Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế dần chuyển biến tích cực
Hà Nguyễn - 04/07/2023 08:52
 
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tác động của tình hình thế giới, nhưng kinh tế - xã hội đã dần chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng.

Kinh tế dần chuyển biến tích cực

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhất là tác động của tình hình thế giới, nhưng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã dần chuyển biến tích cực.

“Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng, tuy còn thấp nhưng đã cho thấy xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý II cao hơn quý I, góp phần cải thiện kết quả chung của cả 6 tháng đầu năm, tạo đà cho các tháng tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, một loạt chỉ số kinh tế vĩ mô đã được Bộ trưởng viện dẫn để chứng minh cho nhận định của mình. Trong đó, đáng chú ý nhất là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Chẳng hạn, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm; thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 54% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng Sáu tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, ước lần lượt tăng 3,6%, 4,5%, 2,6%; 6 tháng ước xuất siêu 12,25 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước là 1,2 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định tình hình kinh tế đang dần chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, đầu tư có dấu hiệu tích cực hơn. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng cao hơn mức tăng của quý I (quý I tăng 3,7%). Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký quý II đạt gần 8 tỷ USD, tăng gần 50% so với quý I (khoảng 5,4 tỷ USD); vốn giải ngân 6 tháng ước đạt trên 10 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 0,5% so với cùng kỳ, sau khi có mức giảm 0,8% trong 5 tháng đầu năm.

“Giải ngân vốn đầu tư công cũng đã có bước cải thiện đáng kể, ước đạt 30,49% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ cả về số tương đối (2,74 điểm phần trăm) và số tuyệt đối (hơn 65.000 tỷ đồng, tăng 40%)”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, trong quý II/2023, hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng tiếp tục có chuyển biến.

Trong đó, dịch vụ tiếp tục là động lực quan trọng, đóng góp gần 80% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế 6 tháng đầu năm.

Số liệu được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến, đó là giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ quý II tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng tăng 6,33%...

Điều quan trọng, theo Bộ trưởng, nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I, cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Chẳng hạn, TP.HCM tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý I giảm 4,5%)...

Khó khăn, thách thức còn lớn, tạo áp lực lên điều hành

Mặc dù khẳng định các kết quả đạt được “cơ bản là tích cực”, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh rằng, những khó khăn, bất lợi của tình hình thế giới đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, sản xuất - kinh doanh và doanh nghiệp

Chưa kể, các vấn đề nội tại của nền kinh tế như năng lực sản xuất, doanh nghiệp, cơ cấu đầu tư, thị trường, sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài, thị trường xuất khẩu... chưa thể cải thiện trong “một sớm, một chiều”.

Chính vì thế, những khó khăn của quý I tiếp tục kéo dài trong quý II, ảnh hưởng đến kết quả chung của cả 6 tháng. "Tuy tăng trưởng kinh tế quý II tích cực hơn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.

Cụ thể, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng tăng 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,2% - PV). Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng chỉ tăng 1,13%, trong khi kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,7%, tác động mạnh đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.

“Hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức, tác động không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, nhìn chung, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm sản lượng.

Trong khi đó, chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn khó khăn. Dư nợ tín dụng đến ngày 20/6 chỉ tăng 3,58% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,11% - PV); khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thấp…

“Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khó khăn buộc phải điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh, chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất - kinh doanh đình trệ, không có lãi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Các khó khăn khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới, như môi trường kinh doanh tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn bất cập; tình hình lao động, việc làm còn nhiều thách thức; rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo; tình trạng thiếu điện, cắt điện cơ bản được khắc phục, nhưng qua đó cho thấy vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng còn nhiều vấn đề bất cập, cần được xử lý triệt để, tránh để ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh…

Một lần nữa nhấn mạnh các kết quả tích cực đã đạt được, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn cho rằng, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, lao động - việc làm, an sinh xã hội…

Trong khi đó, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu, đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư