Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Bundesbank: Nền kinh tế Đức có thể đang rơi vào suy thoái
T.T - 23/03/2024 17:37
 
Theo Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank), nền kinh tế Đức có thể đang rơi vào suy thoái trong quý đầu năm nay.
Trụ sở của ngân hàng trung ương Đức Bundesbank. Ảnh: Reuters
Trụ sở của Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank. Ảnh: Reuters

Báo cáo hàng tháng của Bundesbank công bố ngày 21/3 cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức có khả năng “giảm nhẹ trở lại” trong ba tháng đầu năm 2024, sau khi đã giảm 0,3% trong quý cuối năm 2023.

Nếu có hai quý âm liên tiếp, theo quan niệm của nhiều nhà kinh tế, kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật. Bundesbank kết luận, “sự phục hồi của nền kinh tế Đức đang bị kéo chậm lại”.

Sự phục hồi được kỳ vọng trong mùa Xuân năm nay cũng có thể không diễn ra khi các cuộc khảo sát về kỳ vọng kinh doanh của Viện kinh tế Ifo báo hiệu “có rất ít bằng chứng về sự phục hồi kinh tế trong quý II”.

Bundesbank lưu ý rằng nền kinh tế Đức tiếp tục gặp phải những cơn gió ngược từ nhiều hướng khác nhau, đặc biệt ngành công nghiệp có thể sẽ vẫn trong giai đoạn yếu kém. Đơn đặt hàng cho các sản phẩm do Đức sản xuất tiếp tục giảm cả ở trong và ngoài nước. Chi phí tài chính tăng tiếp tục làm giảm nhu cầu trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư.

Báo cáo hàng tháng của Bundesbank cho biết: “Một yếu tố nặng nề khác là sự không chắc chắn về chính sách kinh tế ngày càng gia tăng, đặc biệt là về hướng chuyển đổi trong tương lai và chính sách khí hậu”.

Ngân hàng này nhấn mạnh rằng tiêu dùng tư nhân cũng không được mong đợi là có bước chuyển biến tích cực trong thời điểm hiện tại. Người tiêu dùng cảm thấy bất ổn và hạn chế chi tiêu, mặc dù khả năng chi trả của họ có xu hướng được cải thiện nhờ tỷ lệ lạm phát giảm và tiền lương tăng mạnh.

Ngoài ra, thời tiết ôn hoà hơn trong tháng Hai và số nhân viên nghỉ ốm đã dần giảm bớt sau khi tăng mạnh trong các tháng mùa Đông có thể tạm giúp giảm bớt khó khăn cho lĩnh vực xây dựng đang vật lộn trong khủng hoảng.

Liên minh châu Âu thông qua dự luật về cắt giảm rác thải bao bì, cấm đồ nhựa dùng một lần
EU đặt mục tiêu giảm dần rác thải bao bì bất kể vật liệu (nhựa, gỗ, sắt, nhôm, thủy tinh, giấy và bìa cứng), cụ thể giảm 5% đến năm 2030,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư