Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bức tranh doanh nghiệp quý II nhìn từ nhóm VNX50: Địa ốc, ngân hàng tạo điểm nhấn
Thanh Thủy - 22/08/2019 10:32
 
Các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản, ngân hàng là những điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận nhóm VNX50.
.
Tính riêng trong quý II/2019, các doanh nghiệp thuộc VNX50 đã mang về tổng cộng 337.587 tỷ đồng doanh thu và 47.734 tỷ đồng lợi nhuận, tăng tương ứng 13,6% và 22% so với cùng kỳ năm trước..

VNX50 bao gồm 50 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn trên cả hai sàn chứng khoán thỏa mãn một số điều kiện về thanh khoản, nên nhóm này cũng thường tập hợp các doanh nghiệp đầu ngành và được giới đầu tư quan tâm ở mức độ nhất định. 30% trong số này là các doanh nghiệp thu lãi trên ngàn tỷ đồng chỉ trong một quý.

Tính riêng trong quý II/2019, các doanh nghiệp thuộc nhóm này đã mang về tổng cộng 337.587 tỷ đồng doanh thu và 47.734 tỷ đồng lợi nhuận, tăng tương ứng 13,6% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp lớn này cao gấp đôi mức tăng bình quân của hơn 890 doanh nghiệp trên sàn (10,4%). Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các “ông lớn” cũng phân hóa rõ rệt, trong đó 26/50 doanh nghiệp giảm lãi so với cùng kỳ.

Lợi nhuận nhóm bất động sản tăng cao

Vinhomes là doanh nghiệp có doanh thu thuần tăng nhanh nhất trong nhóm VNX50, gấp 3 lần quý II/2018, nhờ ghi nhận doanh thu chuyển nhượng từ 4 dự án lớn. Biên lãi gộp cũng tăng từ 31,1% lên hơn 44%, nên dù không còn ghi nhận khoản cổ tức đột biến từ công ty thành viên, song lợi nhuận của Vinhomes vẫn đạt 8.455 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ và cao nhất trong các doanh nghiệp trên sàn.

Không riêng Vinhomes, lợi nhuận của phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều tăng trưởng cao, trừ Nam Long (NLG), ROS và Novaland (NVL) giảm lãi.

Trong đó, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) báo lãi quý II/2019 cao gấp 6,7 lần cùng kỳ, nhờ lĩnh vực lõi là khu công nghiệp kinh doanh thuận lợi. Đây cũng là quý đầu tiên, doanh nghiệp này cán mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng. Doanh thu mảng cho thuê đất khu công nghiệp tăng 66,5%, diện tích đặt thuê trong nửa đầu năm nay tăng 22%, lên 62,7 ha.

Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp của KBC đang ở mức cao nhờ xu hướng chuyển các dây chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là khi Khu công nghiệp Quang Châu của KBC chỉ cách biên giới một giờ lái xe.

Nhóm xây dựng, bán lẻ tăng trưởng chậm lại

Trái với gam màu sáng của nhóm bất động sản, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành xây dựng lại khá ảm đạm. Lợi nhuận sau thuế của hai ông lớn là Địa ốc Hòa Bình (HBC) và Coteccons (CTD) giảm lần lượt 58% và 71%. Biên lãi gộp của Coteccons giảm hơn một nửa, xuống 3,18%; HBC cũng giảm xuống còn 5,76%, từ mức 8,68% của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp quý II/2019 của Coteccons thấp nhất trong 13 quý gần đây, chỉ thu về 183 tỷ đồng, mới hoàn thành 24% mục tiêu lợi nhuận. Quy mô nhân sự của doanh nghiệp xây dựng này cũng thu hẹp hơn 8%, giảm 225 người so với quý II/2018.

VNX50 gồm 50 cổ phiếu của các công ty niêm yết trên HoSE và HNX, đáp ứng được các điều kiện sàng lọc như tỷ lệ free-float (khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường), thanh khoản và thuộc Top 50 về giá trị vốn hóa của VNX Allshare.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng có sự phân hóa. Chủ động thu hẹp quy mô doanh thu và mạng lưới với 77 chi nhánh đóng cửa, nhưng HSG báo lãi tăng 94% so với mức nền thấp cùng kỳ. Trong khi đó, cả Hòa Phát và Viglacera đều mở rộng quy mô doanh thu, nhưng tốc độ tăng chi phí vẫn lớn hơn. Chi phí bán hàng của Hòa Phát đã lên tới gần 270 tỷ đồng trong quý II/2019, tăng 74% so với cùng kỳ.

Tương tự, Công ty cổ phần Mía đường Bourbon Tây Ninh (SBT) cũng phải chi nhiều hơn cho hoạt động bán hàng do đầu tư vào hệ thống phân phối để mở rộng thị phần. Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng nữa khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này giảm 80% là biên lãi gộp trong riêng lĩnh vực kinh doanh đường đã giảm từ 18% xuống còn 10%.

Lý giải hiện tượng trên, ông Trần Quốc Thảo, Phó tổng giám đốc SBT cho biết, Công ty vẫn còn lượng tồn kho từ quý trước với giá vốn cao, trong khi đơn giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ. Giá đường thế giới giảm mạnh, trong khi lượng đường nhập lậu qua biên giới tăng, khiến giá đường trong nước liên tục sụt giảm thời gian qua.

Đối với Masan và Đạm Phú Mỹ, kết quả kinh doanh giảm sút lại đến từ yếu tố đột biến. Việc sửa chữa, bảo dưỡng đã khiến Nhà máy Đạm Phú Mỹ phải dừng hoạt động khá nhiều thời gian. Đối với trường hợp của Masan, lợi nhuận kỳ này giảm so với mức nền cao cùng kỳ do không còn khoản lãi đột biến từ Techcombank như quý II năm trước.

Nhóm ngân hàng cải thiện tình trạng vốn mỏng nhờ tích lũy lợi nhuận

Không kể các tổ chức ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm thường có tỷ lệ vay nợ cao do đặc thù kinh doanh, thì tỷ lệ nợ vay tại 37 doanh nghiệp còn lại trong nhóm VNX50 bình quân đạt 54,56%, tăng nhẹ so với hồi đầu năm (54,5%). Trong nửa đầu năm 2019, các doanh nghiệp này vay nợ thêm 70.850 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tỷ lệ nợ như Hoa Sen (từ 73,87% xuống 70,39%) nhờ giảm bớt được 1.850 tỷ đồng nợ vay. Trong khi đó, dù vay thêm 23.390 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ của Vingroup vẫn giảm từ 65,62% xuống 62,73% nhờ doanh nghiệp này thu về 17.437 tỷ đồng vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ hơn 154 triệu cổ phiếu cho SK Group hồi cuối tháng 5/2019.

Ngành ngân hàng là một trong những điểm sáng của bức tranh lợi nhuận nhóm VNX50. Lợi nhuận 10 ngân hàng trong nhóm VNX50 tăng hơn 25% so với cùng kỳ. Nhiều ngân hàng báo lãi tăng mạnh dù quy mô lợi nhuận vốn đã ở mức cao, như SHB tăng 55%, Vietcombank tăng gần 49%, VPBank tăng 45%, MBB tăng 33% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần của nhiều ngân hàng vẫn tăng khá dù tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm chỉ đạt 7,33% - mức thấp nhất trong 4 năm. Thu dịch vụ cũng tăng mạnh, như thu dịch vụ của MBB cao gần gấp rưỡi cùng kỳ. Đây cũng là nhân tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.

Tích lũy thêm lợi nhuận là một trong các nguồn chính củng cố vốn tự có của các ngân hàng hiện nay. Tính riêng 10 ngân hàng trong nhóm VNX50, trong khi tổng tài sản tăng 4,87%, thì vốn chủ sở hữu của các nhà băng này tăng hơn 10,8% so với đầu năm. Đến cuối quý II/2019, bình quân cứ mỗi 100 đồng vốn của ngân hàng thì có khoảng 7,74 đồng vốn chủ sở hữu, trong khi tỷ lệ này vào cuối năm ngoái đạt 7,36/100.

Nhiều ngân hàng đã tích cực phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), bên cạnh tích lũy lợi nhuận hàng kỳ. Để đáp ứng chuẩn Basel II, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tới 4 tỷ USD (gần 100.000 tỷ đồng) mỗi năm. Tuy nhiên, huy động vốn mới qua phát hành cổ phần vẫn là cú hích cần thiết để các ngân hàng cải thiện tình trạng vốn mỏng.

BIDV nhận giải thưởng "Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam”
Mới đây, tại Singapore, BIDV đã được Tạp chí Asian Banking & Finance vinh danh với giải thưởng: “Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư