Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bột giặt Lix dự kiến chi cổ tức hơn 113 tỷ đồng
Hồng Phúc - 17/06/2020 13:48
 
Ngoài việc dành hơn 53 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, Công ty cổ phần bột giặt Lix (mã: LIX) sẽ trình cổ đông thông qua mức chia cổ tức 35%, bằng tiền mặt, tương đương 113,4 tỷ đồng.

Sẽ chi 20 tỷ đồng cho marketing

Công ty cổ phần bột giặt Lix (Lixco) dự kiến dành 71,8 tỷ đồng cho trích lập các Qũy, trong đó, 53,6 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển, 17,8 tỷ đồng cho khen thưởng phúc lợi. 

.
Kế hoạch phân phối lợi nhuận của Lixco.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Lixco cho biết, năm nay sẽ tập trung nguồn lực thực hiện hai dự án trọng điểm để nhanh chóng phục vụ cho dự án xuất khẩu bột giặt hộp sang thị trường Úc và nâng công suất của nhà máy sản xuất Lix Bình Dương.

Cụ thể, dự án đầu tư hệ thống dây chuyền đóng hộp tự động bột giặt cao cấp 25.000 tấn/năm và dự án đầu tư nâng công suất chất tẩy rửa lỏng từ 60.000 tấn/năm lên 150.000 tấn/năm tại chi nhánh Bình Dương. 

HĐQT Lixco nhận định thị trường tẩy rửa ở Việt Nam 2020 sẽ có cục diện mới với sự tham gia của các “ông lớn”, mức độ cạnh tranh ngành hàng cao.

Do đó, bên cạnh chiến lược về sản phẩm, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch marketing tổng thể phù hợp với tình hình của công ty, nhằm củng cố sản phẩm Lix hiện tại và nhãn hàng mới On1, tăng độ nhận diện, lòng trung thành đối với thương hiệu Lix và On,…

Ngân sách cho marketing năm 2020 của Lixco dự kiến là 20 tỷ đồng.

Theo báo cáo Brand Footprint năm 2019 của Kantar WorldPanel, thương hiệu Lix xếp vị trí 4/10 thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất tại nông thôn và 5/10 thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất tại thành thị.

Năm 2019, Lixco ghi nhận doanh thu thuần bán hàng đạt 2.526 tỷ đồng (tăng 5% so với kế hoạch và lợi nhuận trước thuế đạt cột mốc cao nhất từ trước đến nay, ở mức 225 tỷ đồng.

Nhìn về những thách thức thời gian tới, HĐQT Lixco nhắc đến các cuộc cạnh tranh gay gắt trên thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam, không chỉ với những doanh nghiệp hiện tại, mà còn là sự gia nhập của nhiều tên tuổi khác với tiềm lực tài chính lớn và công nghệ hiện đại.

Tại thị trường nội địa, các kênh truyền thống phía Bắc (từ Thừa Thiên – Huế trở ra) tuy có 77 nhà phân phối và 168 nhân viên bán hàng phủ khắp các tỉnh thành, nhưng tốc độ bán hàng Lixco tại các cửa hiệu/tạp hóa đến người tiêu dùng còn chậm. 

“Đây là vấn đề còn khó khăn nhất tại thị trường phía Bắc mà Lix cần phải tập trung nguồn lực cho năm 2020 và những năm tiếp theo”, ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Lixco đánh giá.

Với kênh xuất khẩu, một số thị trường bị giảm sản lượng như ở Nhật Bản giảm 14% do giá nhập từ Việt Nam về không còn cạnh tranh so với sản xuất trong nước và nhu cầu bột giặt giảm.

Hay ở Togo, sản lượng sản phẩm Lixco bán sang giảm 48% do Trung Quốc xây dựng nhà máy tại nước sở tại, giá bán cạnh tranh hơn so với hàng nhập từ Việt Nam.

Hoặc với thị trường Thái Lan, sản lượng xuất đi cũng giảm 15% do khách hàng hạn chế về tài chính nên tiến độ thanh toán không kịp thời, không nhập hàng được đủ như nhu cầu.

Tuy nhiên, ở một số thị trường truyền thống, Lixco ghi nhận tăng trưởng ổn định như Campuchia tăng 9%, Philipines tăng 40%.

Đơn vị này đang sản xuất OEM cho các đối tác, khách hàng nước ngoài ở 13 nước như Nhật, Úc, New Zealand, Campuchia, Thái Lan, Pakistan, Sudan, Singapore, ...

Thời gian tới, với thị trường nội địa, Ban lãnh đạo Lixco kỳ vọng có thể gia tăng thị phần tại khu vực miền Bắc, đặc biệt với hai mặt hàng chủ lực là nước rửa chén và bột giặt. 

.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Lix cùng mức chia cổ tức bằng tiền mặt dự kiến 20%.

Lixco ghi nhận kết quả kinh doanh quý đầu năm 2020 tích cực khi nhanh chóng ra mắt các sản phẩm có nhu cầu đột biến là nước rửa tay diệt khuẩn và chất tẩy rửa. 

Doanh thu quý I/2020 đạt hơn 880 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 64 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và là quý có mức lãi cao nhất trong 4 năm qua. 

Lợi nhuận gộp trong quý đầu năm của Lixco đạt 307 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ, riêng khu vực nội địa mang về 270 tỷ đồng với biên lợi nhuận 35%. 

Hiện, cổ đông trong nước sở hữu 86,23% vốn Lixco, trong đó, Tập đoàn hóa chất Việt Nam- Vinachem nắm 51%.

Kế hoạch thoái vốn Lixco về 36% giai đoạn 2017-2020 của Vinachem chưa thể thực hiện do Tập đoàn này đã bị phong tỏa hàng loạt cổ phiếu đang nắm giữ, trong đó có 10 triệu cổ phiếu LIX, do vụ việc tranh chấp với một số đối tác chưa được giải quyết.

Cổ tức năm 2020 30%.

Phong tỏa thêm nghìn tỷ đồng cổ phiếu của Vinachem, “quả bom nợ” Đạm Ninh Bình vẫn treo lơ lửng
Quyết định phong tỏa khối cổ phiếu trị giá nghìn tỷ đồng thuộc Vinachem vừa được đưa ra vào đầu tháng 4, kéo dài thêm chuỗi nghĩa vụ nợ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư