Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bổ sung hàng loạt giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu của ngành y tế
Khánh Linh - 15/11/2022 07:54
 
Sáng nay (15/11), trong ngày làm việc cuối cùng, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký văn bản gửi Quốc hội báo cáo một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đấu thầu.

m
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký văn bản gửi Quốc hội báo cáo một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đấu thầu.

Doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước phải tuân thủ Luật Đấu thầu  

Trong Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề nghị giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo phương án đã trình Quốc hội.

Cụ thể, Dự thảo Luật quy định việc áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (gồm: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết).

“Quy định nêu trên đã thể chế hóa quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình với Quốc hội.

Trong phiên thảo luận ở Tổ về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đã có ý kiến đề nghị cân nhắc áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước năm trên 65% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 để điều chỉnh đối với các dự án đầu tư có sử dụng từ 30% trở lên vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp trong tổng mức đầu tư của dự án hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng.

“Việc chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật quản lý đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, không bảo đảm kiểm soát chặt chẽ hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án đầu tư phát triển sử dụng nguồn vốn nhà nước của loại hình doanh nghiệp này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình rõ.

Đồng thời, Bộ cũng cho rằng, quy định của dự thảo Luật cũng không làm suy giảm hiệu lực quản lý nhà nước về đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của doanh nghiệp nhà nước bởi vì hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp đã giao cho người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết định trên cơ sở phù hợp với tỷ lệ vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp đó và quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; đồng thời người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

“Đây là nội dung quan trọng, có tác động toàn diện đến hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Đấu thầu. Do vậy, Chính phủ đã trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất thông qua để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến”, Báo cáo gửi Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký gửi viết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng làm rõ, sẽ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất giữa các Luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đồng thời tạo sự chủ động, linh hoạt và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện khái niệm “Vốn nhà nước” để thống nhất với các Luật có liên quan như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp….

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu của ngành y tế

Liên quan đến ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình chi tiết.

Thứ nhất, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật nhằm xử lý những bất cập, vướng mắc hiện nay trong hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Quá trình rà soát, cho thấy tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế (bao gồm cả hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế) chủ yếu là do những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định tại Nghị định 98/2021/NĐ-CP, Nghị định 54/2017/NĐ-CP, Thông tư 14/2020/TT-BYT và Thông tư 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế.

Đối với mua sắm trang thiết bị y tế, Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định giá thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng, nếu giá cao hơn thì phải giải trình nguyên nhân. Quy định này dẫn đến bất cập là nếu bắt buộc áp dụng giá gói thầu bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng thì mặc nhiên giá năm sau phải thấp hơn giá năm trước, ngược với quy luật thị trường là giá năm sau thường sẽ cao hơn năm trước và doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp không muốn tham dự thầu.

Thứ hai, để góp phần xử lý những bất cập nêu trên, ngoài việc sửa đổi Nghị định 98/2021/NĐ-CP, Nghị định 54/2017/NĐ-CP, Thông tư 14/2020/TT-BYT và Thông tư 15/2019/TT-BYT, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định.

Đó là, bổ sung quy định: trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, mua thuốc của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở y tế phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong đơn vị trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế mà không bắt buộc phải tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

Bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.

Bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được.

Quy định “Thỏa thuận khung mở” để tạo cơ sở pháp lý cho việc lựa chọn nhiều nhà thầu trúng thầu cung cấp hàng hóa, góp phần tăng tính cạnh tranh và bảo đảm khả năng cung cấp hàng hóa của nhà thầu; cho phép đàm phán giá trực tiếp với nhà sản xuất.

Bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu, đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất (ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi) để mua sắm thuốc, hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh, cấp bách.

Ngoài ra, liên quan đến đề nghị bổ sung quy định cho phép nhà thầu trúng thầu cung cấp hóa chất phục vụ xét nghiệm, điều trị được cung cấp kèm theo máy chạy hóa chất đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: việc yêu cầu nhà thầu cung cấp hóa chất, kèm theo máy chạy hóa chất đó là phù hợp, tránh tình trạng nhà thầu chào hóa chất với giá rẻ nhưng sau đó lại cung cấp máy chạy hóa chất với giá cao và ngược lại.

Đây là nội dung có tính kỹ thuật, do các chủ đầu tư quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu và không cần thiết phải quy định trong Luật. Nội dung này sẽ được quy định trong các Thông tư hướng dẫn về Mẫu hồ sơ mời thầu.

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện quy định về đấu thầu mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế bảo đảm phù hợp, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh và nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Quốc hội.

Ủy ban Tài chính Ngân sách e ngại bỏ sót đối tượng phải đấu thầu
Ủy ban Tài chính Ngân sách chưa an tâm với cách liệt kê đối tượng điều chỉnh trong phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đấu thầu, nghĩa là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư