Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Ngày Tem Việt Nam
Tú Ân - 08/11/2016 13:32
 
Ngày 8/11, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Hội Tem Việt Nam đã tổ chức công bố Quyết định 1670/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 27/8 hàng năm là Ngày Tem Việt Nam.

Cách đây 70 năm, nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công 19/8 và ngày Quốc khánh 02/9,ngày 27 tháng 8 năm 1946, thừa uỷ quyền Chủ tịch Chính phủ,Quyền Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ký Sắc lệnh số 172 cho phép Nha Bưu điện Việt Nam in và phát hành bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Bộ tem gồm 5 mẫu thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người có vinh dự được vẽ mẫu tem đầu tiên này là cố Họa sĩ Nguyễn Sáng, lúc này mới 23 tuổi, quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Yêu nước và kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ, ông đã tập trung tài trí vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng yêu cầu tem thư: chi tiết, đặc trưng và chính xác cao, đúng chất đồ hoạ, phù hợp với điều kiện in khó khăn, thiếu thốn của những ngày đầu dựng nước.

Đây là lần đầu tiên chiếc tem thuần chất của nước ta mang trên mình hai chữ “Việt Nam” cùng với vị lãnh tụ vĩ đại đã sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, những chiếc tem thư này càng có ý nghĩa về nhiều mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật…đánh dấu một mốc lớn đối với ngành Bưu điện nói riêng và đối với đất nước nói chung.

Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại buổi làm việc với Tập đoàn VNPT.
Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại công bố Quyết định 1670/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 27/8 hàng năm là Ngày Tem Việt Nam.

Với ý nghĩa lịch sử, giá trị tinh thần của nó, bộ tem bưu chính cách mạng đầu tiên của Việt Nam và ngày 27 tháng 8 năm 1946 được coi là ngày mở đầu cho dòng tem bưu chính Cách mạng Việt Nam.

Ngày nay có nhiều cuộc triển lãm tem thư mang hình Hồ Chí Minh. Mỗi con tem nhỏ hay cả bộ tem đều như đã lắng đọng, gom góp lại một phần trong cuộc đời hoạt động không mệt mỏi, một nhân cách tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh.

Hàng ngàn mẫu tem của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới mang hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã giới thiệu, chuyển tải đến đông đảo người dân những hiểu biết về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức cao đẹp của người.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định, trải qua 70 năm kể từ ngày ra đời, tem bưu chính Cách mạng Việt Nam, ngoài chức năng là phương tiện thanh toán cước phí trên mạng lưới bưu chính, là đối tượng tìm kiếm của người sưu tập tem, còn là công cụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với 1072 bộ tem gồm  3672 mẫu tem được phát hành,có thể nói, tem bưu chính Việt Nam đã làm tốt sứ mệnh và vai trò lịch sử của mình, đồng thời vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngày 26/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg, theo Quyết định này lấy ngày 27 tháng 8 hàng năm là Ngày Tem Việt Nam.

"Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 26/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày tem Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vai trò lịch sử của tem bưu chính Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ, động viên phong trào thi đua lao động, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong quản lý, nghiên cứu, sáng tác, in ấn, phát hành, sử dụng và quảng bá tem bưu chính Việt Nam; Góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tem bưu chính, thúc đẩy phong trào sưu tập tem trong các tầng lớp xã hội và tri ân các thế hệ những người làm công tác về tem bưu chính Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng", Bộ trưởng cho biết.

Chụ
Các vị khách quý chụp ảnh lưu niệm tại Lễ công bố Quyết định 1670/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 27/8 hàng năm là Ngày Tem Việt Nam.

Xã hội ngày càng phát triển, người dùng có thể thường xuyên viết thư và gửi email qua mạng Internet, nhưng tem bưu chính vẫn không hề mất đi giá trị của mình. Bởi từ chức năng là phương tiện thanh toán cước phí bưu gửi, bưu phẩm, ngày nay vai trò của tem đã được mở rộng và nâng cao hơn trước. Mỗi con tem bưu chính đều là sự khẳng định về chủ quyền của quốc gia thông qua việc thể hiện quốc hiệu, quốc ngữ, đơn vị tiền tệ trên tem.

Tem cũng là phương tiện tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đất nước, con người cũng như các sự kiện lớn của đất nước. Đây cũng là món ăn tinh thần bổ ích và là tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, độc đáo đề cập đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống và được nhiều người yêu thích, tìm kiếm sưu tập.

Đặc biệt, tem bưu chính còn là cánh tay nối dài trong công tác đối ngoại nhân dân giữa các quốc gia. Bởi con tem không chỉ được ví là tấm danh thiếp của quốc gia mà còn là sứ giả hòa bình đi đến mọi nơi trên toàn thế giới.

Việt Nam và Bồ Đào Nha cùng phát hành tem kỷ niệm 500 năm giao thương
Ngày 1/7, tại Quảng trường Sông Hoài, Thành phố Hội An, Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC), Bộ Ngoại giao, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã phối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư