Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuyển đổi đất đai là sự đánh đổi
Nguyễn Lê - 15/08/2023 14:52
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về đất lúa và an ninh lương thực.
.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn.

Chiều 15/8, trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu trước khi trả lời trực tiếp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, phiên chất vấn này không chỉ dừng lại ở câu hỏi và trả lời, mà còn là trách nhiệm và động lực để Bộ lắng nghe, ghi nhận và giải quyết các vấn đề có từ lâu và phát sinh từ thực tiễn.

Đề cập vấn đề đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, một trong các nhóm vấn đề được chọn để chất vấn Bộ trưởng, ông Hoan nói, qua nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn, giá lúa gạo đang nóng.

Bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo được sự quan tâm của Nhân dân, được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, được đại biểu Quốc hội trao đổi chi tiết, các địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân trực tiếp gửi đến Bộ và đến Bộ trưởng, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiểu rằng các nội dung này không chỉ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, mà mỗi tin tức về giá cả, tin tức về giá lúa gạo là nỗi thấp thỏm, lo âu, niềm vui, sự phấn khởi của người dân làm nên hạt lúa gạo, Bộ trưởng phát biểu.

Nhắc lại ý của Chủ tịch Quốc hội trong phát biểu khai mạc phiên chất vấn, ông Hoan nói nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ngành nông nghiệp đã và đang gắn liền với 3 chữ biến: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới theo hướng xanh, bền vững.

“Từ các yêu cầu thực tiễn, ngành nông nghiệp kiên trì kế hoạch dài hạn và sẽ linh hoạt trong xử lý các vấn đề ngắn hạn”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) nói, đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam

Đại biểu muốn Bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác để người dân yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới.

Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu, cách đây 10 năm quy mô đất lúa là trên 4,15 triệu ha, sau hơn 10 năm, hiện tại, theo số liệu thống kê còn 3,93 triệu ha.

Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thì chúng ta sử dụng linh hoạt  3,5 triệu ha đất lúa. Sử dụng linh hoạt để đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế-xã hội thì phải dùng quỹ đất nông nghiệp trong đó có đất lúa phát triển kinh tế - xã hội, khu công nghiệp dịch vụ, đường cao tốc... Đó là quy luật phát triển. Vấn đề là ta lựa chọn hướng nào, Bộ trưởng nêu vấn đề.

Bộ trưởng cho biết, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo, lương thực ra thế giới nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực suốt trong thời gian vừa qua. Ngay cả lúc có dịch Covid-19 vẫn đảm bảo tất cả chuỗi cung ứng, dù đứt đoạn cục bộ trong khu vực nào đó.

Về câu hỏi đã chốt vị trí 3,5 triệu đất lúa chưa của đại biểu, Bộ trưởng cho hay quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chịu trách nhiệm với Chính phủ.

“Tôi nghĩ tất cả địa phương đều ổn định đất lúa, tất nhiên mọi quy hoạch không phải đứng yên vì sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhưng chúng ta cũng cố gắng giữ gìn khi chuyển đổi đất đai là sự đánh đổi”, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.

Ông Hoan nói thêm, sự đánh đổi có thể là ngang giá, có thể lời (lãi) trước mắt, có thể lâu dài. Vì quỹ đất là hữu hạn còn nhu cầu phát triển là vô hạn.

“Thành ra tôi cũng đề nghị địa phương, doanh nghiệp khi chuyển đổi đất lúa không có nghĩa là bao nhiêu sản lượng lúa, bao nhiêu con người nông dân trong đất lúa mà nó là chuỗi ngành hàng phía sau sản lượng lúa đó, là doanh nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ. Những con người ở phía sau, giá trị phía sau ngành hàng đó nhiều khi nó còn lớn hơn. Chắc chắn sẽ lớn hơn. Do đó, chúng tôi sẽ kiên trì cùng địa phương để phân tích khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với với quan điểm bất kỳ quốc gia nào trong quá trình công nghiệp hóa cũng phải chuyển đổi đất đai tài nguyên kể cả con người nông nghiệp sang khu vực khác để phát triển, nhưng trân trọng để giữ gìn”, Bộ trưởng nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư