Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hạn, mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long "mới chỉ bắt đầu"
Phú Khởi - 21/03/2016 11:33
 
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, vào trung tuần tháng 3 này , Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ phải gánh chịu một đợt xâm nhập mặn thứ hai với nồng độ từ 4gam/lít trở lên lấn sâu hàng 100km, đây mới thực sự là đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong vòng một trăm năm qua.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát: những gì xảy ra hôm nay chỉ mới là sự khởi đầu của “cuộc chiến” với biến đổi khí hậu ở khu vực này.

Sát thủ giấu mặt

Tờ mờ sáng, ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân ấp Sơn Phú 2, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã chống xuồng đưa máy tưới cây ra khu vườn.

“Mấy hôm trước nước mặn mà mình không biết nên tưới cho mấy công (1 công tương đương 1.000m2- NV) cam bây giờ nó xào lá sắp chết hết rồi ! Hôm nay thấy nước rông trở lại nên tranh thủ ra tưới giải mặn cho nó” ông Dũng nói.

Ngồi ở bờ kênh chờ nước lớn, nhưng chốc chốc ông lại bốc một ngụm nước cho vào miệng nếm thử độ mặn. “Ở vùng này từ xưa tới nay đâu có nước mặn nên ai cũng chủ quan, cứ thấy có nước là cứ bơm tưới thoải mái nên hôm rồi vườn ruộng ở khu này này đều dính nước mặn hết, nó giống như sát thủ giấu mặt thấy bình thường vậy mà đã làm cây cối hoa màu tiêu điều hết !”, ông Dũng than vãn.

Ông Ngô Văn Khởi, Phó chủ tịch xã Tân Thành cho biết, từ xưa đến nay trên địa bàn xã chưa hề bị nước mặn, thế nhưng năm nay đã bị nước mặn xâm nhập gần hết, tuy nồng độ đo được còn dưới 4gam/lít nhưng do quá bất ngờ nên người dân trở tay không kịp, chúng tôi đã chỉ đạo các ấp kiểm tra thiệt hại để đề nghị nhà nước hỗ trợ cho bà con.

.
Dự báo, vào trung tuần tháng 3 này , Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải gánh chịu đợt xâm nhập mặn thứ hai với nồng độ từ 4gam/lít trở lên, lấn sâu hàng 100km

Tại tỉnh Sóc Trăng, sau khi gây thiệt hại, ảnh hưởng đến năng suất nhiều diện tích lúa đông xuân của huyện Trần Đề, thì nước mặn tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trà lúa xuân hè trên địa bàn khác, trong đó 2 địa phương ven sông Hậu là huyện Long Phú và huyện Kế Sách bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mấy hôm nay ông Nguyễn Văn Phùng, nông dân xã Thới An Hội, huyện Kế Sách trong lòng nóng như lửa đốt vì hàng chục công lúa hơn một tháng tuổi đang khô héo chết dần. Ngày nào ông cũng mang máy bơm ra ruộng nhưng nếm nước thấy mặn thì lại mang máy về. Ông Phùng than thở: “Cán bộ khuyến nông khuyến cáo nếm thấy nước mặn thì đừng cho nước vào ruộng, nhưng không có nước thì lúa không chết vì mặn nhưng chết vì khô hạn. Giá như mình có được thiết bị đo độ mặn để khi thấy độ mặn ít cây lúa có thể chịu được thì cho nước vào, có như thế mới mong giữ được lúa cho vụ này”.

Ở các tỉnh có thông lệ xâm nhập mặn hàng năm thì mức độ xâm thực mặn và nồng độ cũng gia tăng gần gấp đôi so với các năm trước. Bí thư tỉnh ủy Bến Tre, ông Võ Thành Hạo cho biết, thông thường hàng năm nước biển chỉ xâm nhập tại các cửa sông khoảng 45km, nhưng năm nay đã vào sâu hơn 70km và dự báo còn tiếp tục tăng. Bến Tre có 164 xã phường thì nay chỉ còn có 4 xã chưa bị mặn, hơn 14.000ha lúa có nguy cơ mất trắng, hơn 1.000ha vườn bị giảm năng suất.

Nước mặn kéo dài thì khả năng xuống giống vụ lúa tiếp theo rất khó khăn, không làm lúa thì đàn bò hàng trăm ngàn con không có rơm rạ để ăn. Với đặc thù vùng đất, nên trên địa bàn tỉnh Bến Tre không có nơi nào có thể khoan giếng nước ngầm, xâm nhập mặn làm cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt càng trầm trọng hơn. Tính đến thời điểm này, trong tỉnh đã có 88.000 hộ (chiếm 20% dân số) bị thiếu nước sinh hoạt. “Chúng tôi đã phải huy động cả xe bồn phòng cháy để chở nước ngọt về cung cấp cho cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện và dân cư”, ông Hạo nói.

6/13 tỉnh thành đã công bố thiên tai

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chính sông Mê Kông bị nhiều đập thủy điện giữ nước nên dòng chảy thượng nguồn bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm (TBNN) gần 2 tháng, đây là lần đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử quan trắc.

Bản đồ hiện trạng và dự báo xâm nhập mặn.
Bản đồ hiện trạng và dự báo xâm nhập mặn.

Xâm nhập mặn đo được tại các khu vực cửa sông đều có nồng độ cao hơn và sâu hơn TBNN. Tại cửa sông Vàm Cỏ, độ mặn lớn nhất đến 20,3gam/lít, xâm nhập sâu 93km. Tại cửa sông Tiền, độ mặn cao nhất 31,5 gam/lít, xâm nhập sâu 65km; tại cửa sông Hậu độ mặn lến đến 20,5 gam/lít, xâm nhập sâu 60km; tại cửa sông ở biển Tây (trên sông Cái Lớn) độ mặn cao nhất 23,8 gam/lít, xâm nhập sâu 65km.

Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6/2016, muộn hơn TBNN gần 2 tháng. Từ tháng 3 trở đi, các vùng cách biển từ 30-45km nguồn nước ngọt còn rất ít, không có khả năng lấy được nước ngọt; vùng từ 45-65km có khả năng mặn cao hơn 4gam/lít; các vùng xa hơn từ 70-75 km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4gam/lít nhưng cũng cần cảnh giác lúa triều cường làm nước mặn xâm nhập sâu hơn.

Hạn mặn đã thực sự gây ảnh hưởng trên diện rộng đến sản xuất đời sống dân sinh ở hầu hết các tỉnh thành vùng ĐBSCL, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là ở các địa phương: Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT,  tổng diện tích lúa bị thiệt hại gần 140.000ha, trong đó có khoảng 60% xem như mất trắng. Tính đến thời điểm này, nông dân khu vực ĐBSCL chỉ mới thu hoạch được 50% diện tích lúa Đông Xuân, khoảng hơn 700.000ha còn lại đang bị đe dọa bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Nếu tình hình khô hạn kéo dài đến tháng 6 thì có khoảng 500.000ha lúa Hè Thu không thể gieo sạ đúng thời vụ.

Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực sử dụng nước mặt phục vụ sinh hoạt, nhất là các vùng chưa có hệ thống cấp nước tập trung. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 155.000 hộ tương đương 575.000 người bị thiếu nước sinh hoạt. Một số vùng không thể lấy nước mặt và nước ngầm như tỉnh Bến Tre thì nguồn nước sinh hoạt càng căng thẳng hơn, giá nước ngọt sử dụng tăng lên đến 40.000-70.000 đồng/m3.

Xâm nhập mặn cũng đe dọa hàng ngàn hec ta nuôi thủy sản; rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ đang đặt trong tình trạng cảnh báo cháy cấp 4, cấp 5. Theo bản đồ hiện trạng và dự báo xâm nhập mặn tại ĐBSCL của Viện khoa học thủy lợi Miền Nam, xâm nhập mặn từ biển Đông và biển Tây đã bao vây cả khu vực như hai mũi giáp công và lấn sâu vào các cửa sông. Hiện trạng cả vùng chỉ còn phần lõi gồm các tỉnh, thành: An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ là chưa bị mặn, còn lại vùng rìa đều nhiễm mặn với nồng độ khác nhau, đây là hiện tượng xuất hiện lầu đầu tiên trong lịch sử ngành quan trắc.

Trước những thiệt hại do hạn mặn gây ra đã có 6/13 tỉnh thành vùng ĐBSCL công bố thiên tai, 9/13 tỉnh thành đã thống kê thiệt hại và đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 134 tỷ đồng cho những hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các địa phương cũng đang cập nhật và bổ sung thống kê thiệt hại ở địa phương mình để tổng hợp để đề nghị Chính phủ kịp thời hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu mưa… Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, dân sinh.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016, trở thành El Nino kéo dài nhất được ghi nhận ở nước ta.

Trong thời gian còn lại của mùa khô, ở ĐBSCL, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm  từ 0,5-1,5 độ C, cao nhất đạt 33-37 độ C, mùa mưa sẽ đến muộn, lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-60%; dòng chảy hệ thống sông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50%. Do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, khai thác thủy điện quá mức ở thượng nguồn, dòng chảy sông Mê Kông bị thiếu hụt nước, mực nước đo được trên sông thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên nước mặn đã xuất hiện sớm và xâm nhập sâu hơn.

Với những dự báo chính xác về tình hình thời tiết, thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đã ban hành công điện, chỉ đạo tổ chức đo đạc, dự báo chuyên ngành về xâm nhập mặn, tổ chức hội thảo hội nghị về phòng chống hạn, mặn, ưu tiên đầu tư cống kiểm soát mặn, đê bao, hệ thống cấp nước sinh hoạt…

Từ tháng 10/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến về ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngày 4/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn;

Ngày 17/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị phòng chống hạn mặn tại TP.Cần Thơ. Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2016 của Chính phủ cũng nêu ra nhiều giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để triển khai giải pháp phòng chống, mới đây ngày 7/3, Thủ tướng cũng đã chủ trì hội nghị phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn tại TP.Cần Thơ.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Phát, mặc dù công tác phòng chống hạn mặn đã chủ động triển khai sớm và được sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ nhưng vẫn còn một số khó khăn nhất định. Khó khăn khách quan là việc phía Trung Quốc xây dựng vận hành 11 đập thủy điện tích trữ hơn 43 tỷ m3 nước ở đầu nguồn làm cho sông Mê Kông suy kiệt nước xâm nhập mặn trầm trọng hơn. Khó khăn chủ quan là nguồn vốn đầu tư cho giải pháp công trình trong thời gian qua còn yếu và thiếu.

Bộ trưởng Phát cũng kiến nghị Chính phủ tìm nguồn bố trí 32.000 tỷ đồng  đầu tư công trình thủy lợi thích ứng BĐKH cho cả khu vực giai đoạn 2016-2020. Đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam làm việc với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông để chia sẻ thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện chia sẽ nguồn nước làm cho xâm nhập mặn ở hạ lưu bớt trầm trọng hơn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích, để xác định vấn đề cần xử lý, ngoài các nguyên nhân theo đánh giá của Bộ NN-PTNT đã nêu, cần nhận diện thêm một số nguyên nhân chủ yếu, đó là: Hê thống thủy lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Việc khai thác tài nguyên thiếu bền vững làm suy kiệt nước ngầm là một trong những nguyên nhân làm gia tăng sụt lún, sạt lở gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn. Phân bố sử dụng đất và tổ chức sản xuất vùng kinh tế mặn-lợ-ngọt còn tùy tiện chưa thích nghi biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều quy hoạch còn thiếu tính liên kết. Do đó,  cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ đầu tư phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và thích ứng BĐKH phù hợp với tình hình mới.

Theo Thứ trưởng Dũng, giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương thực hiện các dự án có tính chất phòng, chống hạn mặn khoảng 16.500 tỷ đồng ( chưa bao gồm hỗ trợ đầu tư trong cân đối cho các địa phương). Tuy nhiên, nguồn lực bố trí riêng cho chương trình nâng cấp đê biển còn thấp ( 20%), nhiều dự án nghiên cứu chưa được kỹ nên thiếu đồng bộ, dàn trải, kéo dài chưa phát huy được hiệu quả.

Thứ trưởng Dũng cũng cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư các công trình thủy lợi theo quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng giai đoạn 2012-2030 khoảng 90.000 tỷ đồng, đã bố trí giai đoạn 2011-2015 khoảng 16.500 tỷ đồng, dự kiến 2016-2020 các nguồn đã rõ khoảng 31.000 tỷ đồng. Như vậy, nhu cầu vốn còn thiếu 42.500 tỷ đồng, chưa kể nhu cầu vốn cho trồng rừng ngập mặn, bố trí dân cư, vốn bổ sung sau khi rà soát. Để đáp ứng nhu cầu vốn nêu trên, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Bộ Tài chính tìm nguồn, đặc biệt là nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, cổ phần hóa doanh nghiệp

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Với kịch bản BĐKH, nước biển dâng thì chẳng bao lâu nữa khu vực này phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nếu như chúng ta không kịp thời triển khai ngay các biện pháp ứng phó.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, các địa phương trong vùng cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kể cả trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất thiệt hại, giảm tới mức thấp nhất khó khăn của người dân, dứt khoát không để hộ dân nào bị đói, khát do thiên tai; coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung, quan tâm chỉ đạo.

Chính phủ đã có chiến lược, quy hoạch hạ tầng thủy lợi, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với những giải pháp căn cơ, lâu dài. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của vùng, cũng như của từng địa phương trong vùng ĐBSCL phù hợp, thích ứng với các kịch bản về ứng phó với BĐKH và nước biển dâng; xác định các dự án cấp bách cần tập trung đầu tư.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TM-MT cần kịp thời cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản ứng phó với BĐKH , nước biển dâng và những ảnh hưởng tác động của đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ đối thoại tại hội nghị Mê Kông-Lan Thương sắp tới.

ĐBSCL có diện tích 39.525 km2 ( chiếm 12% diện tích cả nước, gần 18 triệu dân ( chiếm hơn 22% dân số so với cả nước), nhưng đã đóng góp vào nền kinh tế cả nước: 40% giá trị sản xuất nông nghiệp; Trên 50% sản lượng lúa; 90% sản lượng gạo xuất khẩu; 65% sản lượng thủy sản; 70% sản lượng trái cây( dẫn đầu trong các vùng về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp). ĐBSCL không chỉ đóng vai trò “nồi cơm” quốc gia mà còn đóng góp lớn cho an ninh lương thực toàn cầu.
Ứng phó khẩn cấp với hạn, mặn tại ĐBSCL
Kết luận tại Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào sáng 17/2, tại TP. Cần Thơ, Ủy viên Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư