Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng 2024, phấn đấu cả năm đạt 7%
Hà Nguyễn - 06/07/2024 09:29
 
Nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5%), thậm chí phấn đấu đạt mức cao 7%.

Dựa trên kết quả tăng trưởng của quý II, 6 tháng, với tương ứng ước đạt 6,93% và 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết số -1/NQ-CP, và dự báo cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024. Hai kịch bản này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, tổ chức sáng 6/7/2024.

Cụ thể, với kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Để đạt được con số này, tăng trưởng quý III chỉ cần đạt 6,5%, và quý IV là 6,6%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7% và 7,0%).

Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 7%. Theo đó thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV phải đại 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm. 

Đưa ra 2 kịch bản song Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024 tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương (Ảnh: VGP)

“Chúng tôi kiến nghị lựa chọn kịch bản này và phấn đấu đạt mức cao 7% dựa trên 6 yếu tố”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói như vậy tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Theo Bộ trưởng, những yếu tố đó chính là xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư nước ngoài duy trì được đà tăng trưởng tích cực; khả năng duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản...

Các yếu tố còn lại bao gồm du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; các chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương...

“Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn, sẽ giúp tăng trưởng cả nước vượt 6,5%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hiện tại, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính GRDP 6 tháng của Hà Nội tăng 6% so với cùng kỳ, Đà Nẵng tăng 5%, TP.HCM tăng 6,46%,  Bình Dương tăng 6,19%..., chưa đạt kỳ vọng.

Trước đó, khi báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, có cách làm hay, sáng tạo để đạt tốc độ tăng trưởng 6 tháng cao.

Chẳng hạn, Bắc Giang (tăng trưởng 14,14%), Khánh Hòa (12,73%), Thanh Hóa (11,5%), Hải Phòng (10,32%), Hải Dương (10%)…

Tuy nhiên, cũng vẫn còn 13 địa phương tăng trưởng 6 tháng dưới 5%, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,42%, Sơn La tăng 0,67%, Bắc Ninh tăng 2,32%, Quảng Nam tăng 2,68%...

Nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, nếu các địa phương nỗ lực hơn, thì đúng là, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5%). 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư