Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nhà báo Nguyễn Uyển: Làm báo phải có tâm, có đức với nghề
Thu Phương - 20/06/2020 08:54
 
.
TIN LIÊN QUAN

Theo nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng ban Công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam, người làm báo trong bất kể thời kỳ nào cũng cần phải có tâm, có đức với nghề. Bên cạnh đó, phải yêu nghề, say nghề, luôn nhìn nhận tích cực, tìm tòi cái mới, cái hay để có được cái nhìn sắc bén.

Nhà báo Nguyễn Uyển. Ảnh: Đức Thanh
Nhà báo Nguyễn Uyển. Ảnh: Đức Thanh

Nhà báo phải yêu nghề, say nghề, nhưng phải có tâm, có đức với nghề

Thưa ông, với hơn 55 năm hoạt động báo chí chuyên nghiệp, ông đánh giá thế nào về đóng góp của báo chí trong những năm gần đây?

95 năm qua, kể từ khi Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập (ngày 21/6/1925), Báo chí Cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển, trở thành lực lượng tuyên truyền đắc lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà, xây dựng CNXH, phục vụ sự nghiệp đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Báo chí Việt Nam luôn xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân; thông tin đa dạng, nhiều chiều; luôn làm tốt việc định hướng dư luận và khơi gợi hành động cách mạng của công chúng, bạn đọc.

Tuy nhiên, cũng còn số ít nhà báo bản lĩnh chính trị chưa cao; chưa thật cẩn trọng khi khai thác tài liệu, xử lý thông tin trước khi quyết định loan tin. Số nhỏ thông tin không đúng bản chất sự vụ, sự việc, vấn đề, nên đôi khi làm phân tâm người đọc, người nghe, người xem. Cá biệt, có nhà báo phai nhạt bản lĩnh chính trị, đạo đức, dễ bị thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ của chúng ta, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội như blog, Facebook, Zalo...

Báo chí Cách mạng lúc mới ra đời thường thiên về vận động đấu tranh với kẻ thù, ít nói về phát triển kinh tế, nhưng nay đã khác. Ông nghĩ sao?

Thoảng nghe tưởng như có lý, nhưng không hẳn như vậy. Đương nhiên, Báo chí Cách mạng phải theo sát dòng chảy của cách mạng, của thời đại, thời cuộc. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có mục tiêu rõ ràng, báo chí phải bám sát để tuyên truyền, phục vụ. Thời nào thì cũng phải coi trọng kinh tế.

Thuở xưa, kinh tế tư nhân, kinh tế tự túc tự cấp là nền tảng. Thời kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, Bác và Đảng rất chú trọng nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước, cùng kinh tế gia đình. Khẩu hiệu “Hậu phương thi đua với tiền phương” đã nói lên tất cả. Mấy chục năm trước, chúng tôi làm báo đều phải viết “đa năng”, viết về gương chiến sĩ đánh giặc giỏi, nhưng cũng viết rất hay về những điển hình cá nhân và tập thể làm kinh tế giỏi...

Nay, kinh tế hội nhập với thế giới, các nhà báo càng cần phải có kiến thức vững về kinh tế để góp sức tuyên tuyền, để viết đúng, viết hay. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, các tờ báo đều có nhiệm vụ tuyên truyền phát triển kinh tế, bởi kinh tế mãi là nền tảng để xây dựng, phát triển, tạo thế, tạo lực và uy quyền của quốc gia. Cho nên, nhà báo, tờ báo, cùng các phương tiện thông tin phải coi trọng hoặc gắn kết để tuyên truyền sâu đậm về kinh tế.

Từng gắn kết lâu năm với nghề, ông thấy báo chí xưa và nay khác nhau ở những điểm nào?

Thời xưa, báo chí không nhiều, nên thông tin cũng hạn hẹp. Ngày nay, xã hội phát triển, công nghệ thông tin phát triển, báo chí cũng theo đà phát triển, thông tin ngày một đa dạng, tương tác, phong phú, đa chiều.

Người viết báo cũng có nhiều thay đổi. Họ được đào tạo bài bản, thạo nghề, giỏi ngoại ngữ. Trước đây, chúng tôi làm báo rất thủ công, phương tiện đi lại chủ yếu bằng đôi chân, viết bằng bút mực, thông tin qua báo in, qua phát thanh, truyền thanh.

Thời nay, người làm báo có thể viết được mọi lúc, mọi nơi, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Loan tin nhanh chóng, thậm chí trực tiếp, chỉ nháy mắt đã lan khắp thế giới. Đó là báo chí hiện đại. Rất khác xưa!

Sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin hiện đại là bước tiến rất xa của loài người. Tuy nhiên, cũng có mặt tiêu cực do con người gây ra khi sử dụng công nghệ thông tin. Thông tin là quyền của con người. Vì thế, thông tin trên mạng xã hội là tốt - xấu đan xen, thật - giả lẫn lộn, nên rất cần có sự tinh tường trong tham gia thông tin, sử dụng thông tin và đón nhận nguồn tin.

Hơn bao giờ hết, nhà báo đương nhiên phải yêu nghề, say nghề, nhưng phải có tâm, có đức với nghề. Tiếp nhận thông tin, khai thác thông tin, sử dụng thông tin, loan tin phải có trách nhiệm cao với người đọc, người nghe, người xem và với xã hội. Nói nôm na, thông tin phải sạch, có chất lượng, bổ ích với người đọc.

Bản lĩnh của một nhà báo

Ông có suy nghĩ gì trước những vụ nhà báo tống tiền cá nhân, doanh nghiệp? Ông có yêu cầu gì thêm với đạo đức của người làm báo kinh tế?

Báo chí là một nghề. Đã làm nghề thì phải có đạo đức nghề. Lâu nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã có quy định cặn kẽ về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Người làm nghề báo mà vi phạm quy định đạo đức là xúc phạm báo giới, xúc phạm lòng tự trọng của những nhà báo chân chính.

Quy tắc nghề nghiệp đòi hỏi người làm báo phải công tâm, hết lòng vì lẽ phải và sự công bằng. Không được nói dối, không được nói sai. Không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi. Không được để cho cá nhân hay nhóm lợi ích nào “mượn” báo chí để vụ lợi hoặc làm những điều phi pháp...

Ấy vậy mà vụ việc nhà báo tống tiền cá nhân, doanh nghiệp vẫn xảy ra từ Bắc tới Nam; từ đô thị tới miền núi, với số tiền “ra giá” cả trăm triệu đồng, thậm chí nhiều trăm triệu đồng. Người nhận tiền “chui lủi”, “táo tợn” không chỉ đơn độc một cá nhân, mà là cả “tốp 3, tốp 4”... Sự vi phạm ấy không chỉ là nỗi nhục cho họ, mà còn “gây nhục” cho chính giới báo chí của chúng ta!

Nhà báo cũng là con người, con người dễ bị cuốn hút bởi tiền bạc. Cho nên, nhà báo cần phải có bản lĩnh. Không có bản lĩnh thì dễ bị mua chuộc, ngòi bút sẽ bị uốn éo, lươn lẹo. Muốn thế, từ nơi đào tạo, tuyển dụng và cơ quan nơi nhà báo làm việc phải coi trọng bồi dưỡng, giáo dục, giám sát; vai trò của Chi hội Nhà báo với hội viên phải được đề cao, theo sát, giúp đỡ nhau tuân thủ tuyệt đối đạo đức nghề nghiệp.

Thưa ông, trước đây, người dân chỉ tiếp cận một kênh thông tin duy nhất là báo chí, nên báo chí có một sức mạnh gần như tuyệt đối. Nhưng khi công nghệ phát triển, mọi người có thể tiếp xúc với các mạng xã hội, với nhiều nguồn thông tin khác nhau. Với sự thay đổi đó, nhiều ý kiến cho rằng, sức mạnh của báo chí, niềm tin với báo chí của bạn đọc đã giảm bớt một phần. Ông có nghĩ như vậy?

Đó là sự thật. Đó là tác động của sự phát triển. Công nghệ phát triển sản sinh ra nhiều phương tiện để truyền đạt thông tin và ai cũng có thể thông tin. Phải thừa nhận, đó cũng là một sức mạnh của thông tin, cũng có những người tin và nghe theo. Nhưng những thông tin đó chưa có sự kiểm định, có sự lẫn lộn giữa giả và thật.

Trong bối cảnh này, báo chí chính thống cần phải làm tốt hơn. Thông tin báo chí phải tốt hơn, mạnh hơn thì mới có thể át đi những thông tin lệch lạc trên mạng xã hội. Báo chí cần vận động, tuyên truyền để người dân phân biệt luồng thông tin. Các cơ quan nhà nước cũng cần vào cuộc tuyên truyền đến từng cá nhân.

Covid-19 như một cơ hội để báo chí thể hiện rõ bản lĩnh của mình, giữa thông tin chính xác có kiểm chứng và những thông tin giả tràn lan trên mạng xã hội, thưa ông?

Những thông tin sai lệch trên mạng xã hội thời gian qua đã bị báo chí phanh phui. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường xử lý, chỉ rõ thông tin sai lệch, bịa đặt. Vì thế, lòng tin của nhân dân với báo chí được nhân lên.

Ở tuổi 80, ông vẫn say đi, say viết. Điều gì ông muốn nói với các nhà báo trẻ hiện nay?

Tôi say nghề báo cũng vì luôn để tâm noi theo cái hay, cái tốt của lớp nhà báo trẻ. Họ năng động, chịu khám phá, tìm đến ngọn nguồn vấn đề, sự kiện. Họ sử dụng thành thạo công nghệ thông tin hiện đại, phần đông lớp trẻ chịu đi, chịu đọc, chịu suy nghĩ và có cách thể hiện bài báo khá sáng tạo, truyền cảm...

Xã hội đổi mới, phát triển có nhiều thuận lợi cho nghề báo nhưng cũng nhiều áp lực vì dân trí cao lên, nhiều phức tạp, nhiều cám dỗ... Cho nên, đã mang cái nghiệp vào thân, thì bất kể tuổi tác, các nhà báo đều phải mang cái tâm, cái đức của nhà hoạt động chính trị, luôn vững vàng, bản lĩnh bằng phương pháp báo chí. Viết cái mới, cái hay, nhưng cũng phải dũng cảm chống tham nhũng, tiêu cực. Phải chú tâm rèn đức, luyện nghề để thực sự chắc tâm, chắc tay, chắc đức với nghề báo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư