Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bộ Công thương đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 có 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái
Thanh Hương - 25/07/2019 22:01
 
Bộ Công thương đã khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam" nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư vào điện mặt trời áp mái, với mục tiêu 100.000 hệ thống sẽ được lắp đặt và vận hành vào cuối năm 2025.

Hội thảo do Bộ Công Thương Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều các nhà tài trợ như Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025 của Bộ Công Thương nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo thông qua các giải pháp về phát triển thị trường công nghệ điện mặt trời áp mái.

Ông Micheal Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho hay, chương trình thúc đẩy điện mặt trời áp mái đặt ra mục tiêu rất tham vọng nhưng khả thi do Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và một thị trường thiết bị điện mặt trời đang phát triển. Không như các nhà máy điện mặt trời nối lưới quy mô lớn đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng lưới điện, các hệ thống điện mặt trời áp mái có thể được phát triển rộng rãi mà không đòi hỏi nâng cấp lưới điện phân phối, do công nghệ này đặc biệt hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh tại chỗ.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tới ngày 18/7/2019 đã có 9.314 khách hàng lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 193 MWp.

Trong số này có 204 hệ thống được lắp trên các toà nhà của ngành điện và có 7.550 hộ dân lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

Là nhà tài trợ cho một số dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đại diện cho nước Đức, ông Sebastian Paust, Bí thư thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển đến từ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho hay, tại Đức hiện có 1,5 triệu hệ thống điện mặt trời mái nhà và sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm, cũng như hỗ trợ Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.

“Thông qua các tổ chức như GIZ và Ngân hàng tái thiết Đức KfW, chúng tôi sẽ hỗ trợ các hoạt động về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai các hoạt động nghiên cứu và chương trình tài trợ thí điểm nhằm khuyến khích khu vực tư nhân và hộ gia đình tham gia vào các hoạt động kinh doanh phát triển điện mặt trời áp mái”, ông Sebastian Paust nói.

Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định 2023/QĐ-BCT (ngày 5/7/2019) gồm năm hợp phần là Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường; Tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm; Thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm; Chương trình Chứng chỉ Điện mặt trời áp mái và Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và Chiến lược truyền thông.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) Bộ Công Thương được giao chủ trì thực hiện, trên cơ sở lồng ghép các hoạt động của chương trình với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phát triển của các nhà tài trợ như Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) của USAID, Tổ chức Hợp tác Đức GIZ, Ngân hàng Tái thiết Đức và Chương trình hỗ trợ năng lượng của EU và Ngân hàng Thế giới.

Bùng nổ điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận: Lưới truyền tải tắc tới sau năm 2020
Việc tập trung quá lớn các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đang khiến cả nhà đầu tư và Tập đoàn Điện lực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư