Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Bộ Giao thông Vận tải cam kết xử lý triệt để ngập lụt trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
Bảo Như - 13/08/2024 20:19
 
Đơn vị chủ đầu tư đang tổ chức thi công xử lý một số điểm ngập lụt, sau khi hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ngập cục bộ, đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia lưu thông trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Một đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Một đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Đây là thông tin vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai để trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, cử tri tỉnh Đồng Nai đã gửi kiến nghị tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về tình trạng ngập nước vào mùa mưa trên tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận vẫn còn diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông, thiệt hại cho phương tiện, hư hỏng đường xá…

Cử tri kiến nghị Bộ GTVT cần sớm khắc phục triệt để tình trạng trên để bảo đảm an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông của người dân trên cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.

Theo Bộ GTVT, Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây được Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, đã được đưa vào khai thác từ ngày 30/4/2023, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực.

Từ khi đưa tuyến cao tốc vào khai thác đến nay, có xảy ra hiện tượng ngập cục bộ trên phạm vi khoảng 100m (đoạn tuyến Km25+369 - Km25+469, thuộc địa phận xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) duy nhất một lần vào sáng ngày 29/7/2023 (gây gián đoạn lưu thông trong thời gian khoảng 2 giờ, sau đó nước rút và các phương tiện lưu thông trở lại bình thường ), từ đó đến nay không xảy ra tình trạng tương tự.

Ngay sau khi xảy ra hiện tượng ngập cục bộ, để xác định nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp xử lý một cách khách quan, khoa học, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với địa phương tổ chức thanh thải các chướng ngại vật lòng sông phía hạ lưu, đồng thời tổ chức thuê đơn vị tư vấn độc lập khảo sát, tính toán các mô hình thủy văn và đưa ra các giải pháp thiết kế nhằm xử lý triệt để.

“Đến nay, chủ đầu tư đã phê duyệt hồ sơ thiết kế xử lý và đang tổ chức thi công (toàn bộ chi phí không sử dụng nguồn kinh phí của dự án). Sau khi hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ngập cục bộ, đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia lưu thông”, Bộ GTVT cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư