Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Bộ Công thương sẽ báo cáo về cơ chế mua bán điện trực tiếp trước ngày 30/9/2023
Thanh Hương - 29/09/2023 15:23
 
Bộ Công thương đề xuất rõ nội dung, hình thức văn bản phù hợp về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2023.

Liên quan đến kiến nghị của Bộ Công thương tại văn bản số 158/BC-BCT ngày 13/9 về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có một số chỉ đạo mới.

Theo văn bản 4760/VPCP-CN ngày 28/9 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về nội dung này để thống nhất việc triển khai theo đúng chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 55/NQ-TW Bộ Chính trị, quy định của pháp luật điện lực và thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.

Trong năm 2023, Honda Việt Nam đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống điện áp mái tại 2 nhà máy Vĩnh Phúc và Hà Nam với tổng công suất 8 MWp, góp phần giảm sử dụng điện lưới Quốc gia hơn 7,5 triệu kWh/năm, tương đương giảm khoảng 4.700 tấn CO2/ năm. Lãnh đạo HVN cho hay, sản lượng điện mặt trời này chiếm khoảng 6% nhu cầu của Công ty. Doanh nghiệp đang xem xét việc mua trực tiếp điện mặt trời từ các đơn vị sản xuất thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) mà Bộ Công thương đang xây dựng.

Để chuẩn bị cho họp, Bộ Công thương được yêu cầu căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Điện lực về quyền của khách hàng sử dụng điện lớn, yêu cầu thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, khẩn trương tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan để làm rõ sự cần thiết, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, kinh nghiệm quốc tế và nhu cầu thực tế trong nước để đề xuất phương án hoàn thiện khung khổ pháp lý quy định về mua bán điện trực tiếp và khách hàng sử dụng điện lớn.

Trong đó đề xuất rõ nội dung và hình thức văn bản phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2023.

Bộ Tư pháp cũng được yêu cầu chủ động, phối hợp với Bộ Công thương để có ý kiến tham mưu, đề xuát cho Chính phủ kịp thời ban hành các văn bản pháp lý phù hợp hoàn thiện khung khổ pháp lý cần thiết hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tại báo cáo số 158/BC-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Bộ Công thương cho hay, đối với trường hợp mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp, đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai.

Cụ thể, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra hai trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất.

Trường hợp 1 là mua bán điện thông qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư, trường hợp 2 là mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia.

Với trường hợp 1, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện...

Đối với trường hợp này,  Bộ Công Thương cho rằng, việc thực hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai, vì vậy, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các đơn vị theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với trường hợp 2, mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát điện và khách hàng. Trường hợp này, bên phát điện và bên mua điện vẫn phải thông qua đơn vị bán lẻ điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Yêu cầu đặt ra là đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10 MW trở lên.

"Cơ chế DPPA đề xuất thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn Luật Giá và các văn bản hướng dẫn liên quan chưa có hiệu lực sẽ triển khai theo mô hình 1 trước, sau đó sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để chuyển sang mô hình 2", Bộ Công Thương giải thích.

Mô hình 2, theo đề cập của Bộ Công Thương, là khách hàng lớn và đơn vị phát điện ký kết với nhau Hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch (dạng hợp đồng tài chính phái sinh) tương tự như mô hình 1. Đơn vị phát điện tham gia thị trường điện và kết nối với lưới điện quốc gia chào bán sản lượng điện vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh, nhận doanh thu từ thị trường điện với giá thị trường điện bán buôn giao ngay cho toàn bộ sản lượng điện được huy động.

Góp ý cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng, Cơ chế hợp đồng dạng kỳ hạn chênh lệch chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Để có căn cứ xác định cơ chế thuế giá trị gia tăng của dạng hợp đồng này, đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về cơ chế hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị bỏ nội dung quy định giao Bộ này hướng dẫn cơ chế thuế giá trị gia tăng của hợp đồng.

Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính về việc cần thiết bổ sung nội dung quy định về hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch tại các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng các hướng dẫn về cơ chế thuế giá trị gia tăng. Nội dung này đã được Bộ Công Thương bổ sung trong hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Điện lực và đang gửi Bộ Tư pháp để thẩm định.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Điện lực không có điều khoản cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này (cơ chế DPPA), do đó cần làm rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền ban hành Nghị định của Chính phủ (theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Mặt khác, do cơ sở pháp lý, nội dung chính sách còn chưa rõ ràng, qua rà soát ban đầu, Bộ Tư pháp nhận thấy việc đề xuất xây dựng nghị định theo thủ tục rút gọn là không có cơ sở.

Cũng vào tháng 7/2023, tại Báo cáo số 105/BC-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã kiến nghị ban hành cơ chế DPPA theo hình thức nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp, để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định về việc bổ sung nội dung quy định về cơ chế này vào Luật Điện lực (sửa đổi).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư