Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bức tranh tương phản thời làm báo 4.0
Nhiệt Băng - 21/06/2022 21:01
 
Lục lọi hàng chục cuốn sổ ghi lại các cuộc phỏng vấn đã ố màu và cây bút cũ sờn theo thời gian, ký ức về những tháng ngày rong ruổi của nghề báo trong tôi lại ùa về.
Phóng viên Nguyễn Phước Tín trong một lần tác nghiệp

Chợt giật mình, vì quá lâu rồi (chẳng biết tự bao giờ), những cuốn sổ và cây bút ấy đã “hao mòn tác dụng”, không còn là hành trang “bắt buộc” phải có trong mỗi chuyến đi xa hoặc cuộc phỏng vấn.

Thay vào đó, thiết bị máy tính và điện thoại di động được “tận dụng” một cách tối đa, từ chụp hình, quay video, cho đến ghi âm, lưu trữ tài liệu, đến soạn thảo bài viết. Có lẽ, đó là sự vận động của đời sống xã hội, trong đó có nghề báo, buộc những người làm báo thời 4.0 phải thích ứng, thay đổi.

Còn nhớ, tháng 6/2016, nhận được nguồn tin báo về việc rừng Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) bị “xẻ thịt”, tôi và một đồng nghiệp quyết định phải “mục sở thị” bằng được. Thử thách lúc này đối với nhóm phóng viên là “phương án tác nghiệp”.

Nhận thấy đi bằng đường chính có thể sẽ bị bảo vệ chặn lại ở mặt tràn hồ Tiên Du (thuộc Tiểu khu 85, Rừng phòng hộ Hòn Hèo), nên chúng tôi chọn giải pháp cắt rừng, đi đường tắt. Kết quả là, sau nhiều giờ trèo bộ, đến giữa ngày, chúng tôi mới “bò” lên được đỉnh núi này. Đang choáng váng mặt mày, lắc lư như người say, thì những cánh rừng phòng hộ bị “lâm tặc” triệt hạ để lấy gỗ xung quanh hồ Tiên Du (núi Hòn Hèo) hiện ra trước mắt.

“Máu” nghề nổi lên, chúng tôi ai nấy bừng tỉnh, cơn mệt được “giải phóng” ngay và luôn. Đây sẽ là bằng chứng không thể chối cãi, để “tố cáo” các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

Ghi nhận thực tế xong, thì chúng tôi mới há hốc mồm, nhìn bình nước uống cầm trên tay chỉ còn… giọt cuối cùng. Cố gắng chịu đựng cơn khát thêm vài chục phút sau đó, nhưng cái nắng oi ức của những ngày hè giữa núi rừng càng lúc càng khiến họng chúng tôi khô rát. “Bây giờ uống nước hồ hay là chết khát”, vừa dứt lời, đồng nghiệp kia đã chạy thẳng xuống hồ Tiên Du “vục” nước đen ngòm uống.

Đó là thực tế hiện trường, còn xuống núi, chúng tôi phải tiếp tục “tranh đấu” quyết liệt với các cơ quan chức năng để “sự thật” được phơi bày. Loạt bài điều tra, phản ánh sau đó đã đem lại hiệu ứng tích cực. Nhiều cán bộ có liên quan đã bị kỷ luật, thuyên chuyển vì buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ.

Bây giờ, mỗi khi nhắc lại kỷ niệm này, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười trừ: “Cuộc sống đôi khi không có lựa chọn. Chuyện gì cũng có thể xảy ra, như vụ uống nước hồ bẩn”.

“Kịch tính” nhất vẫn lần đối diện với “cát tặc” ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) cách đây hơn 5 năm. Chuyện là, trong lúc ghi hình “cát tặc” đang hút cát trên sông Cạn, chúng tôi bị phát hiện. “Cát tặc” huy động lực lượng vây ráp, rượt đuổi, hòng phi tang bằng chứng mà chúng tôi ghi lại được. Nhưng rượt đuổi một hồi, chúng đành phải bỏ cuộc vì không biết chúng tôi trốn ở đâu.

Có lẽ nằm mơ, chúng cũng không nghĩ ra rằng, chúng tôi “tàng hình” dưới lòng sông.

Ngoài những bài viết mang tính phản biện, người viết còn “cân bằng cảm xúc” của mình bằng những đề tài đề cao tính nhân văn. Tháng 5/2014, nếu không trực tiếp đối diện với bà Huỳnh Thị Kim Hoa (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, chủ tàu cá 90152 TS), có lẽ, chúng tôi đã không hình dung hết thời khắc con tàu này bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Hơn hết, con tàu “huyền thoại” 90152 TS trở thành tấm gương phản chiếu rõ nét nhất tấm lòng quả cảm, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của gia đình bà Hoa và các thuyền viên trên tàu.

Lời bà Hoa như “truyền lửa” cho tinh thần yêu nước của người dân Việt: “Tôi không nản lòng vì cuộc đời chúng tôi, gia đình và những người bạn đi biển gắn bó với những con tàu và biển. Tôi không sợ vì mình chính nghĩa, mình đánh bắt trên biển của mình. Tàu này chìm thì đóng tàu khác”.

Vài kỷ niệm mà chúng tôi chia sẻ ở trên phần nào toát lên một ý rằng, nhà báo muốn “sờ nắn sự thật”, đi đến tận cùng của xúc cảm, thì cách duy nhất là đến tận nơi.

Ngày nay, trong thời đại công nghệ 4.0, báo chí có nhiều cách tiếp cận thông tin khác nhau. Nhiều phóng viên chỉ cần có thông tin và tài liệu là có thể triển khai bài viết. Nhưng đôi khi, việc “xác minh từ xa” hoặc qua kênh nào đó vẻ như ít tạo hứng thú cho ngòi bút. Khi tiếp cận phương thức làm báo mới, đâu đó, những hoài niệm xưa cũ trong chúng tôi lại len lỏi tìm về.

Việc đi nhiều, thấy nhiều và phải nghĩ nhiều trở thành “chất xúc tác” hấp dẫn để nhà báo nâng tầm bài viết. Dù làm báo “cổ điển” hay hiện đại, thì bài báo chỉ mang đến sự thú vị và có hơi thở, khi người làm báo chịu khó “cày bừa” như một người nông dân thực thụ. Chỉ khác, nơi đồng ruộng, chỗ “đồng chữ”.

Báo chí Việt Nam - Lào thúc đẩy hợp tác làm báo trong kỷ nguyên truyền thông số
Ngày 26/7, tại tỉnh Nghệ An, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Lào đồng tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế “Báo chí Việt - Lào trong kỷ nguyên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư