Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải nguyên nhân nhiều dự án metro đội vốn lớn
Kỳ Thành - 05/06/2019 15:00
 
Một trong số các nguyên nhân được Bộ trưởng Thể dẫn chứng là đa số dự án đội vốn rơi vào dự án đường sắt đô thị do đây là công nghệ mới, được phê duyệt trước năm 2008; trong khi thời điểm này diễn ra khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá gần 20%, từ 2009 đến 2013 trượt giá khoảng 49%...

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An), Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nêu câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng?

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, mỗi dự án đều có chủ đầu tư, vừa qua Thanh tra Bộ đã thanh tra tất cả dự án được phản ánh về chất lượng, các cơ quan chức năng khác cũng đã vào cuộc xử lý.

Việc dự án chậm tiến độ có nguyên nhân khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời thì "chúng tôi kiểm điểm, rút kinh nghiệm". Còn trách nhiệm chủ quan thuộc về chủ đầu tư, ban quản lý dự án và đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Đa số dự án đội vốn rơi vào dự án đường sắt đô thị do đây là công nghệ mới, được phê duyệt trước năm 2008; trong khi thời điểm này diễn ra khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá gần 20%, từ 2009 đến 2013 trượt giá khoảng 49%...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Trước sự quan tâm của dư luận, Bộ Giao thông vận tải cùng các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra tất cả dự án đội vốn; cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

"Ở góc độ Bộ Giao thông vận tải, chúng tôi điều chuyển một số giám đốc Ban quản lý dự án, kiểm điểm cuối năm xếp loại cán bộ chỉ được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ dù được đề nghị hoàn thành tốt", Bộ trưởng Thể nói.

Dùng quyền tranh luận, ông Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Thể "còn tránh né".

Theo ông Cầu, ngoài 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn lớn, thì đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã 6 lần điều chỉnh, tăng vốn đầu tư lên hơn 3.950 tỷ đồng; dự án hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) tăng hơn 2.680 tỷ đồng; dự án tỉnh lộ Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tăng 147 tỷ đồng...

"Rất nhiều dự án chứ không riêng dự án đường sắt đô thị mới độ vốn và các dự án này được nêu rất rõ trong báo cáo Kiểm toán Nhà nước. Đề nghị Bộ trưởng nên kiểm tra lại", Đại biểu Cầu nói và đề nghị phải truy trách nhiệm tới cùng cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí, xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa.

Cung cấp thêm thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong số 3 dự án Đại biểu Cầu vừa nêu thì có 2 dự án do địa phương quản lý. "Chúng tôi nêu một số dự án vượt tổng mức đầu tư số lượng lớn, còn dự án vượt mức đầu tư vài chục tỷ, vài trăm tỷ thì được nêu trong báo cáo Kiểm toán", ông Thể nói.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Cầu, song Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, căn cứ vào kết quả Kiểm toán Nhà nước, các địa phương, Bộ, ngành, chủ đầu tư dự án rà soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân "do chủ quan mà vi phạm".

 

Liên quan đến danh sách những dự án giao thông đội vốn, chậm tiến độ, báo cáo của Bộ Giao thông nhắc đến dự án đường sắt đô thị, trong đó có 3 dự án do Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, 2 dự án do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư.

Cụ thể, dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2020. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.325 tỷ đồng, dự kiến tăng 29.937 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.

Dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương theo kế hoạch hoàn thành ban đầu trong năm 2020. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.891 tỷ đồng, dự kiến tăng 21.775 tỷ đồng .

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 32.910 tỷ đồng, dự kiến tăng 14.502 tỷ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư hoàn thành ban đầu trong năm 2016. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 18.001 tỷ đồng, tăng 9.232 tỷ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư, giai đoạn 1 của dự án đã được điều chỉnh tiến độ, thực hiện từ 2017 đến 2024; giai đoạn 2 từ 2012 đến 2020 đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh tiến độ thực hiện. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 30.427 tỷ đồng, tăng 5.602 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư