Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quốc hội xem xét công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng
An Nguyên - 26/10/2020 06:09
 
Từ sáng 26/10, Quốc hội dành một ngày rưỡi nghe và thảo luận về các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp.
.
Một phiên họp tại đầu cầu Nhà Quốc hội của Quốc hội. 

Ngày 26/10, tiếp tục kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, công tác thi hành án năm 2020.

Các báo cáo công tác năm 2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cũng sẽ được trình bày đầu giờ sáng.

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra về các nội dung trên, Quốc hội sẽ thảo luận trong cả ngày 26/10 và sáng 27/10.

Trước đó, toàn bộ các báo cáo nói trên đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Tại báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 (từ ngày 1/10/ 2019 đến ngày 30/ 9/ 2020), Chính phủ khẳng định đã bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Cụ thể là đã đấu tranh làm giảm 2,76% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 85,69% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao), triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, các vụ án gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ. Các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ điều tra theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng....

Trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, báo cáo của Chính phủ cho biết đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%). Đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, góp phần duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để trục lợi.

Qua công tác đấu tranh cho thấy, tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn phức tạp tại một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…); phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi...

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót, còn kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất, Chính phủ nhìn nhận.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng. Như, hiếp dâm tăng 13,51% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%); gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%.

Uỷ ban Tư pháp cũng nhận định, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng.

Năm 2020, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, một số chỉ tiêu vượt yêu cầu của Quốc hội như: tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội vượt hơn 10%, án đặc biệt nghiêm trọng vượt hơn 6%.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nêu rõ, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Còn 18 trường hợp Cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Sau một ngày rưỡi thảo luận về các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp, chiều 27/10 Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ ngày 28/10 Quốc hội nghỉ, đợt họp trực tiếp của kỳ hop thứ 10 sẽ bắt đầu từ sáng 2/11/2020.

[Longform] Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Sau "phép thử" Covid-19, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Việt Nam đã vượt qua được "phép thử" Covid-19, đây là lúc cần thay đổi tư duy một cách mạnh mẽ để hiện thực hoá khát vọng đưa Việt Nam trở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư