Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lần đầu trả lời chất vấn
Mạnh Bôn - 06/06/2014 10:32
 
() Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc vừa cho biết, vào ngày 11 và 12/6, trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời chất vấn. Như vậy, đúng 1 năm kể từ khi nhận chức tư lệnh ngành tài chính, ông Dũng sẽ đăng đàn trả lời các câu hỏi chất vấn của cử tri thông qua đại biểu Quốc hội.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ngân sách dư giả nhưng còn treo nhiều khoản nợ
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thúc các tỉnh tăng thu ngân sách
Thu thuế từng đồng, gian lận tiền tỷ
Ưu tiên nắm tình hình nợ công

Thưa ông, ngoài Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, còn có những vị nào sẽ trả lời chất vấn tại Kỳ họp này?

   
  Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc  

Sau khi thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục lựa chọn các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn và nhóm chất vấn, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4/5 vị trưởng ngành trả lời chất vấn.

Ngoài Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân không trả lời chất vấn trực tiếp, còn lại là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sẽ trả lời chất vấn.

Thế còn Thủ tướng Chính phủ thì sao, thưa ông?

Thông thường, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn vào kỳ họp Quốc hội cuối năm còn kỳ họp đầu năm, Thủ tướng ủy quyền cho một phó thủ tướng trả lời, tùy thuộc vào nhóm vấn đề chất vấn mà đại biểu Quốc hội gửi đến.

Tại Kỳ họp này, Thủ tướng cũng nhận được nhiều câu hỏi, trong đó chỉ có một vài câu hỏi liên quan đến tình hình biển Đông. Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn hoặc ủy quyền cho một phó thủ tướng nào đó trả lời thì nên lồng ghép các vấn đề liên quan đến biển Đông trong câu trả lời.

Biển Đông là vấn đề thời sự được rất nhiều người quan tâm, liên quan đến Bộ Ngoại giao. Thưa ông, vì sao lãnh đạo Bộ Ngoại giao không trả lời chất vấn tại kỳ họp này?

Chất vấn bộ trưởng, trưởng ngành nào phải thực hiện theo tiêu chí, cụ thể là vấn đề bức xúc cần phải trả lời trước cử tri; nhiều đại biểu đề nghị chất vấn; ưu tiên vị nào mà từ đầu nhiệm kỳ chưa được trả lời chất vấn; cuối cùng là cân đối hài hòa giữa vấn đề về kinh tế, xã hội, tư pháp, an ninh, quốc phòng... Căn cứ vào phiếu thăm dò gửi đại biểu Quốc hội trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quyết định lựa chọn 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành kể trên.

Ngoại giao và quốc phòng là hai lĩnh vực Thủ tướng phụ trách nên trong phần trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, hoặc là trực tiếp, hoặc là gián tiếp, Thủ tướng đều trả lời các vấn đề liên quan đến hai lĩnh vực này nên tư lệnh ngành ngoại giao và quốc phòng ít khi được chất vấn như các thành viên Chính phủ khác.

Thưa ông, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn những nội dung gì?

Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời về quản lý đầu tư, giảm dư nợ đầu tư công và kiểm soát đầu tư công bằng cách nào; kiểm soát giá cả thị trường, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu; chống gian lận thuế, trốn thuế, đặc biệt là tình trạng chuyển giá, chống thất thu. Đẩy mạnh tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước cũng là nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, khi Bộ trưởng Đinh tiến Dũng đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Vũ Huy Hoàng và Nguyễn Thị Kim Tiến cũng sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến chức năng, nhiệm vụ mà mình được giao phụ trách.

Thế còn 3 vị khác trả lời những vấn đề gì?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời nhóm vấn đề liên quan đến chất lượng chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó tập trung vào vấn đề chất lượng đào tạo đại học; giảm tỷ lệ cử nhân, kỹ sư thất nghiệp; Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời nhóm vấn đề liên quan đến triển khai Hiến pháp năm 2013; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; đưa luật vào cuộc sống. Ngoài ra, Bộ trưởng Hà Hùng Cường còn phải trả lời những câu hỏi liên quan đến thi hành án dân sự.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tập trung trả lời các câu hỏi liên quan đến giải quyết khiếu nại tố cáo tồn đọng; phòng chống tham nhũng làm sao hiệu quả và đặc biệt là phòng chống tham nhũng tại chính ngành thanh tra.

Dịch sởi, tiêm nhầm thuốc, trẻ em tử vong khi đi tiêm phòng… đều là những vấn đề rất nóng. Cử tri băn khoăn, tại sao Bộ trưởng Bộ Y tế không đăng đàn trả lời chất vấn những nội dung liên quan đến tính mạng con người?

Không chỉ Bộ trưởng Bộ Y tế mà Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… cũng có nhiều đề nghị trả lời chất vấn trực tiếp, nhưng vì thời gian chất vấn có hạn (2,5 ngày) nên Kỳ họp này chưa trả lời chất vấn trực tiếp.

Riêng với ngành y tế, do Bộ trưởng Nguyễn Thi Kim Tiến đã từng nhiều lần trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội, hơn nữa Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng vừa mới trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 26. Tại Phiên họp này, phần chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến  được phát thanh, truyền hình trực tiếp và thực hiện chất vấn trực tuyến tới tất cả 63 đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng đã có cơ hội chất vấn nên lần này không chất vấn.

Mặc dù không chất vấn trực tiếp, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời những câu hỏi liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình khi Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư