Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn
Chiều nay (9/1), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết 01 và 02 năm 2020 của Chính phủ. Theo chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
TIN LIÊN QUAN

Cách đây gần 1 năm, trong buổi sáng giữa tháng Giêng năm Kỷ Hợi, 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn để công bố lần đầu tiên 2 tầm nhìn 100 năm. Việt Nam 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, với mục tiêu xã hội Việt Nam sẽ trở nên thịnh vượng hơn và thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao. Và Việt Nam 2045, mốc lịch sử kỷ niệm 100 năm thành lập nước - Thời điểm Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thịnh vượng và ra nhập nhóm quốc gia có cuộc sống hạnh phúc.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi công bố hai tầm nhìn quốc gia này đã cho thấy, Thủ tướng tin tưởng gửi gắm tầm nhìn chiến lược của mình vào Bộ có vai trò quan trọng trong khơi dậy khát vọng dân tộc và tìm ra được những trụ cánh để loài chim Lạc, một biểu tượng của dân tộc Việt Nam sẽ bay cao bay xa đến bến bờ của sự thịnh vượng và hùng cường.

Là cơ quan giúp việc, thường trực và Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, trong suốt gần một năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cơ quan chủ chốt xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 - 2030, và dự thảo Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2021 - 2025.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành tham quan Trung tâm điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Đức Trung)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành tham quan Trung tâm điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Đức Trung)

Để đất nước có được thành tựu toàn diện trong năm thứ 2 liên tiếp, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược, ngay từ đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế, có thể kể đến như Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước; Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019; xây dựng Luật đầu tư công (sửa đổi) và được Quốc hội thông qua với tỷ lệ trên 90% đại biểu tán thành...

Với “Tinh thần tiên phong đi trước, nắm bắt cơ hội” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tin tưởng gửi gắm, cùng với phương châm hành động chính xác, kịp thời và hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã chủ động đề xuất, tham mưu cho Chính phủ giải pháp đối với những vấn đề mới, nhạy cảm và phức tạp dễ gặp phải trở lực và rào cản.

Trong 10.500 nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng giao cho các Bộ và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao và đã hoàn thành 650 nhiệm vụ, chiếm 6,2%. Trong số 513 đề án lớn năm 2019 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao tổ chức triển khai và hoàn thành 53 đề án, đạt tỷ lệ hoàn thành 100%, chiếm hơn 1/10 tổng số đề án.

 
01/09/2020 15:00

Đúng 15h00, Hội nghị chính thức khai mạc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Chí Cường)
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Chí Cường)

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Lãnh đạo các tỉnh, Thành phố tham gia hội nghị thông qua hệ thống trực tuyến kết nối từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến các đầu cầu.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị đại biểu đã tham quan Trung tâm điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thay vì trình bày báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thể hiện tinh thần "cải cách", ứng dụng mạnh mẽ Chính phủ điện tử bằng việc trình chiếu video clip tổng kết năm các nhiệm vụ - công tác năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 
01/09/2020 15:19

Video tổng kết công tác, hoạt động năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

 
01/09/2020 15:28
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: Chí Cường)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: Chí Cường)


 
01/09/2020 15:47

Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với chủ đề “Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”, Hội nghị thể hiện tinh thần đổi mới, tập trung vào những những nội dung quan trọng của nền kinh tế nói chung và của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê nói riêng trong việc phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch năm 2020, Kế hoạch 5 năm (2016-2020), tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển sắp tới.  

Theo Bộ trưởng, năm 2019 là một năm đáng ghi nhớ, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực, quyết tâm thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật nhất là, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến nền kinh tế, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; đạt mức tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao hàng đầu khu vực và thế giới; chất lượng tăng trưởng được nâng lên; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định, đạt được kết quả ấn tượng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đều có nhiều tiến bộ; thể dục thể thao đạt nhiều thành tích, truyền cảm hứng mạnh mẽ để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chất lượng cuộc sống nhân dân được nâng lên; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, khẳng định vai trò, vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Khẳng định những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong đó có phần đóng góp quan trọng của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 
09/01/2020 15:52

4 điểm sáng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2019

Đối với riêng ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khái quát 4 điểm sáng và khẳng định, đây là các bài học kinh nghiệm thành công sâu sắc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2019 vừa qua.

Một là, đã tổ chức thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị, vai trò quan trọng của một cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về tham mưu xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đề xuất những chính sách, giải pháp điều hành kinh tế - xã hội hiệu quả.

Trong đó, công tác xây dựng thể chế, pháp luật là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua là một bước cải cách có tính đột phá, mang đậm tư tưởng chính sách lấy hiệu quả quản lý đầu tư làm mục tiêu cuối cùng, đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi và chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công...

Bên cạnh đó, để tiếp thục tháo gỡ nút thắt nhằm khơi thông nguồn lực, Bộ đang tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tổ chức tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh 3 dự án Luật quan trọng, có ý nghĩa xương sống của nền kinh tế, để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là Luật đầu tư theo phương thức công - tư (PPP), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Hai là, đã duy trì và phát huy được tinh thần đoàn kết, nhất trí, dân chủ, chung sức, đồng lòng trong tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ. Đây được coi là yếu tố then chốt, quyết định đến sự thành công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong mọi mặt công tác, đặc biệt là công tác tổ chức, luân chuyển, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ hợp lý, vừa không gây xáo trộn trong công việc, vừa tạo xung lực và động lực mới cho cán bộ, chuyên viên phát huy hết được năng lực cá nhân, đóng góp cho thành công của cơ quan, tổ chức; chuẩn bị tốt lực lượng cán bộ, nguồn nhân lực trẻ, đủ năng lực, trình độ và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng nhiều, khó và phức tạp.

Đáng chú ý là Bộ đã triển khai thành công đề án luân chuyển biệt phái một số cán bộ trẻ về công tác một thời gian tại các địa phương, nhằm tăng cường công tác rèn luyện, đào tạo, cọ sát với thực tế ở cơ sở, dần hình thành một đội ngũ cán bộ kế cận, vừa giỏi về lý luận, vừa phải nắm chắc các vấn đề thực tiễn, phục vụ cho sự phát triển lâu dài của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ba là, xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, lòng nhiệt huyết, sự quyết tâm gắn với thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới, huy động hiệu quả trí tuệ tập thể trong mọi mặt công tác, vượt qua bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, khó lường của năm 2019 cả ở quốc tế, khu vực và trong nước, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, xây dựng, tham mưu, đề xuất với Chính phủ và tổ chức triển khai nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần đáng kể vào kết quả tích cực và toàn diện của cả nền kinh tế trong năm 2019.

Bốn là, mặc dù công việc chuyên môn rất bận và bề bộn, số lượng nhiệm vụ, đề án của Bộ là rất nhiều, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các cơ quan của Chính phủ, hoàn thành nhiều báo cáo phục vụ các kỳ họp của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Bộ luôn đề cao trách nhiệm chính trị, không ngừng đổi mới tư duy, phát huy tối đa tài năng, công sức và trí tuệ, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, cũng như luôn ý thức và quyết tâm dành thời gian để thực hiện tốt công tác Đảng, đoàn thể và công tác xã hội.

Thông qua các hoạt động xã hội, các cán bộ, công chức, viên chức được tăng cường rèn luyện ý chí, nghị lực, bản lĩnh, làm sâu sắc thêm lòng tự hào truyền thống 74 năm của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nâng lên thành lòng tự hào dân tộc, phát triển tư duy đổi mới, sáng tạo, hiệu quả và tính nhân văn trong đề xuất, xây dựng, tham mưu chính sách.

 
09/01/2020 16:05

Xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm năm 2020

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi phải làm cho được “nhiệm vụ kép”, phấn đấu tiếp tục đạt kết quả toàn diện của năm 2020, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược 10 năm (2011-2020) và Kế hoạch 5 năm (2016-2020).

Mặt khác, sự phát triển bứt phá của năm 2020 chính là nền tảng, tạo đà thuận lợi cho cả chặng đường phát triển sắp tới của đất nước, cụ thể là Kế hoạch 5 năm (2021-2025), Chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045.

“Với phương châm “Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, đổi mới và hành động quyết liệt hơn nữa, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và cũng là những nội dung quan trọng của cả nền kinh tế:

(1) Dành ưu tiên cao nhất, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong việc nghiên cứu, xây dựng Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

(2) Tập trung cao độ mọi nguồn lực và thời gian cho công tác thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, xuyên suốt của toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê và cũng là nhiệm vụ cốt lõi của nền kinh tế.

(3) Tiếp tục phát huy vai trò và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ điều phối kinh tế vĩ mô, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc theo dõi, phân tích tình hình, chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tham mưu các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội…

(4) Phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung cụ thể hóa các giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

(5) Thực hiện đổi mới cơ chế huy động, phân bổ, sử dụng để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Trong đó, tập trung tổ chức triển khai hiệu quả Luật Đầu tư công năm 2019, kế hoạch đầu tư công năm 2020 và xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai; xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển; xây dựng định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn 2021-2030.

(6) Triển khai tốt công tác tổ chức đại hội các cấp trong Đảng bộ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2020-2025) tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 
09/01/2020 16:07
Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện hơn, quyết tâm giữ vững ngọn cờ cải cách, đổi mới, dũng cảm vượt qua chính mình, vì lợi ích chung của đất nước, không vì lợi ích cục bộ, dám nghĩ, dám làm, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, đổi mới sáng tạo, kiến tạo phát triển, vươn lên, cống hiến; không ngừng củng cố bản lĩnh của một cơ quan đầu ngành trong quản lý nhà nước, tham mưu chiến lược cho Đảng và Chính phủ; triển khai toàn diện các nhiệm vụ được giao; nắm chắc cơ hội, hành động nhanh, chính xác, kịp thời; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra không chỉ của riêng ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn của cả nước, giúp đất nước ngày một giàu mạnh, phát triển, đúng như mong đợi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

 
01/09/2020 16:29

Đề xuất quan tâm, tăng vốn hỗ trợ để "hút vốn" vào khu kinh tế Nghi Sơn

Là đại diện địa phương đầu tiên phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vai trò cơ quan đầu mối về cải cách thế chế.

Ông Nguyễn Đình Xứng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương để sớm tháo gỡ thể chế, đồng thời hỗ trợ tỉnh trình quy hoạch. Người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị Bộ tham mưu chính phủ liên quan nguyên tắc, phân bổ ngân sách 2025; đầu tư công 2021-2015 để triển khai thực hiện.

Đối với Khu kinh tế Nghi Sơn, theo ông Xứng, hạ tầng còn nhiều khó khăn nên đề nghị được quan tâm, tăng vốn hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư vào Thanh Hóa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 125 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% và là tỉnh luôn nằm trong top đầu về giải ngân vốn đầu tư công nhanh, đồng thời có tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay, nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt kết quả tốt hơn và tăng cao so với năm 2018.
 
09/01/2020 16:34

Kiến nghị hỗ trợ, sớm triển khai xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành "đô thị di sản"

Giới thiệu địa phương thứ hai phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, năm 2019, Thừa Thiên Huế đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,15%, đứng đầu trong 5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát triển mô hình quản lý đô thị thông minh gắn với định hướng xanh – sạch – sáng với trọng tâm là phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” đã được cả nước hưởng ứng tham gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Chí Cường)
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Chí Cường)

Trong năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54 với định hướng phát triển trở thành “đô thị di sản” theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quanh thân thiện môi trường với nền tảng phát triển công nghệ thông tin.

Về nội dung này, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ để sớm triển khai. Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề xuất Bộ tham mưu đối với thể chế còn vướng mắc Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh kiến nghị được xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghệp và hộ kinh doanh để kết nối và quản lý.

 
01/09/2020 16:38

Đề xuất đưa dự án đường bộ kết nối Long An - TP.HCM vào danh sách các dự án sử dụng vốn ODA

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiến nghị về Nghị định 30, xác định khu đất có giá trị thương mại cao như thế nào hiện chưa có văn bản hướng dẫn. Địa phương rất khó khăn khi thực hiện dự án nào khi đầu thầu, kiến nghị Bộ tháo gỡ cho địa phương.

Vấn đề thứ hai liên quan đến Nghị định này là việc nhà đầu tư trúng thầu đã ứng tiền để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, địa phương sau đó đấu giá có thể trúng thầu hoặc không. Chủ tịch Long An kiến nghị, sau khi nhà đầu tư đã giải ngân để giải phóng mặt bằng sẽ giao cho chủ đầu tư thuê đất, thay vì thực hiện đấu giá.

Đồng thời, ông đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính đưa dự án đường kết nối Long An và TP.HCM vào danh sách các dự án sử dụng vốn ODA bởi đây là tuyến đường huyết mạch, liên thông nhiều tỉnh thành. Một số dự án như tuyến quốc lộ N1, tuyến quốc lộ 62, vành đai 3, 4 TP.HCM…, các dự án này đã được Bộ Giao thông vận tải hoàn tất dự án tiền khả thi. Chủ tịch Long An kiến nghị Bộ trình Chính phủ quan tâm ưu tiên bố trí vốn. Kiến nghị Bộ tham mưu Chính phủ hướng dẫn luật liên quan với dự án BOT.

Năm 2019, Long An là địa phương có mức thu ngân sách nhà nước đạt 18.000 tỷ đồng, cao nhất so với các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tăng 33% so với dự toán. Tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước.
 
01/09/2020 16:42

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Năm 2020, Bộ KH&ĐT phối hợp chặt chẽ với VPCP để xây dựng Chính phủ điện tử

Đại diện cơ quan đã có sự phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng, có hiệu quả với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, 3 chủ đề của cuộc họp hôm nay chính là sự cụ thể hóa phương châm hành động của chính phủ trong năm 2020.

"Là một bộ tham mưu tổng hợp, đây là bộ được giao nhiều nhất các nhiệm vụ, 650 nhiệm vụ. Nhưng đến nay chỉ còn 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Đây là bộ có tỷ lệ có nhiệm vụ quá hạn, không hoàn thành thấp nhất. Có 53/511 đề án, nhưng đến nay không còn đề án nào nợ, dù nhiều đề án khó", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận.

Ông cũng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phát triển kinh tế xã hội, góp phần tích cực trong cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tham mưu nhiều cho Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, một cửa liên thông…

Dẫn chứng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã tiếp nhận hơn 500 phản ánh của dân và đã trả lời hơn 93%. "Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời không né tránh, đi thẳng vấn đề, được đánh giá cao", ông nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ảnh: Chí Cường)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ảnh: Chí Cường)

Về phương hướng trong năm 2020 và thời gian tới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề xuất 3 trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tạo dư địa cho tăng trưởng, rà soát luật, nghị định để kịp thời sửa đổi, sớm ra đời Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thứ hai, tiếp tục đưa ra các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho khởi sự doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư. Trong Nghị quyết 02 đã nêu rõ các mục tiêu này.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với VPCP để xây dựng chính phủ điện tử, làm sao tích hợp thủ tục cho doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử.

"Hôm nay, tôi quan sát thấy Trung tâm Chỉ đạo điều hành của Bộ rất là tốt. Nếu kết nối được hệ thống trung tâm chỉ đạo điều hành quốc gia thì rất tốt", ông nói.

 
09/01/2020 16:50

4 ấn tượng của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, chúng ta đã đi qua năm 2019 với nhiều kết quả kinh tế - xã hội toàn diện. “Với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đóng góp phần quan trọng trong thành công chung đó”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: Chí Cường)
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: Chí Cường)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ, cá nhân ông thấy có 4 ấn tượng:

(1) Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bộ có đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, đổi mới; (2) Bộ đã quyết liệt, kiên trì trong xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt là gỡ bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; (3) tập trung cải cách hành chính, đổi mới sáng tạo, nhất là khi tham mưu Chính phủ xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

(4) “Từ cuối 2018, tôi đã đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn đối với vấn đề văn hóa - xã hội, năm nay tôi thấy Chính phủ đã gắn liền giữa kinh tế với xã hội, ở đây vai trò tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất rõ”, Bộ trưởng Dung nói.

Bộ trưởng chia sẻ: "Tôi thấy có hình ảnh là cây gậy trắng và những sản phẩm của người yếu thế, khuyết tật được dùng làm quà tặng quốc tế, tôi cho rằng đây là hướng đi rất hay để tạo hiệu ứng xã hội, để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc".

Nhắc lại việc Tổng Bí thư và Thủ tướng nói nhiều đến phát triển nhân lực, nhưng lực lượng lao động của ta giờ nhiều nhưng cũng là rẻ nhất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất, trước thách thức về chất lượng lao động còn thấp, cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu cho Chính phủ xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, quan tâm nhiều hơn đối với các chính sách xã hội.

 
01/09/2020 17:07

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Chí Cường)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Chí Cường)
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Chí Cường)
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Chí Cường)


 
09/01/2020 19:24

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ tiên phong về đổi mới tư duy hành động và hiệu quả

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tinh thần tích cực và hành động của Chính phủ đã được Bộ KH&ĐT vận dụng, lan tỏa tốt trong các công việc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong điều hành.

Điểm lại các kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ KH&ĐT đã có những đóng góp quan trọng, là Bộ đi tiên phong về đổi mới tư duy, hành động và hiệu quả. Với vai trò Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII, Bộ KH&ĐT có “nhiệm vụ hằng tháng, hằng quý rất nặng nề, yêu cầu cao”. Bộ đã triển khai thực hiện khối lượng nhiệm vụ, đề án rất lớn có chất lượng, đúng thời gian, tiến độ đề ra, đạt tỷ lệ 100%. Thủ tướng nhìn nhận, năm 2019, Bộ KH&ĐT đã làm việc tốt hơn năm 2018.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Chí Cường)
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Chí Cường)

“Chúng ta phải tháo gỡ tốt hơn các nút thắt, tồn tại, nhất là vấn đề mới phát sinh”, Thủ tướng chỉ ra một số điểm để ngành khắc phục. Đối với triển khai về đầu tư công, còn vướng về thể chế, tổ chức thực hiện. Nhiều ngành, địa phương còn đạt tỷ lệ giải ngân thấp, do đó, “các đồng chí vụ trưởng của Bộ KH&ĐT, Tài chính, các giám đốc sở KH&ĐT, Bộ trưởng KH&ĐT phải tham mưu tích cực, sát hơn nữa để tháo gỡ ngay trong quý I/2020 về giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng cũng đề nghị gấp rút phát hành sách trắng về doanh nghiệp, về hợp tác xã ngay trong quý I/2020. Bộ KH&ĐT không chỉ vạch ra định hướng tham mưu mà còn chỉ đạo sát sao để vấn đề đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Nêu một gợi ý chiến lược cần lời giải của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng chỉ rõ, khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045 là một thực tế, không phải tinh thần viển vông, “không ai khác hơn, chính Bộ KH&ĐT phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực”.

Tình hình thế giới những ngày gần đây diễn biến phức tạp, khó lường. Đây cũng là cơ hội nếu Việt Nam giữ được ổn định chính trị xã hội. Thủ tướng đặt vấn đề, vậy chúng ta cần làm gì để biến điều này thành lợi thế nổi trội trong thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng; cần làm gì để tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, cần khuyến nghị chính sách hỗ trợ với các địa phương như thế nào để các địa phương thực sự xem cách mạng 4.0, kinh tế số là nền tảng, động lực để chuyển đổi cơ cấu và phát triển nhanh bền vững.

 
01/09/2020 19:43

Phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn

Thủ tướng đề nghị năm 2020, cần phải tháo gỡ được một số nút thắt lớn để khơi thông các động lực cho địa phương, cho nền kinh tế. Tiếp tục phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch. Thủ tướng lưu ý, nhiều vấn đề về văn hóa xã hội nổi lên, có thể kìm hãm phát triển bền vững trong dài hạn. Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, chưa giàu đã già.

“Bộ KH&ĐT đóng vai trò như một nhà toán học, Bộ KH&ĐT phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng chụp ảnh cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương (Ảnh: Đức Trung)
Thủ tướng chụp ảnh cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương (Ảnh: Đức Trung)

Năm 2020 có vị trí đặc biệt quan trọng, tuyệt đối không được tự mãn, lơ là, chủ quan. Bộ KH&ĐT cần hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế-xã hội 2020 sớm về đích, làm sao để có thể tạo ra bứt phá hơn nữa ở các khâu, các cấp, các ngành, đặc biệt các địa phương để đưa nhanh chóng Nghị quyết 01, 02 và nhiều nghị quyết khác của Chính phủ về đích sớm trong năm 2020.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và hệ thống ngành kế hoạch, đầu tư, thống kê nghiên cứu xem cần chính sách có tính đột phá lớn như thế nào để Việt Nam thăng hạng hơn nữa trong năm 2020 về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.

Ngân hàng Thế giới đánh giá tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới, vậy làm sao để vừa phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu, làm cho tầng lớp này trở thành một lực lượng quan trọng, tạo động lực cho phát triển mạnh mẽ đất nước.

Bộ KH&ĐT cần tổ chức nghiên cứu xây dựng, đề xuất thể chế thực sự đột phá cho liên kết vùng về cả cơ chế tổ chức, tài chính, ngân sách, quản trị, con người.

Bộ cần nghiên cứu thúc đẩy việc lồng ghép có hiệu quả hơn nữa 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc vào Chiến lược quốc gia của các địa phương để sự phát triển của Việt Nam không lạc nhịp với xu hướng của thế giới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư