Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ô nhiễm chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn
Nguyễn Lê - 17/08/2020 22:56
 
Hiện tại, ô nhiễm chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn, tại các làng nghề và nước thải sinh hoạt, các khu công nghiệp chưa được xử lý.
.
 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà tại phiên giải trình. 

Ngày 17/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cương giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” tại phiên giải trình do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức.

Giải pháp giải quyết ô nhiễm môi trường tại các khu vực lưu vực sông, đặc biệt là sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy là vấn đề được một số vị đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Hà tại phiên giải trình.

Theo Bộ trưởng, mức độ ô nhiễm tại các lưu vực sông ở phía thượng nguồn cơ bản đã được kiểm soát, hiện tại ô nhiễm chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn, tại các làng nghề và nước thải sinh hoạt, các khu công nghiệp chưa được xử lý.

Ông Hà cho biết, Bộ đã đánh giá được lượng nguồn nước thải ra các dòng sông, song việc xử lý còn chậm do nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng. Dự án đầu tư xử lý nước thải ở sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2023 mới hoàn thành.

Một giải pháp cũng được Bộ trưởng đề cập là cần có sự điều chỉnh nguồn nước vào mùa khô, tăng lưu lượng dòng chảy để giảm nồng độ ô nhiễm. Nhưng hiện nay mực nước tại sông Hồng lại thấp hơn, nên nếu không đầu tư hệ thống bơm đủ mạnh thì không điều chỉnh được.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đầu tư hệ thống quan trắc, nhưng trong vài năm tới việc điều tiết nguồn nước là hết sức quan trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh.  

Việc sông Nhuệ, sông Đáy "chịu đựng" nước thải từ Hà Nội , theo Bộ trưởng, chưa có cơ chế xử lý tập trung từ đầu nguồn thì chưa giải quyết được, dù cử tri và đại biểu đã "kêu" nhiều.

Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực cũng đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết vấn đề mang tính chất liên vùng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận,

Người đứng đầu ngành tài nguyên - môi trường cũng thông tin rằng, Hà Nội đã có những nỗ lực để quản lý ô nhiễm sông Tô Lịch, sông Nhuệ, đã thử nghiệm nhiều công nghệ, như công nghệ xử lý nước bằng vi sinh của Nhật. Tuy nhiên, công nghệ này chi phí cao, nhưng thực tế cho thấy chỉ ở những hồ kín thì phù hợp.

Bộ trưởng Hà cũng cho rằng, tới đây không thể dựa vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà áp đặt vào quản lý, sử dụng tài nguyên nước. Việc quản lý tài nguyên nước nói riêng và quản lý tài nguyên thiên nhiên nói chung phải nương vào các quy luật tự nhiên, phù hợp với “vòng đời” của nước.

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khái quát, do sự phát triển của nền kinh tế với tốc độ bình quân 7% trong gần 35 năm đổi mới và tốc độ đô thị hóa rất cao từ 38-40%, dân số tăng nhanh chóng đạt 96 triệu người đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Phó chủ tịch nêu rõ, việc đắp đập làm thủy lợi, thủy điện, lấp ao hồ, sông suối để phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ… đã dẫn tới hầu hết các con sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, nhất là vùng trung và hạ lưu nơi tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp, các làng nghề, tình trạng nhiều con sông, suối bị chết, nguồn nước dự trữ ở ao hồ, kênh rạch bị ô nhiễm nặng nề, nguồn nước ngầm bị sử dụng bừa bãi, thiếu quản lý… đã trở thành thách thức lớn với vấn đề an ninh nguồn nước cả hiện tại và tương lai.

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu con số chứng minh: chỉ 12,5% nước thải sinh hoạt của các đô thị loại IV được xử lý, thu gom đạt tiêu chuẩn, số còn lại đều xả ra nguồn nước. Khu vực nội thành Hà Nội mỗi ngày xả ra 500.000 m3, trong đó có 100.000 m3 nước thải ra từ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, bệnh viện… nguồn nước này đều được chảy qua sông Nhuệ. Qua khảo sát từ 3 con sông: sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch đều ô nhiễm nặng.

{Longform} Đồng bằng sông Cửu Long mùa đỏ trời, trắng đất - Kỳ 2: Những điều trông thấy...
Dọc theo những con đường về Cai Lậy, Gò Công (Tiền Giang), bên những con kênh, rạch trơ đáy, những cây hoa dại - loài cây bền bỉ sức sống cũng rũ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư