Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Tô Lâm: Tập trung giải quyết bức xúc về tội phạm kinh tế, tham nhũng
An Nguyên - 26/10/2020 08:34
 
Chính phủ đánh giá, năm 2020 lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng còn nhiều; tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp.
.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo.

Năm 2021, Chính phủ xác định tiếp tục mở các cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao...

Tếp tục kỳ họp thứ 10, sáng 26/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020. Các số liệu tại báo cáo tính từ ngày 1/10/2019 đến ngày 30/9/2020.

Theo đánh giá của Chínhphủ, năm 2020 công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được kết quả tích cực.

Về lĩnh vực an ninh quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ An ninh quốc gia”; các bộ, ngành, địa phương đã chủ động nắm bắt, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực để tham mưu và thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước...

"Qua đấu tranh cho thấy, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong thời điểm tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII; tình hình khiếu kiện diễn biến phức tạp; lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng còn nhiều; tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp" - Bộ trưởng báo cáo Quốc hội.

Về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, Bộ trưởng thông tin: đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ... Toàn quốc xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm, một số loại tội phạm tăng như giết người, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, tội phạm liên quan đến cờ bạc...

Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật) diễn ra phức tạp...

Năm 2020 cũng phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%).

Đáng chý ý, tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực; công tác xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe. Kết quả năm 2020 đã phát hiện 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 12,07%) với 3.093 tổ chức và 22.560 cá nhân vi phạm; cơ quan điều tra đã khởi tố 425 vụ, 432 bị can.

Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo đảm an ninh mạng; đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, xử lý các thông tin xấu, độc trên mạng internet. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây tội phạm lừa đảo, cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền hàng nghìn tỷ đồng...

Tuy nhiên, theo Chính phủ, tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn, nhất là hành vi sử dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo, đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn.

Báo cáo cũng nêu nhiều chủ trương, giải pháp phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Theo đó, sẽ triển khai các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước, nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các hoạt động phục vụ bầu cử Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp....

Chính phủ cũng xác định sẽ tiếp tục mở các cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao..., Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ Công an: Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn nghiêm trọng
Từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/4/2020 đã phát hiện 3.273 vụ, 3.388 đối tượng phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, 79 vụ với 168 đối tượng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư