Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Luận chê cách dạy, học ngoại ngữ "không giống ai"
Nam Kinh - 11/06/2014 14:19
 
() Hàng loạt vấn đề từ cử nhân thất nghiệp, bỏ thi ngoại ngữ, bỏ điểm sàn… đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) Phạm Vũ Luận trong phiên chất vấn sáng nay.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT muộn nhất ngày 18/6
Bộ GD & ĐT sẽ xác định rõ clip tố cáo vi phạm kỷ luật trường thi
Bộ trưởng Luận xin rút thảo luận Đề án chương trình, sách giáo khoa
Bộ trưởng Luận: Không đồng tình 34.000 tỷ làm sách

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm, việc Bộ GDĐT liên tục thay đổi hình thức thi cử trong khi nội dung dạy và học, cách thức dạy và học, chương trình dạy và học vẫn không có sự thay đổi chẳng khác nào đổi mới GDĐT chỉ làm phần ngọn.

“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về việc dạy và học ngoại ngữ nên nhiều cơ sở đào tạo đã đầu tư cơ sở vật chất để dạy và học ngoại ngữ, nhưng năm nay, Bộ GDĐT lại không bắt buộc học sinh thi ngoại ngữ sẽ dẫn tới lãng phí”, bà Nhiệm phát biểu.

   
  Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Vũ Luận  

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Phạm Thị Hải cho rằng, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… của nước ta đã và đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, việc không bắt buộc thi ngoại ngữ sẽ khiến tiến trình hội nhập bị chậm lại.

Trong khi Đại biểu Thân Đức Nam đề nghị Bộ trưởng Luận giải trình về con số 72 ngàn sinh viên tốt nghiệp là do cơ cấu đào tạo bất hợp lý hay đào tạo vượt quá nhu cầu của thị trường lao động thì Đại biểu Nguyễn Thanh Thuý lại lo ngại việc Bộ GDĐT bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ khiến số cử nhân thất nghiệp ngày một tăng.

Về nội dung này, Đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng, việc bỏ điểm sàn chẳng khác gì Bộ GDĐT đưa tay cứu vớt cơ sở đào tạo chất lượng kém, mọi năm không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh vì sinh viên đủ điểm sàn theo học ở các cơ sở đào tạo tốt hơn.

“Chủ trương của ngành giáo dục là đẩy mạnh việc học và dạy ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh”, Bộ trưởng Luận khẳng định, còn việc không bắt buộc thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học được ông Luận giải thích rằng, nguyên nhân là do “cách học ngoại ngữ của chúng ta chẳng giống ai trên thế giới”.

“Chúng ta dạy ngoại ngữ chủ yếu là dạy ngữ pháp. Kết quả là học sinh không nói được, nghe không hiểu. Nhiều cháu đi học thêm ngoại ngữ ở trung tâm, về nói chuyện với thầy cô bằng ngoại ngữ, thầy cô… chê vì bản thân thầy cô giáo cũng không nói được, không nghe được ngoại ngữ. Chúng ta chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở vật chất lẫn giáo trình, cách thức dạy và học nên cần phải chuẩn bị lại từ đầu. Khi nào chín muồi thì chúng ta “tăng tốc”, sau đó mới bắt buộc học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn ngoại ngữ”, ông Luận hứa.

Trong khi cả xã hội “nóng ruột” trước con số 72 ngàn cử nhân ra trường không tìm được việc làm thì Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xem chừng không lo lắng khi ông nhẩm tính: “Mỗi năm có khoảng 400 ngàn sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Trong vòng 5 năm vừa qua có ít nhất 2 triệu cử nhân, kỹ sư “ra lò”. Với con số thất nghiệp là 72 ngàn người, như vậy, tỷ lệ thất nghiệp chỉ chiếm 3,6%.   

Nhiều đại biểu cho rằng, có thể người đứng đầu lĩnh vực GDĐT nghe nhầm. Bởi con số 72 ngàn tân cử nhân, kỹ sư thất nghiệp (chỉ là thống kê trên giấy tờ) không phải là số “hàng tồn kho” lũy kế trong 5 năm gần đây, mà mỗi năm có tới 72 ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng ngày đến trung tâm giới thiệu việc làm để kiếm việc. Ngay cả những người may mắn kiếm được việc làm thì rất nhiều người trong số đó làm trái ngành nghề đã được đào tạo.

Ngay cả với những người kiếm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo, Đại biểu Tô Văn Tám cho biết, theo kết quả khảo sát doanh nghiệp sử dụng sinh viên mới tốt nghiệp thì được biết chỉ có 5% làm việc tốt và không cần phải đào tạo lại.

“Nếu đây là kết quả chính xác thì quá đáng lo ngại”, ông Tám phát biểu và cũng như nhiều đại biểu khác, ông Tám lo ngại số lượng cử nhân, kỹ sư sẽ gia tăng cùng với chiều đi xuống của chất lượng đào tạo khi Bộ GDĐT quyết định bỏ điểm sàn thi đại học kể từ năm nay.

“Bộ GDĐT chưa bao giờ công bố là bỏ điểm sàn”, ông Luận khẳng định và giải thích, thay vì công bố một mức điểm sàn cho bậc đại học và một mức cho cao đẳng, kể từ năm nay trở đi, Bộ GDĐT công bố nhiều mức điểm sàn cao thấp khác nhau. Việc chia nhỏ điểm sàn ra nhiều mức độ và công bố công khai cho người học lựa chọn trường phù hợp với năng lực của mình và cũng giúp người sử dụng lao động tìm được lao động chất lượng cao được đào tạo tại các cơ sở đào tạo có mức điểm sàn cao.

“Ngay cả mức điểm sàn thấp nhất của đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay vẫn bảo đảm chất lượng ít nhất cũng bằng các năm trước. Điểm sàn thấp không đồng nghĩa với chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên. Không phải cơ sở đào tạo cứ lấy mức điểm sàn thấp nhất là có thể tuyển sinh thỏa mái, mà muốn tuyển sinh bao nhiêu sinh viên phụ thuộc vào 2 điều kiện: cơ sở vật chất dành cho dạy và học; đội ngũ giáo viên cơ hữu. Anh được tuyển sinh 1.000 sinh viên, 2.000 sinh viên hay 5.000 sinh viên phụ thuộc vào 2 điều kiện này chứ không phải cứ sinh viên đủ điểm sàn là anh nhận hồ sơ hết”, ông Luận giải thích.

Góp phần giải quyết cơ cấu thị trường lao động đang trong bối cảnh “thừa thầy thiếu thợ”, cử nhân kinh tế “nhiều như lá vàng mùa thu”, ông Luận cho biết, Bộ GDĐT đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hạ chỉ tiêu số lượng sinh viên đào tạo hàng năm từ 450 sinh viên/vạn dân xuống còn 200 sinh viên/vạn dân.

“Bên cạnh đó, chúng tôi đã có cảnh báo và yêu cầu các cơ sở đào tạo tạm dừng đào tạo ngành quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý cơ sở đào tạo mở quá nhiều ngành nghề trong khi chưa đáp ứng đủ điều kiện. Cơ sở đào tạo nào hoặc ngành đào tạo nào không bảo đảm điều kiện (cơ sở vật chất và giáo viên cơ hữu) sẽ bị tạm dừng tuyển sinh, thậm chí đóng ngành nghề đạo tạo”, ông Luận cam kết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư