Thứ Sáu, Ngày 18 tháng 07 năm 2025,
Blockchain và Trung tâm Tài chính quốc tế: Cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp Việt
Hoài Sương - 17/07/2025 15:46
 
Khi TP.HCM đặt mục tiêu trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế, blockchain và tài sản mã hóa được kỳ vọng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mới.

Từ tài sản mã hóa đến chiến lược IFC

Tại Workshop “Từ Blockchain đến Trung tâm Tài chính quốc tế: Hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt”, TS. Tony Trần, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế on-chain tại Onchain Academy (OA) nhận định, việc hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế (IFC) tại TP.HCM đặt ra yêu cầu cấp bách về năng lực số hóa cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, đặc biệt là kiến thức về blockchain và tài sản mã hóa, hai trụ cột cốt lõi của nền kinh tế vận hành trên chuỗi khối (On-chain Economy).

Theo ông, trong bối cảnh chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế số, Web3-powered On-chain Economy đã và đang định hình lại cách doanh nghiệp giao dịch, khai thác tài sản và mở rộng giá trị. 

TS. Tony Trần, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế on-chain tại Onchain Academy (OA) chia sẻ tại workshop.

Việc nắm bắt nguyên lý mô hình và cơ chế vận hành của on-chain không chỉ giúp nhà quản lý thực hiện hiệu quả chức năng tham mưu, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tránh nguy cơ bị bỏ lại phía sau, đồng thời mở ra cơ hội huy động vốn, tối ưu nguồn lực và mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường trong và ngoài nước.

Dẫn chứng từ thực tiễn, TS. Tony Trần cho biết Việt Nam hiện nằm trong top 5 quốc gia sở hữu tài sản mã hóa nhiều nhất thế giới, với khoảng 17 triệu người dùng. Khối lượng giao dịch hàng ngày trên các sàn tập trung và phi tập trung tại Việt Nam ước tính đạt 2-3 tỷ USD, có thể lên đến hàng chục tỷ USD nếu tính cả các giao dịch chưa thống kê, vượt xa quy mô giao dịch của thị trường chứng khoán truyền thống.

“Tài sản mã hóa sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội như tính thanh khoản cao, phí giao dịch thấp, thông tin minh bạch và có thể lập trình tự động. Đây là nền tảng cho các mô hình tài chính mới mà Việt Nam không nên đứng ngoài cuộc”, ông nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Johan Nyvene, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, lĩnh vực blockchain và tài sản mã hóa là những lĩnh vực hoàn toàn mới, nhưng hoàn toàn có thể được triển khai tại Trung tâm Tài chính quốc tế thông qua mô hình thử nghiệm chính sách (sandbox).

“Về lâu dài, thị trường này sẽ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, nhất là khi các định chế tài chính toàn cầu bắt đầu công nhận và tiếp nhận các yếu tố của thị trường tài chính phi tập trung”, ông Johan Nyvene phân tích.

Tuy nhiên, để tạo nền móng phát triển bền vững, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đầu tư bài bản vào đào tạo, đặc biệt là các khoá học chính quy về blockchain, tài sản số và cơ chế vận hành của nền kinh tế on-chain. Hiện nay, chưa có nhiều đơn vị đào tạo được Nhà nước công nhận và triển khai một cách hệ thống, gây khó khăn cho trong việc lựa chọn nơi học phù hợp và đáng tin cậy.

TP.HCM đón đầu kỷ nguyên on-chain

Từ góc nhìn quản lý, ThS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Ứng dụng Kinh tế (CIT), thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, Chính phủ đang triển khai dự án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế (IFC) tại TP.HCM và Đà Nẵng, một bước đi chiến lược nhằm đón đầu kỷ nguyên on-chain và hội nhập sâu hơn vào dòng chảy đầu tư toàn cầu.

Theo ThS. Hải, IFC sẽ tập trung thu hút các nguồn vốn chủ yếu như vốn tư nhân trong nước, vốn FDI và đặc biệt là dòng vốn gián tiếp từ các quỹ đầu tư nước ngoài với thời hạn dài và tính bền vững cao. Đáng chú ý, TP.HCM đang hướng đến mục tiêu lọt vào Top 70-80 Trung tâm Tài chính toàn cầu vào năm 2035 và vươn lên Top 20 vào năm 2045. 

Để đạt mục tiêu này, nhiều cơ chế ưu đãi đang được nghiên cứu triển khai như miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ thủ tục cho chuyên gia quốc tế, tự do chuyển đổi ngoại tệ mà không cần chứng minh mục đích và đặc biệt là chính sách sandbox dành cho tài sản mã hóa.

“Trung tâm IFC sẽ không cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm tài chính truyền thống, mà mở ra không gian cho những lĩnh vực hoàn toàn mới như blockchain, tài sản mã hóa và các mô hình tài chính phi tập trung. Đây sẽ là “đất lành” cho các startup và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, ThS Hải nhận định.

Ngoài ra, Việt Nam đang đặt mục tiêu xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế theo mô hình tích hợp giữa đổi mới sáng tạo, hội nhập tài chính và thu hút vốn toàn cầu. Để định hình con đường phát triển hiệu quả, bài học từ các trung tâm tài chính đi trước trong khu vực như Dubai (UAE), Singapore và Hồng Kông là những tham chiếu quan trọng.

Tuy nhiên, so với các trung tâm trên, mô hình IFC của Việt Nam còn ở giai đoạn khởi đầu và cần vượt qua nhiều rào cản thể chế, đặc biệt là khung pháp lý dành cho tài sản mã hóa và công nghệ blockchain. Do đó, TS. Tony Trần nhận định, dù tham chiếu, nhưng Việt Nam không nên xây dựng một IFC giống bất kỳ quốc gia nào khác, mà cần xác định rõ lợi thế cạnh tranh riêng. Trong đó blockchain, tài sản mã hóa và tài chính số có thể là hướng đi khác biệt, không “đụng hàng” với những trung tâm tài chính truyền thống.

TP.HCM dự kiến đầu tư 7 tỷ USD phát triển Trung tâm tài chính quốc tế
TP.HCM dự kiến đầu tư khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD) để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế, giai đoạn đầu cần 16.000 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư