Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
“Bong bóng” tài sản số
Hữu Tuấn - 30/06/2021 10:11
 
Lan đột biến, vật kỷ niệm, tranh vẽ, ảnh, nhạc… được mã hóa thành tài sản số (Non-fungible tokens - NFT) đã xuất hiện và đang được chào bán tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, đầu tư tài sản số ẩn chứa khá nhiều rủi ro.

Lan đột biến của Việt Nam được mã hóa thành tài sản số và đăng bán trên sàn giao dịch OpenSea (ảnh chụp từ màn hình)

Trào lưu số hóa vật phẩm

Những bức tranh phố cổ Hà Nội của cố danh họa Bùi Xuân Phái, thiếu nữ và hoa của cố họa sĩ Lê Phổ, các bức ảnh sáng tác, ảnh lịch sử, chân dung nhân vật, kỷ vật chiến tranh… dưới dạng tài sản số đã được treo bán trên sàn giao dịch OpenSea.io. Cũng trên sàn này, các dòng lan đột biến của Việt Nam được mã hóa, đánh dấu số lượng vật phẩm để đấu giá và được giao dịch bằng tiền mã hóa, phổ biến nhất là đồng coin ETH…

Ví dụ, với sản phẩm lan đột biến, đơn vị phát hành NFT đã sử dụng công nghệ thực tế ảo (AR) để đưa những cây lan ngoài đời thực thành dạng kỹ thuật số, sau đó sử dụng các công nghệ như smart contract, blockchain... biến chúng thành NFT. Người mua lan đột biến NFT thực chất chỉ sở hữu phiên bản kỹ thuật số của cây lan đó và được công nhận trên mạng blockchain, chứ không sở hữu cây thật.

Tại Việt Nam, Cổng trời (congtroi.org) là một trong những sàn giao dịch NFT đầu tiên, đang bán nhiều tác phẩm NTF của họa sỹ, họa sỹ digital, nhiếp ảnh gia… với mức giá từ vài trăm ngàn đồng tới hàng chục triệu đồng. Tháng 4/2021, Cổng Trời có phiên giao dịch đầu tiên, mở bán thành công 7 tác phẩm, trong đó NFT “Góc riêng” của họa sĩ Lương Lưu Biên được định giá cao nhất với 8.928 Kai (khoảng hơn 20 triệu đồng).

Họa sĩ Phạm An Hải, Giám tuyển của Cổng trời cho biết, mỗi tác phẩm định dạng NFT sẽ là file kỹ thuật số có tính độc bản tồn tại trên môi trường Internet, được xác thực bằng chữ ký số của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. NFT sẽ giúp những người không có điều kiện nhìn tận mắt tác phẩm thật được tiếp cận với tác phẩm trong môi trường ảo. Những nhà sưu tầm sở hữu bộ sưu tập quý mà chưa muốn công khai ra công chúng cũng có thể giúp người yêu hội họa thỏa ước muốn bằng cách số hóa những “báu vật” của mình.

Ngoài ra, cũng theo họa sỹ Phạm An Hải, NFT là phương tiện để tác phẩm lưu truyền vĩnh viễn trong trường hợp có rủi ro, tác phẩm gốc biến mất, hư hỏng do gặp phải tai nạn hy hữu. Những file NFT có giá trị như những tài sản được định lượng bằng tiền, số tiền đó tăng, giảm do nhu cầu của các nhà đầu tư…

Ở lĩnh vực âm nhạc, cuối tháng 5/2021, hai ca sỹ dòng nhạc hiphop của Việt Nam là Andree Right Hand (Bùi Thế Anh) và Wxrdie (Phạm Nam Hải) cũng đã ra mắt phiên bản mới cho bản hit “Nhạc Anh 2.0” dưới dạng NFT qua công nghệ blockchain.

Về cơ bản, NFT là các hình ảnh được tạo ra, mã hóa bằng công nghệ blockchain và đánh số độc bản. Theo ông Nguyễn Việt Dinh (Công ty Symper), không khó để tạo vật phẩm ảo với thời gian 15 - 20 phút và chi phí để tạo một smart contract (hợp đồng thông minh) khoảng 1 - 20 USD, tùy loại. Nếu ứng dụng trên nền tảng của Ethereum, phí giao dịch để tạo một NFT là 1 USD.

Cẩn trọng với NFT

NFT mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng trên thế giới đã bắt đầu thoái trào. Bản chất của NFT là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép. Nó được lưu trữ trong một blockchain và được sử dụng để đại diện cho quyền sở hữu các loại hàng hóa điện tử. NFT trở thành “cơn sốt” khi nhiều tác phẩm nghệ thuật số được bán với giá hàng triệu USD và nhiều đại gia, nhà đầu tư đua nhau tham gia thị trường, kéo theo nhiều người, dù không có kinh nghiệm, cũng lao vào, càng khiến giá của các NFT và dự án liên quan vượt khỏi giá trị thực của chúng. Điều này có thể tạo nên “bong bóng” và có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Bằng chứng là, mới đây, Nonfungible.com công bố, giá NFT đã giảm 40 - 70% so với thời kỳ đỉnh điểm.

Thậm chí, ông Fred Ehrsam, đồng sáng lập sàn giao dịch Coinbase dự báo: “90% NFT hiện nay sẽ không còn giá trị trong 3 - 5 năm nữa. Mọi người sẽ thử nhiều thứ. Sẽ có hàng triệu loại tiền ảo và tài sản ảo ra đời, giống như hàng triệu website ngoài kia. Phần lớn đều không đi đến đâu”. 

Các chuyên gia về blockchain cho biết, mức độ rủi ro với NFT còn phụ thuộc vào hợp đồng (smart contract) với vật phẩm đó, chẳng hạn, có những hợp đồng đi kèm điều khoản cho phép người mua được sở hữu phiên bản thật của vật phẩm.

Theo ông Phan Đức Nhật, CEO VNBot, nhà đầu tư nên cân nhắc khi mua các sản phẩm lan kỹ thuật số cũng như bất cứ loại NFT nào. Bởi, tương tự các loại tiền điện tử hay vật phẩm kỹ thuật số khác, giá trị của chúng có thể lên tới hàng triệu USD nếu được quan tâm và săn lùng, nhưng cũng có thể bằng 0 nếu không được giao dịch.

Còn theo ông Nguyễn Việt Dinh, không phải vật phẩm ảo nào cũng có giá trị. Bản chất của NFT chỉ là giấy chứng nhận sở hữu tài sản nào đó. Tài sản đó có thật hay không, hoặc có giá trị thế nào, thì phụ thuộc vào uy tín của người phát hành.

Có thể thấy, NFT là một dạng đầu tư rủi ro với ý nghĩa sưu tầm, lưu giữ tác phẩm và khá giống làn sóng tiền ảo đang làm điên đảo thị trường tài chính thế giới. Tại Việt Nam, đến nay, chưa có hành lang pháp lý công nhận, quy định, bảo vệ NFT. Chính vì vậy, NFT ẩn chứa rủi ro và nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tham gia hình thức này.

Làn sóng NTF xuất hiện trên thế giới từ đầu năm 2017 và bùng nổ từ đầu năm 2021 với hàng loạt vật phẩm NTF có giá “trên trời” như “The First 5.000 Days” có giá 69,3 triệu USD; câu tweet của nhà sáng lập Twitter được bán với giá 2,9 triệu USD; đoạn video có thời lượng 10 giây của nghệ sĩ kỹ thuật số Mike Winkelmann được bán với giá 6,6 triệu USD…

NFT là một loại tài sản số sử dụng công nghệ chuỗi khối blockchain, tương tự Bitcoin, để tạo ra một chuỗi mã độc nhất đại diện cho một vật phẩm nào đó và không thể thay thế. Các chuỗi mã này thường được dùng để định danh phiên bản số của các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, hiện tượng mạng… NFT được mua qua các cuộc đấu giá trực tuyến và được thanh toán bằng USD hoặc coin.
Sàn tiền ảo đa cấp "lừa nhanh, rút gọn", nhà đầu tư bàng hoàng
Sau khi sàn Fxtradingmarket của Lion Team sụp đổ, mới đây, nhiều nhà đầu tư lên tiếng tố cáo sàn Uktrade của BW Group đã bị đánh sập, kéo theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư