Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Bộ GTVT thúc khai thác sớm đường nối Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Anh Minh - 11/02/2019 14:31
 
Tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư theo hình thức BT sẽ phải sớm vào khai thác đồng bộ với Dự án BOT cầu Thái Hà.
Dự án BOT cầu Thái Hà gần như bị phong tỏa chỉ sau ít giờ thu phí hoàn vốn
Dự án BOT cầu Thái Hà gần như bị phong tỏa chỉ sau ít giờ thu phí hoàn vốn

Bộ GTVT vừa công văn số 892/BGTVT – CQLXD gửi UBND tỉnh Thái Bình liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục chuyển giao Dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo Bộ GTVT, Dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được Sở Giao thông vận tải Thái Bình hoàn thành việc kiểm tra công tác nghiệm thu, tuy nhiên chưa triển khai các thủ tục chuyển giao đưa Dự án vào khai thác, sử dụng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên tuyến kết nối xuất hiện biển công trường đang thi công và Nhà đầu tư đặt các cấu kiện ống cống đặt trên mặt đường gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến việc lưu thông qua cầu Thái Hà (Dự án đã hoàn thành và bắt đầu thu phí dịch vụ từ ngày 10/1/2019).

Để đảm bảo kết nối giao thông cho các phương tiện qua cầu Thái Hà và khu vực lân cận, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Nhà đầu tư Dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Liên danh công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Nam Bắc) khẩn trương thu dọn công trường, di chuyển các cấu kiện ra khỏi mặt đường; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng của Tỉnh sớm hoàn thiện thủ tục chuyển giao đưa Dự án vào khai thác, sử dụng.   

Trước đó, chỉ chưa đầy nửa ngày kể từ được Bộ GTVT cho phép thu phí hoàn vốn (0h ngày 10/1/2019), công tác thu phí tại trạm BOT cầu Thái Hà bị gián đoạn khi tại điểm đầu Dự án BT tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình kết nối với cầu Thái Hà đột nhiên xuất hiện các biển công trường đang thi công với các ống cống đường kính lớn đột ngột được đặt ngang mặt đường khiến các phương tiện giao thông theo cả hai hướng Hà Nam – Thái Bình và Thái Bình – Hà Nam gặp khó khăn khi lưu thông.

Đến tối ngày 11/1, một số chủ xe cơ giới sau khi vượt qua trạm thu phí nhưng không đi sang được phía Thái Bình đã quay lại đập phá khu vực cabin trạm thu phí”, ông Nguyễn Đức Ý, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà cho biết.

Hai ngày sau (14/1), việc lưu thông trên cầu Thái Hà chính thức bị phong tỏa hoàn toàn khi trên tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam do Công ty cổ phần Phương Anh là nhà đầu tư, đất đá được đổ kín mặt đường.

“Việc nhà đầu tư Dự án BT tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam đơn phương đóng đường không chỉ khiến Dự án BOT cầu Thái Hà không thể thu phí mà còn gây ra tình trạng mất trật tự an ninh và an toàn giao thông trên đoạn tuyến”, đại diện Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà bức xúc.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng đã được thông xe kỹ thuật từ tháng 11/2016 sau hơn 2 năm thi công. Hội đồng kiểm tra nghiệm thu cấp Bộ đã chấp thuận, cho phép doanh nghiệp dự án tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào khai thác, sử dụng từ ngày 3/4/2018. Đây là những điều kiện cần để Dự án BOT cầu Thái Hà có thể thu phí hoàn vốn theo Hợp đồng ký kết với Bộ GTVT hồi tháng 3/2015.

Tuy nhiên, từ tháng 1/2017 đến nay, nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà đã liên tục xin Bộ GTVT chưa tiến hành thu giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ nhà đầu tư, do doanh thu thu phí không đạt so với phương án tài chính.

Ông Nguyễn Đức Ý cho biết, sau khi tiến hành thông xe kỹ thuật (tháng 11/2016), Công ty đã đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá, giới thiệu nhằm thu hút nhân dân và doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, sau 1 năm thông xe, lưu lượng xe qua cầu Thái Hà chỉ đạt 400 xe/ngày đêm (chủ yếu là xe nội vùng). Với lượng như vậy, nếu nhà đầu tư tổ chức thu giá dịch vụ đường bộ thì chi phí tổ chức thu lớn hơn doanh thu (22 triệu đồng so với 14 triệu đồng/ngày đêm), gây phát sinh lỗ cho Dự án.

Đại diện nhà đầu tư Dự án BOT cầu Thái Hà cho biết là công trình vượt sông Hồng này có vai trò là liên kết giữa Dự án tuyến nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình (gọi là Dự án nối hai cao tốc địa phận Hà Nam) và Dự án đường nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (gọi là Dự án nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam).

Với vị trí này, lẽ dĩ nhiên, lưu lượng xe của Dự án cầu Thái Hà phụ thuộc phần lớn vào tiến độ xây dựng 2 tuyến nối do Sở GTVT Hà Nam và Sở GTVT Thái Bình làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2018, hai tuyến đường khi hai tuyến đường nối hoàn thành, nhà đầu tư Dự án BOT cầu Thái Hà mới có đủ điều kiện để tổ chức triển khai thu phí hoàn vốn.

Dự án BOT cầu Thái Hà dừng thu phí chỉ sau nửa ngày vận hành
Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà buộc phải dừng thu phí tại trạm BOT cầu Thái Hà do tuyến đường kết nối bị phong tỏa.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư