Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Bộ Giáo dục ban hành thông tư nhằm "chặn" tình trạng lạm thu trong nhà trường
Hải Hà - 20/09/2018 06:57
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, hình thức, làm rõ quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ trong các cơ sở giáo dục nhằm tránh lợi dụng hoạt động tài trợ để thu tiền của phụ huynh học sinh dưới dạng cào bằng, ép buộc.
.
Thông tư 16 được kỳ vọng sẽ chặn được tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây.

Theo đó, thông tư này quy định rõ quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ theo từng hình thức tài trợ, trong đó đơn vị tiếp nhận tài trợ phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ trình Sở giáo dục và đào tạo, hoặc phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt trước khi thực hiện. Nếu phát hiện kế hoạch tài trợ không đúng quy định thì phải yêu cầu dừng ngay việc vận động tài trợ.

Các cơ sở giáo dục chỉ được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ trong các trường hợp trang bị các thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục. Đồng thời, thông tư cũng quy định các cơ sở giáo dục không được vận động tài trợ để chi trả các khoản liên quan đến cán bộ giáo viên nhà trường.

Để đảm bảo tính minh bạch, thông tư 16 cũng quy định việc tiếp nhận tài trợ phải thông qua tổ tiếp nhận tài trợ gồm một số đại diện của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường.

Thông tư này cũng quy định trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan như thủ trưởng đơn vị (người đứng đầu), chính quyền địa phương, Sở giáo dục và đào tạo, Phòng giáo dục và đào tạo.

Liên quan tới tiếp nhận tài trợ, theo thông tư mới, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ đóng vai trò phối hợp, giám sát việc quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục; cử đại diện tham gia quá trình tiếp nhận tài trợ, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất. Ban đại diện cha mẹ học sinh không trực tiếp đứng ra tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục, đồng thời các khoản tài trợ phải được phản ánh trên sổ sách kế toán của đơn vị.

Theo đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với việc quy định rõ ràng nội dung, quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, thông tư này sẽ là cơ sở tạo ra kênh huy động tài trợ công khai minh bạch, ngăn chặn tình trạng nhà trường, tổ chức cá nhân lợi dụng hình thức đầu tư xã hội hóa để vận động những nguồn tài chính tài sản không phù hợp, không chính đáng. Đây cũng là căn cứ để xử phạt nếu cá nhân, tổ chức vi phạm.

Vị đại diện này cũng khẳng định, với các quy định cụ thể được đưa ra trong thông tư 16 cũng sẽ chấm dứt tình trạng Ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra các khoản thu áp đặt, cào bằng gây bức xúc dư luận như trong thời gian vừa qua. 

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, lĩnh vực, giáo dục, đào tạo hiện được ưu tiên đầu tư nguồn lực đáng kể từ ngân sách nhà nước (NSNN). Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Đây là tỷ lệ cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới (Campuchia 9,3%, Thái Lan 19,3%, Malaysia cao hơn 21,5%) kể cả các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam rất nhiều (EU 11,3%).

Tuy nhiên trong số 20% này, tỷ lệ chi thường xuyên chiếm trên dưới 82% tổng chi NSNN cho giáo dục, đào tạo. Trong chi thường xuyên, chi cho con người chiếm 80% tổng chi. 20% còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình.

[Infographic] Hà Nội đề xuất tăng học phí các cấp
Mức thu học phí mới đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Hà Nội năm học 2018-2019 dự kiến tại thành thị sẽ tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư