Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư chất lượng cao từ EU
Nguyên Đức - 30/06/2019 16:29
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc Việt Nam và Liên minh châu Âu ký kết Hiệp định Bảo hộ đầu tư sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung, cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, qua đó, thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU.
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) (Ảnh: Đức Thanh)

Thưa Bộ trưởng, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA và IPA - vừa được ký kết. Bộ trưởng bình luận như thế nào về sự kiện này?

Việc ký kết EVFTA và IPA giữa Việt Nam và EU ngày hôm nay là một sự kiện quan trọng đối với tất cả chúng ta. 

Sự kiện này đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU, đồng thời cũng thể hiện sự ghi nhận và coi trọng của EU đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, với tư cách là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng cải cách để hội nhập. 

Các hiệp định được ký kết ngày hôm nay còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế giữa cộng đồng kinh tế ASEAN và EU, cũng như góp phần phát triển kinh tế toàn cầu.

Ngay từ khi các hiệp định này bắt đầu được đàm phán vào năm 2012, dư luận đã nói rất nhiều đến những lợi ích mà cả hai bên, đặc biệt là Việt Nam, sẽ đạt được. Bây giờ thì EVFTA và IPA đã được ký kết, theo Bộ trưởng, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì?  

EVFTA và IPA là hai hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên. 

Nhưng với riêng Việt Nam, việc ký kết các hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong các lĩnh vực thương mại truyền thống, mà cả trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, lao động, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế Việt Nam theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, thông lệ tốt của quốc tế, đặc biệt là của EU. 

Thực thi các hiệp định, doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận, tiêu dùng và hưởng lợi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu chuẩn châu Âu với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ các nền kinh tế của Liên minh Châu Âu.

Có thể nói, các tác động tích cực chung của EVFTA đối với hai nền kinh tế đã được nhắc tới rất nhiều. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh nhiều hơn về IPA, về hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Cụ thể là thế nào, thưa Bộ trưởng?

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, trong 30 năm qua, chúng ta đã ký kết và thực hiện 21 hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia thuộc EU. Tiếp theo các hiệp định này, giờ đây Việt Nam và EU ký kết IPA. 

Với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, cùng với những cam kết quan trọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ... theo quy định của EVFTA, có thể nói, IPA sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. 

Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò, tiềm năng của các nhà đầu tư EU về vốn, công nghệ, trình độ quản lý... Do vậy, Chính phủ Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, việc ký kết Hiệp định IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. 

Điều này là hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới. 

Đó là, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước. 

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian tới cũng phải thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Nhưng đi kèm cơ hội bao giờ cũng là những thách thức. Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức gì, và phải làm sao để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này, cũng như làm sao tận dụng được cơ hội do EVFTA, đặc biệt là IPA mang lại?

Đúng là bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định. Chẳng hạn, về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam...

Để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các hiệp định này, cùng với những những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể, Chính phủ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế...

Việc hoàn thiện các luật này là nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Đồng thời, cũng góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để gia nhập thị trường châu Âu một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Tôi tin tưởng rằng, những giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời bảo đảm các hiệp định EVFTA và IPA được thực thi một cách nhanh chóng, có hiệu quả và thực chất nhất.

Hôm nay Việt Nam và EU ký hiệp định thương mại
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú hích giúp làn sóng đầu tư từ khu vực này vào Việt Nam tăng mạnh mẽ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư