Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bộ Nông nghiệp lập đường dây nóng tố giác sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Hà Tâm - 18/11/2015 09:30
 
Thanh tra Bộ NN&PTNT vừa mở đường dây nóng tố giác hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin tố cáo về dấu hiệu, hành vi vi phạm sẽ được đảm bảo giừ bí mật về danh tính, điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh và sẽ được thưởng theo quy định.

Hiện nay, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn cả nước. Đặc biệt việc sử dụng chất cấm, hóa chất ngoài danh mục trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động ở các địa phương.

Do đó, ngày 16/11, Thanh tra Bộ NN&PTNT thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, tổ chức về các vi để kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đường dây nóng được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT là www.mafd.gov.vn.

Đầu mối tiếp nhận thông tin vi phạm là Thanh tra Bộ, địa chỉ: tầng 3, nhà B6, số 2 phổ Ngọc Hà, Ba Đình, TP Hà Nội; số điện thoại: 08042526 hoặc 0917808113; địa chỉ hộp thư điện tử: [email protected]

Tổ chức, cá nhân khi có thông tin về dấu hiệu, hành vi vi phạm trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản sẽ được đảm bảo giữ bí mật về danh tính, điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh.

Khi tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác, có giá trị phục vụ cho công tác thanh tra, xử lý vi phạm sẽ được chi thưởng theo quy định.

Vấn đề an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của xã hội hiện nay. Phát biểu trước Quốc hội đầu tuần này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: “Con đường đi từ dạ dày đến nghĩa địa của chúng ta chưa bao giờ ngắn thế”.

Chia sẻ về vấn đề này trước Quốc hội trong phiên chất vấn hôm qua (17/11), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Trước hết tôi hết sức chia sẻ với bức xúc mà các đại biểu đã thể hiện. Bản thân tôi cũng nhận thức rất rõ yêu cầu và mong đợi của nhân dân cũng như trách nhiệm của mình trong việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

Theo số liệu mà Bộ NN&PTNT cung cấp, 9 tháng đầu năm nay, 1% lượng thuỷ sản, 10% lượng rau, 7,6% lượng thịt có dư lượng vượt mức cho phép. “Vấn đề là nhân dân không phân biệt được ở đâu là thực phẩm an toàn và ở chỗ nào không an toàn nên có cảm giác là hầu hết không an toàn. Tuy nhiên, rõ ràng con số chúng tôi nêu ra trong giám sát là còn cao. Cho nên, phải làm quyết liệt để giảm và giúp cho người dân phân biệt đâu là thực phẩm an toàn và ở đâu không an toàn”, ông Phát nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng giải thích: Nguyên nhân chính của việc an toàn thực phẩm chậm chuyển biến không phải là do không quyết tâm. “Chính phủ và các bộ đều chỉ đạo quyết liệt; cơ sở pháp lý hiện đã có nhiều luật, nghị định và rất nhiều thông tư được ban hành… nhưng việc triển khai, hướng dẫn tổ chức sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ nông dân và hàng chục nghìn hộ kinh doanh vật tư, nông nghiệp chưa thực sự sâu rộng để tạo sự chuyển biến. Sản xuất nông lâm thuỷ sản có hàng triệu hộ, riêng lĩnh vực thuốc BVTV có 103 doanh nghiệp sản xuất hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh, 30.000 cửa hàng bán lẻ, cần phải giám sát chặt các cơ sở này để thực hiện tốt vấn đề quản lý an toàn thực phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Được biết, Bộ NN&PTNT đang tập trung vào 5 nhóm giải pháp: Tuyên truyền nâng cao nhận thức; Xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách; Hỗ trợ nhân dân tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp; Kiểm tra giám sát xử lý vi phạm; Tăng cường năng lực của hệ thống thực hiện nhiệm vụ được giao trước mắt và lâu dài.

Theo Bộ trưởng, các giải pháp trên đã được thực hiện ở nhiều năm và có tác động tích cực nhưng cũng mới ở mức độ kiềm chế. Tuy nhiên cũng có nhiều mặt xấu đi và chưa bền vững. Gần đây, một số mặt xấu đi như vấn đề sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi mà ngành chức năng đã thông tin cho các cơ quan báo chí đăng tải trong liên tục trong thời gian qua.

Chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho biết, năm 2015, Bộ quyết tâm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư