Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bộ Công thương gửi văn bản hỏa tốc về hàng xuất khẩu "tắc đường" sang Trung Quốc
Thế Hải - 24/12/2021 08:28
 
Trung Quốc kiên trì chính sách “Zero Covid”, trong đó có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh sẽ tiếp tục là trở ngại cho việc thông quan hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Việc thông quan hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc còn nhiều khó khăn do Trung Quốc thực hiện chính sách
Thông quan hàng hóa  tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc còn khó khăn do Trung Quốc tâng cường kiểm tra quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh.

Bộ Công thương hôm nay đã có văn bản hỏa tốc số 8297-BCT/XNK gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

"Việc Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách “Zero Covid”, trong đó có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh tiếp tục là rào cản lớn cho thông quan hàng hóa xuát khẩu sang thị trường này", Bộ cho biết..

Cụ thể, nước này quy định lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất nhập khẩu và nhân viên phòng chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón Tết.

Số liệu của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, đến sáng 23/12, lượng xe tồn tại 3 cửa khẩu (Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma) là 4.460 xe. So với lượng xe tồn cách đó một ngày thì số xe tồn tăng thêm 50 xe.

Vì vậy, không loại trừ khả năng việc thông quan hàng hóa (đặc biệt là hàng đông lạnh) qua các cửa khẩu biên giới sẽ không diễn ra như thường lệ hàng năm do lái xe chuyên trách và nhân viên lực lượng chức năng cửa khẩu xin nghỉ sớm để kịp cách ly về quê đón Tết.

Trước đó, ngày 11/12, Trung Quốc đã ra công điện số 14/2021 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu.

Công điện này đưa ra 9 yêu cầu cần thực hiện nghiêm, gồm: hoàn thiện cơ chế phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu; kiện toàn hệ thống cảnh báo, giám sát dịch Covid-19;  tăng cường phòng chống dịch tại khu vực biên giới; thực hiện phân tách nhân viên phòng chống dịch Covid-19; nghiêm túc quản lý lịch trình di chuyển của cán bộ, công chức; tăng mức độ phòng chống dịch Covid-19 đối với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu...

"Những yếu tố trên sẽ là áp lực rất lớn đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới đây", Bộ Công thương lưu ý.

Từ năm 2020 đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản, trái cây tươi qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do tác động của dịch Covid-19. Bộ Công thương đã cùng các Bộ, ngành và các tỉnh biên giới tích cực vào cuộc, triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, ách tắc, từ đó cơ bản bảo đảm được hoạt động giao thương, nhất là xuất khẩu nông sản, qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc trong 2 năm qua.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đạt 1,69 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn đạt 478,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ; qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đạt 379,1 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ.

Để giảm lượng xe hàng hóa ách tắc, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong đó đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để  giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (thí dụ như Cao Bằng) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; hoặc ( chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác, thí dụ như đường biển mà hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang làm rất tốt.

Tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,…).

Đồng thời đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương đã hướng dẫn; thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.

Bộ cho rằng, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu.

UBND các tỉnh biên giới phía Bắc trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng của cả 02 nước tại các cửa khẩu (như hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải, bốc xếp hàng hóa,…) nhằm tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư