Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ Giáo dục khẳng định không nên quan ngại về tính độc quyền sách giáo khoa mới
Hải Hà - 23/11/2019 07:25
 
Chiều 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố quyết định phê duyệt sách giáo khoa với 32 sách của 8 môn học riêng sách giáo khoa môn tiếng Anh chưa được phê duyệt do đây là chương trình tự nguyện.
.
Chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng thực hiện từ năm học 2019-2020.  

Cụ thể, qua 2 vòng thẩm định, có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 9 môn học/hoạt động giáo dục được đánh giá đạt (77,70%); 11/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục được đánh giá không đạt (22,3%).

Tuy nhiên, sau hai vòng thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có một đợt rà soát để đảm bảo tính pháp lý của các bản mẫu sách giáo khoa.

Ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 32 sách giáo khoa của 8 môn học được phê duyệt trong lần này. 

Hầu hết các tác giả có bản mẫu sách giáo khoa xếp loại “Không đạt” đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua nhà xuất bản) đề nghị về Bộ Giáo dục và Đào tạo để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các Hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định. Bộ Giáo dục cũng dự kiến sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12/2019.

Liên quan tới việc lựa chọn các sách giáo khoa mới, theo quy định trong Luật giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020, việc chọn sách giáo khoa sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, Bộ đang dự thảo thông tư  lựa chọn sách giáo khoa để lấy ý kiến rộng rãi. Thông tư này sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để căn cứ vào đó, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện.

Cũng theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phần của hội đồng sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỉ lệ đa số là giáo viên trực tiếp giảng dạy của các môn học, cấp học.

Nói lộ trình tiếp theo sau khi phê duyệt danh mục sách giáo khoa, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết trước tháng 3/2020, các địa phương phải thành lập Hội đồng và công bố kết quả lựa chọn  sách trong danh mục sách giáo khoa được Bộ ký thông qua ngày 21/11.

Từ tháng 3 đến tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng sách cho các giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, từ tháng 3 đến tháng 8, các trường tập huấn đi cùng với việc các nhà xuất bản triển khai chương trình in ấn và xuất bản.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo, điều mà các phóng viên lo ngại là với 24 trong số 32 bản thảo sách giáo khoa lớp 1 vừa được phê duyệt để sử dụng trong năm học mới là của NXB Giáo dục Việt Nam khiến thị phần của NXB Giáo dục vẫn chiếm phần lớn, trong khi mục tiêu đặt ra là đa dạng sách, chống độc quyền.

Trả lời lo ngại này, ông Tài cho rằng, tính độc quyền chỉ có khi có 1 bộ sách duy nhất, nhưng hiện tại có nhiều bộ từ nhiều nhóm tác giả khác nhau. Trong khi đó, quá trình lựa chọn sách lại phụ thuộc vào từng địa phương dựa trên tính phù hợp của từng địa phương.

"Do vậy không nên quá băn khoăn về tính độc quyền và tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới", ông Tài khẳng định.

Liên quan tới việc cả 3 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đều bị Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá "không đạt", ông Tài cho biết, ngày 15/11 Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng liên quan đến việc rà soát và thẩm định lại sách của GS. Hồ Ngọc Đại.

"Khi PGS.TS Nguyễn Kế Hào gửi tâm thư đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ  đã có trả lời.  Bộ cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng để nói rõ việc sách của GS Hồ Ngọc Đại tại sao không đạt. Công văn đề nghị Bộ đối thoại với tác giả, nhưng trong quá trình thẩm định, Bộ đã đối thoại với tác giả 2 lần. Đây chính là những đối thoại rất công khai. Tại lần đối thoại này GS Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì. Và đến thời điểm này, Bộ cũng chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ GS Hồ Ngọc Đại. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nếu tác giả có nhu cầu", ông Tài nói.

Về đánh giá lại chương trình thực nghiệm, theo ông Tài từ năm 2017 Bộ trưởng đã đánh giá lại những nội dung liên quan đến sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục. Hội đồng cũng có đánh giá, sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục chỉ phù hợp cho chương trình hiện hành.

Trả lời ý kiến cho rằng cần công khai cả bản thảo sách giáo khoa lên mạng sau khi đã đảm bảo vấn đề bản quyền, vì chỉ khi được tiếp cận sách thì mới có ý kiến xác đáng, Hội đồng chọn sách phải được tham khảo ý kiến từ nhiều kênh khác nhau chứ không chỉ lệ thuộc vào ý chí của một số người trong hội đồng....

Ông Tài khẳng định, thành viên Hội đồng thẩm định có tới 1/3 là giáo viên trải dài trên toàn quốc với đầy đủ vùng miền. Và bản thân Bộ trưởng cũng rất quan tâm đến điều này. 1/3 số giáo viên rất đa dạng trong khi những chuyên gia được lựa chọn đều đến từ những nơi có bề dày về thành tích khoa học.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư