong quy hoạch titan. Công ty đang triển khai thi công san lấp mặt bằng với tổng diện tích khoảng 180 ha, đã hoàn thành hạng mục đào khuôn đường dẫn vào khu công nghiệp và đường trục chính D1 với tổng chiều dài 1.250 m. Trong danh sách các nhà đầu tư đăng ký vào Sông Bình có những tên tuổi lớn, như Tập đoàn Geopromining (Liên bang Nga) vốn đầu tư đăng ký 350 triệu USD; Công ty Xuất nhập khẩu Bình Minh (650 triệu USD), Công ty Công nghệ Hà Nội (620 triệu USD)…

Còn tại Cụm công nghiệp Thắng Hải 2, đã có 5 dự án đăng ký đầu tư. Ông Phan Châu, Tổng giám đốc Công ty Bảo Thư (chủ đầu tư) cho biết, Thắng Hải 2 đã triển khai đầu tư hạ tầng cơ bản, đảm bảo đủ điều kiện để thu hút dự án đầu tư thứ cấp. Cụm công nghiệp có tổng đầu tư trên 200 tỷ đồng này là dự án trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho ngành công nghiệp chế biến sâu titan. Dự kiến, Cụm công nghiệp sẽ được xây dựng thành khu phức hợp chế biến sâu các sản phẩm titan, với công suất chế biến xỉ titan 180.000 tấn/năm, pigment 50.000 tấn/năm, nano titan 20.000 tấn/năm, zircon siêu mịn 20.000 tấn/năm và đúc gang kỹ thuật 10.000 tấn/năm. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cụm công nghiệp này vào khoảng 350 triệu USD, xây dựng trong 5 năm sẽ hoàn thành và mang lại doanh số 400 triệu USD/năm.

Sở Công thương Bình Thuận cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 13 dự án chế biến sâu titan đăng ký đầu tư, trong đó có 5 dự án chế biến xỉ titan có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 8 dự án đăng ký đầu tư mới, trong đó 3 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư