Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: Tiêm vắc-xin mũi thứ 3 cuối năm 2021, đầu năm 2022
Nguyễn Lê - 08/11/2021 17:49
 
Số lượng vắc-xin hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau
.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cập nhật trong phát biểu cuối phiên thảo luận chiều 8/11 của Quốc hội.

Hồi âm vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua, Việt Nam đã  triển khai chiến lược vắc-xin rất hiệu quả, trên tất cả lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng...

Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều và đang đẩy nhanh tốc độ đưa vắc-xin về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cũng đang được triển khai rất thành công. Tính đến hết ngày 7/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vắc-xin.

Số lượng vắc-xin hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau, Bộ trưởng báo cáo Quốc hội. 

Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc-xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần. Ngoài ra, chúng ta cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin trong nước với 2 vắc-xin đang thử nghiệm giai đoạn 3 và 1 vắc-xin đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên Thế giới để từng bước chủ động vắc-xin trong nước, Bộ trưởng thông tin.

Vấn đề tiếp theo được nhiều đại biểu lo ngại là về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Theo Bộ trưởng, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.

Về việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID-19, ông Long cho biết Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và ban hành Quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Việc triển khai chủ trương này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân.

Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư