Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bơm thêm tiền, giảm thêm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế?
Hà Tâm - 05/08/2020 09:36
 
Vẫn còn dư địa để chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chính sách tiền tệ đã hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh
Chính sách tiền tệ đã hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

Tung thêm các gói vay lãi suất rẻ?

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra vào đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính sách tài chính và tiền tệ phải kết hợp đồng bộ, hiệu quả để kích thích tổng cầu, lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng. 

Trước đó, Thủ tướng cũng 3 lần yêu cầu xem xét lại chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng nới lỏng có kiểm soát trong bối cảnh nhiều nước bơm tiền, tăng thâm hụt ngân sách để kích thích tăng trưởng. 

Đại dịch Covid-19 quay lại khiến áp lực với các doanh nghiệp trở nên nặng nề hơn, giải pháp tín dụng được nhiều doanh nghiệp tính đến. Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp hàng không đã phải cầu viện Chính phủ các gói vay hàng chục ngàn tỷ đồng với lãi suất 0%/năm. Hàng loạt doanh nghiệp du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn… và nhiều hiệp hội cũng nhiều lần đề nghị ngành ngân hàng giảm 30 - 50% lãi suất cho vay hiện tại, nhưng chưa được chấp thuận.

Triển khai nhanh hơn nữa các gói hỗ trợ tài khóa.

- TS. Cấn Văn Lực

Không chỉ Việt Nam, thực tế các nước trên thế giới khi kích thích kinh tế tăng trưởng đều đang chủ yếu dùng chính sách tài khóa. Tôi đề nghị, cần phải triển khai nhanh và mở rộng hơn nữa quy mô các gói hỗ trợ tài khóa, mở rộng thêm các ngành được hỗ trợ, hỗ trợ cả các doanh nghiệp lớn lẫn các doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, phải phát huy vai trò của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn văn Lực cho rằng, thời gian qua, chính sách tiền tệ đã hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, gói giãn, hoãn nợ, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của Việt Nam, xét theo quy mô GDP, đã lớn thứ hai.

Báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp đầu tuần này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 28/7/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%). Trong gần 7 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng, với dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng…

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ có thể đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn nữa tùy theo diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh.

Lạm phát thấp và tỷ giá ổn định đang tạo điều kiện cho lãi suất có thể giảm thêm. Tuy vậy, đa phần ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn kích thích tổng cầu, mở rộng chính sách tài khóa vẫn là quan trọng nhất.

Đột phá về lãi suất, tín dụng: Vẫn phải trông cậy vào chính sách tài khóa

TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, dư địa cho chính sách tiền tệ vẫn còn, đặc biệt là việc giảm thêm lãi suất, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hay sử dụng một phần quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Tuy nhiên, kỳ vọng có các giải pháp đột phá về tiền tệ, như giảm sâu lãi suất hay bơm tiền ồ ạt để cứu doanh nghiệp, là rất khó.

Đồng tình với ý kiến này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, việc đưa ra giải pháp đột phá về lãi suất, tín dụng là cần thiết, như các gói vay lãi suất 0% cho các ngành hàng không, du lịch… Tuy nhiên, các gói vay này - nếu có - lại liên quan đến tài khóa, chứ không phải chính sách tiền tệ, vì sử dụng tiền ngân sách, ngân hàng chỉ là nơi giải ngân hộ.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP cho hay: “Hiện lạm phát, tỷ giá ổn định khiến ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất, nhưng mức giảm không nhiều. Thời gian qua, ngân hàng giảm lãi vay chủ yếu là chấp nhận hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, ngân hàng chỉ có thể giảm lãi suất đến mức độ nhất định, vì vẫn phải bảo toàn vốn cho người gửi tiền. Nếu muốn có các gói vay lãi suất 0% như đề nghị của doanh nghiệp, thì phải sử dụng tiền của ngân sách”.

Trong bối cảnh hiện nay, để kích cầu, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ tài khóa hiện tại và mở rộng hơn nữa quy mô các gói này. Theo tính toán, tổng hỗ trợ ròng của các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện mới chỉ gần 3% GDP, trong khi tỷ lệ bình quân ở các nước ASEAN lên tới 8-10%. Con số này cho thấy, dư địa tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam là còn khá lớn.

[Longform] Ông Hoàng Quang Hàm: Ưu tiên chống Covid-19, song cần "khoảng lặng" của chính sách
Lúc này, ưu tiên chống Covid-19 đương nhiên vẫn phải là số 1, song cũng cần “khoảng lặng” để đánh giá lại toàn bộ chính sách, để giải bài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư